Từ cuối tháng 11 âm lịch, người làm mứt gừng ở phường Kim Long (TP. Huế, Thừa Thiên Huế) và thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) bắt đầu đỏ lửa để làm ra những mẻ mứt gừng thơm ngon, cay nồng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Là một hộ sản xuất mứt gừng với số lượng lớn tại thôn Mỹ Chánh, bà Lê Thị Mỹ Ny (40 tuổi) cho hay, năm nay, lượng khách đặt mua mứt gừng nhiều và sớm hơn so với cùng kỳ năm trước. "Những năm thời tiết ấm áp, lượng khách đặt mua hàng chỉ tăng mạnh từ cuối tháng 11 âm lịch. Tuy nhiên, năm nay, từ trước dịp Giáng sinh chúng tôi phải thuê thêm người làm để sản xuất kịp đơn đặt hàng của khách", bà Ny nói.
Bà Võ Thị Thiều (61 tuổi, trú thôn Mỹ Chánh) cho biết, để có mẻ mứt gừng thương hiệu Mỹ Chánh giòn, ngon đòi hỏi người chế biến phải có sự nhạy cảm để cảm nhận được sự vừa đủ trong mỗi công đoạn. Gừng lựa chọn làm mứt phải là những củ không được quá già hoặc quá non, khi luộc, bỏ thêm chanh vào sẽ giúp cho lát gừng có màu sắc bắt mắt. Quá trình rim, người chế biến phải đảo liên tục để lát gừng thấm đều vị ngọt của đường, tránh tình trạng mứt chín không đều, miếng bị cháy sém, miếng chưa đủ độ giòn.
Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, nghề làm mứt gừng Mỹ Chánh có từ lâu đời, hiện nay có 16 hộ dân đang duy trì nghề làm mứt với quy mô lớn. Mỗi năm, cung ứng ra thị trường khoảng 70 tấn mứt thành phẩm. Nghề sản xuất mứt gừng Mỹ Chánh tạo ra việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động trên địa bàn...
Cũng giống như mứt gừng Mỹ Chánh, tại Thừa Thiên Huế những ngày này, các lò sản xuất mứt gừng tại phường Kim Long lại đỏ lửa, tất bật ngày đêm để kịp làm ra những mẻ mứt gừng thơm ngon.
Năm nay, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dân (phường Kim Long) dự kiến cung ứng ra thị trường 4 tấn mứt.
Theo ông Nguyễn Văn Dân, trước đây nguồn nguyên liệu sản xuất mứt là gừng được trồng ven thượng nguồn sông Hương.
Sau này, do nhu cầu ngày càng nhiều nên gừng được nhập thêm từ Quảng Trị hay một số tỉnh thành khác tại Tây Nguyên.
Để cho ra được những mẻ mứt gừng thơm ngon, các cơ sở sản xuất rất kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu đầu vào.
Củ gừng sau đó được cạo vỏ, bào thành từng lát mỏng, rửa sạch.
Những lát gừng mỏng tanh sau khi thái sẽ được rửa sạch rồi đưa đi ngâm nước vo gạo khoảng một giờ, vớt ra để ráo...
Công đoạn quan trọng, không kém phần vất vả là ngào đường, rim gừng... Người làm phải đứng canh bên bếp lửa thường xuyên để đảo cho mứt ngấm đều đường và không bị cháy.
Quy trình sản xuất mứt gừng tại Kim Long hoàn toàn theo phương thức thủ công, không phẩm màu, không chất bảo quản.
Những mẻ gừng mới ra lò sẽ được để ra nơi khô thoáng cho nhanh ráo, sau đó người làm rủ bớt lớp đường dư thừa.
Sau khi đóng gói, mứt gừng Kim Long được đưa ra thị trường, phục vụ nhu cầu ngày Tết Nguyên đán không chỉ cho người dân tại Thừa Thiên Huế mà còn nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
Lãnh đạo UBND phường Kim Long cho biết, cách đây khoảng 50 năm, dường như tất cả những hộ sinh sống dọc trục đường Kim Long đều làm mứt gừng. Ban đầu họ chỉ làm để gia đình sử dụng trong dịp Tết, nhưng sau này nghề làm mứt gừng phát triển mạnh ra thị trường trong và ngoài tỉnh. “Phát triển mạnh mẽ một thời, thế nhưng những năm gần đây, người làm mứt đang gặp khó do thị hiếu của khách hàng. Hiện nay việc xây dựng nên một thương hiệu đã khó, nhưng để gìn giữ và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn. Toàn phường bây giờ còn khoảng 5-10 hộ còn duy trì nghề”, lãnh đạo UBND phường Kim Long nói.
Video: Cận cảnh công đoạn làm ra mẻ mứt gừng phục vụ thị trường Tết
5 làng nghề đậm chất Tết ở xứ Nghệ SKĐS - Vào dịp cuối năm, nếu có điều kiện đi thăm các làng nghề truyền thống ở xứ Nghệ như làm hương trầm, bánh chưng, trồng hoa đào, nước mắm... bạn sẽ cảm nhận rõ rệt hơn không khí Tết đang đến rất gần.