Làng nghề gốm sứ Bát Tràng: Sống mãi với thời cuộc

20-04-2018 17:45 | Xã hội
google news

SKĐS - Có thể nói làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ gốm sứ Bát Tràng là một trong số 13 làng nghề gốm sứ trong cả nước gồm: Thổ Hà, Chu Đậu, Bát Tràng, Kim Lan, Phù lãng, Đông Triều, Thanh Hà, Phước Tích, Bầu Chúc, Biên Hòa, Lái Thiêu, Vĩnh Long, Cây Mai.

Riêng gốm sứ Bát Tràng không chỉ trụ vững, mà còn rất năng động trong hội nhập và phát triển thành một thương hiệu mạnh của Thủ đô Hà Nội.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.

Nhiều giai thoại

Theo tiến trình lịch sử, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ Bát Tràng có từ thời Lý, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra Thăng Long, Hà Nội, năm 1010. Năm dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm của hai làng là Bồ Xuyên và Bạch Bát (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng quê ta chốn kinh thành để tìm đất lập nghiệp. Đến Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng, nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), nơi có nguồn đất sét trắng dồi dào làm nguyên liệu thô để sản xuất ra đồ gốm. Như vậy, làng gốm sứ Bát Tràng đã có hơn 1.000 năm tuổi.

Tuy nhiên, cũng có một tài liệu khác cho rằng, vào thời nhà Lý, làng có ba vị Thái học sinh là Hứa Vinh Kiều (hay còn gọi là Cảo), Đào Trí Tiến và Lưu Phương Tú (hay còn gọi là Lưu Vĩnh Phong) được cử đi sứ Bắc Tống (960 - 1127). Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước, ba vị Thái học sinh này đi qua vùng Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc thì gặp bão nên phải dừng chân xin nghỉ lại ở một làng có lò gốm nổi tiếng. Nhân đấy, ba ông đến thăm và học được một số mẹo thuật làm gốm của người dân bản địa. Ba ông mang các kiến thức mới học lỏm được về truyền bá cho người dân chốn quê nhà. Theo đấy, Hứa Vĩnh Kiều truyền cho làng Bát Tràng nước men rạn trắng, Lưu Phương Tú thì truyền cho làng Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh nước men màu đỏ và màu vàng thẫm, còn Đào Trí Tiến truyền cho làng Thổ Hà thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nước men sắc màu vàng đỏ. Điều này chúng tôi cũng đã được nghe ông chủ lò gốm Thổ Hà kể lại cách đây ít lâu khi chúng tôi lên đây tìm hiểu.

Lại có tài liệu ghi rằng, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mang theo 36 làng nghề, nhưng làng nghề gốm sứ Bát Tràng là làng đi sau chót nên có mặt tại Thăng Long cũng muộn hơn vào thế kỷ XIV. Hoặc có tài liệu cho rằng những thợ gốm lành nghề từ làng gốm Chu Đậu thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã sang Bát Tràng lập nghiệp, truyền nghề, mở rộng sản xuất từ xa xưa. Tuy độ xác tín của các tài liệu có khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn rằng làng nghề gốm sứ Bát Tràng xuất hiện từ rất sớm.

Bộ ấm chén cao cấp Bát Tràng.

Bộ ấm chén cao cấp Bát Tràng.

Khẳng định giá trị bằng cách làm truyền thống

Sau năm 1986, làng nghề gốm sứ Bát Tràng cũng như nhiều làng nghề gốm sứ khác trong cả nước đã có sự chuyển biến theo hướng kinh tế thị trường. Các hợp tác xã, mô hình chủ yếu của thời kỳ kinh tế bao cấp lần lượt giải thể hoặc chuyển thành các công ty cổ phần. Những công ty lớn được thành lập, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều tổ sản xuất và phổ biến là những đơn vị sản xuất nhỏ theo hộ gia đình. Sản xuất phát triển, việc giao thương hàng hóa cũng từ đấy mà phát triển theo. Xã Bát Tràng nay đã trở thành một trung tâm gốm sứ lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á, có tiếng vang khắp thế giới. Đây là cơ hội lớn không chỉ để lưu thông sản phẩm hàng hóa, mà còn để Bát Tràng mở mang và phát triển thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương.

Hiện nay, sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng phong phú và đa dạng so với trước đây. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới về chủng loại, mẫu mã đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm gốm sứ thủ công mỹ nghệ của Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy,... Làng gốm sứ Bát Tràng cuốn hút nhiều nhân lực từ khắp mọi miền của đất nước về đây để sáng tác mẫu mã mới và cải tiến công nghệ sản xuất. Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc...

Lò nung ga hiện đại của làng gốm sứ Bát Tràng.

Lò nung ga hiện đại của làng gốm sứ Bát Tràng.

Đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây là làng gốm có các dòng men riêng ngay từ đầu. Từ loại men ngọc cùng với nâu và trắng cho đến men rạn với cốt gốm xốp có màu xám nâu. Những sản phẩm không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại. Tất cả các loại hình sản phẩm đều được chế tác tinh xảo theo một quy trình nghiêm ngặt cùng với tay nghề của những người dân dày dạn kinh nghiệm. Để có được một sản phẩm gốm sứ hoàn chỉnh cần phải trải qua ba quy trình chính. Đầu tiên là quá trình chọn đất, xử lý, pha chế đất, tạo dáng, phơi sấy và sửa hàng mộc rồi tới khâu trang trí hoa văn, phủ men (chế tạo men, tráng men và sửa hàng men). Cuối cùng là quá trình nung, người làm gốm sẽ phải chuẩn bị lò nung, bao nung, nhiên liệu sau đó chồng lò lên rồi vào bước đốt lò.

Lúc đầu gốm sứ Bát Tràng thường dùng loại lò ếch để đốt, nung bằng các nhiên liệu như rơm, rạ, tre, nứa. Cho đến khi chuyển sang sử dụng lò đứng, than cám trở thành nguồn nhiên liệu chính còn củi chỉ để gầy lò. Than cám đem nhào trộn kỹ với đất bùn theo tỷ lệ nhất định có thể đóng thành khuôn hay nặn thành bánh nhỏ phơi khô. Đốt lò theo cách này, chủ yếu được sử dụng trong thời kỳ bao cấp, gây khói bụi, xả thải bã than làm ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân trong vùng và đặc biệt là đối với những người thợ trực tiếp sản xuất.

Có lẽ vì thế mà chính người dân nơi đây buộc phải thay đổi hình thức đốt, nung sản phẩm bằng việc sử dụng gas, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa giảm được thời gian đốt lò, vì nhiệt lượng của gas cao hơn củi và than cám, trong khi năng suất và chất lượng của sản phẩm nung, đốt tăng lên rõ rệt, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường về khối lượng sản phẩm. Đây được xem là hướng đi đúng để Bát Tràng không chỉ có gốm sứ thủ công mỹ nghệ, mà còn có du lịch làng nghề. Hiện nay du khách đến làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng có thể được thực hành nghề làm gốm sứ tại chỗ do các nghệ nhân hướng dẫn, tạo nên sự hấp dẫn, kích thích tính tò mò muốn khám phá một nghề cổ truyền từ bao đời nay mà các thế hệ cha ông người Việt đã dày công xây dựng và truyền lại cho muôn đời con cháu hôm nay và mai sau.

Với hơn 200 tỷ đồng đóng vào ngân sách thành phố hàng năm là một con số không hề nhỏ và đầy ý nghĩa của một đơn vị cấp xã như Bát Tràng thông qua việc bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ và dịch vụ du lịch. Nhưng cái được lớn hơn số tiền trên của Bát Tràng chính là quảng bá một cách tự nhiên nhất hình ảnh quê hương, đất nước và con người Việt Nam cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất dựng xây cuộc sống mới, hòa nhập và phát triển cùng khu vực và thế giới.


Thu Hiền
Ý kiến của bạn