Những ngày này, các lò nấu mật mía tại xã Thọ Điền hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ mật đạt chất lượng, phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo tìm hiểu, nghề nấu mật mía ở Thọ Điền là nghề cha truyền con nối qua nhiều thế hệ và duy trì cho đến ngày nay. Trước đây, cứ đến dịp Tết, người dân nơi đây tập trung nấu mật mía rồi đóng chai, đóng can... mang xuống các chợ trong vùng để bán.
Cách đây vài ba năm, người dân còn phải dùng sức trâu, bò để kéo quay che. Nhưng những năm gần đây, nhiều gia đình đã đầu tư máy ép chạy bằng điện nên việc ép mật cũng đỡ vất vả hơn mà đảm bảo vệ sinh hơn.
Anh Trần Sỹ Nam (SN 1972, chủ cơ sở sản xuất mật mía ở thôn 5, xã Thọ Điền) cho biết: "Năm nay gia đình tôi thu mua khoảng 600-700 tấn nguyên liệu, cho sản phẩm khoảng 60-70 tấn mật mía cung ứng ra thị trường".
Cũng theo anh Nam, nghề làm mật mía rất vất vả, muốn mật ngon phải đứng “canh” chảo trong nhiều giờ, đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng mật, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không được thơm ngon...
Khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật. Sau khi nấu xong, người dân tiếp tục lọc mật qua lớp vải màn để sạch cặn, khi mật nguội thì sẽ có một lớp bọt đường nổi lên thì hoàn thành.
Việc làm từ các lò nấu mía thủ công đã giúp nhiều lao động địa phương có công việc, thu nhập ổn định. Hiện đang vào vụ, nhiều chủ lò lại cần thêm nhiều lao động. Người dân cho biết, cứ 1 tấn mía ép tươi sau khi nấu thành phẩm được 1 tạ mật. Mật mía năm nay được bán với giá 45.000-50.000đồng/lít, giá cao hơn so với nhiều năm trước.
Bà Trần Thị Hoa (ở thôn 2) cho hay, công việc nấu mật mía được người dân nơi đây thực hiện chỉ trong vài tháng cuối năm nhưng mang lại thu nhập tương đối cao, ước tính mỗi hộ gia đình thu lãi 40-50 triệu đồng vụ Tết sau khi đã trừ mọi chi phí.
“Đây là nghề truyền thống của gia đình từ thời ông bà truyền lại. Làm nghề này tuy vất vả, nhưng đổi lại thu nhập cũng ổn định và năm nào cũng có một cái Tết đủ đầy”, bà Hoa phấn khởi nói.
Quá trình nấu mật mất 5-8 tiếng, khi mẻ mật trở nên sánh mịn, đặc, thơm, có màu vàng cánh gián thì mới đảm bảo chất lượng.
Trong những ngày Tết cổ truyền, người Việt thường dùng mật mía để chấm bánh chưng , nấu chè, nấu bánh trôi, bánh gai… Các xưởng bánh kẹo thì cần nguồn mật lớn để làm nguyên liệu. Bởi thế, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm "thủ phủ" mật mía Thọ Điền lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Không khí Tết như đến sớm hơn ở vùng miền núi này.