Lặng lẽ tuổi thơ

17-06-2019 16:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Một kỳ nghỉ hè lại đến với trẻ thơ. Nhiều em được bố mẹ cho tham gia các trại hè, nhưng cũng có không ít em suốt ngày bị nhốt trong nhà, làm bầu bạn với smartphone và máy tính.

Cuộc sống công nghiệp hối hả, người lớn quay cuồng trong mưu sinh, mải lo kiếm tiền, đầu tắt mặt tối. Khi trở về nhà thì đầu óc cũng mệt rũ, chân tay rã rời, cũng chỉ trò chuyện với con được dăm ba câu rồi đi ngủ. Ngày mai lại vòng quay mới... Cuộc sống càng hiện đại thì nhu cầu về vật chất của mỗi người ngày càng tăng. Để đáp ứng những nhu cầu ấy, họ phải lao động nhiều hơn và do đó để phân bổ thời gian là bài toán đau đầu với tất cả mọi người. Và cứ như thế, cha mẹ luôn ưu tiên công việc lên hàng đầu, kiếm tiền là chuyện quan trọng mà giảm tối thiểu những bận tâm khác. Rất nhiều người nghĩ rằng càng có nhiều tiền thì càng có thể đầu tư nhiều hơn cho việc giáo dục con cái, có thể cho con vào trường tốt, học nhiều lớp hơn, cho con học trường tư tốt hay du học nước ngoài. Vì guồng quay của đồng tiền và của xã hội cuốn hút con người ta ghê lắm.

Dường như càng ngày cha mẹ càng ít quan tâm thực sự đến lớp trẻ, hay nói cụ thể hơn chính là những đứa con của mình. Sau những cuộc đua chọn trường điểm lớp chọn cô giáo giỏi là coi như xong trách nhiệm. Nhiệm vụ giáo dục con cái được chuyển sang phía ngành giáo dục vốn cũng đang bộn bề những cải cách chương trình, đổi mới sách giáo khoa với đầy bất cập về con người. Gia đình không quan tâm giáo dục trẻ em thì giáo dục đó thuộc về nhà trường. Còn chúng ta, các bậc làm cha làm mẹ thì chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, ép con chạy đua thành tích và đổ lỗi... Thế nhưng hiện nay một bộ phận đông thầy cô cũng phải lao vào vòng xoáy kiếm tiền, nên không quan tâm nhiều đến học sinh và mọi sự quan tâm đều bị quy về đồng tiền. Vì vậy trẻ em được hoàn toàn phó mặc cho xã hội.

Ngày trước, khi bố mẹ đi làm, trẻ em tụ tập chơi các trò như nhảy dây, đá bóng, đá cầu hay trẻ em nông thôn thì có các trò dân gian như đánh chắt, đánh chuyền, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê. Đó là những trò bổ ích cho các em vì tạo sự gắn kết với bạn bè, yêu cầu các em vận động thân thể, trí óc và tiếp xúc với không gian bên ngoài. Ngày nay internet phát triển, khi bố mẹ còn mải mê với công việc, trẻ em ngồi trong nhà chơi một mình với các trò trên mạng không được kiểm duyệt. Bây giờ mạng xã hội phổ cập, phim ảnh nhiều cũng góp phần cho trẻ cơ hội hoàn thiện mình. Tuy nhiên mặt trái là những trang mạng không có tác dụng giáo dục, những trò chơi game hay phim bạo lực lại ảnh hưởng xấu đến trẻ em.

Chúng ta đang trải qua một giai đoạn đầy biến động về đời sống văn hóa - xã hội. Trong 2 thập kỷ qua, nền kinh tế tập trung bao cấp đã được thay bằng nền kinh tế thị trường; sách vở đã thay bằng điện thoại thông minh; những luồng văn hóa từ khắp nơi du nhập vào; những tư tưởng mới được truyền bá;... Khoảng cách thế hệ vì thế giãn nở nhanh hơn. Những bậc phụ huynh gần như không có kinh nghiệm về những gì con mình đang trải nghiệm. Học hành cũng khác, giải trí khác, mà quan hệ bạn bè đồng lứa cũng khác. Chưa kể đến những hình mẫu kiểu “Bảnh”, “Thánh chửi” nhan nhản trên mạng xã hội...

Trong một thống kê của chuyên khoa tâm thần nghiên cứu của các học giả trên thế giới cho thấy, số trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm tiếp tục gia tăng, với ước lượng cứ 20 trẻ thì có một cháu bị bệnh này. Trầm cảm và lo âu trong số trẻ em và thanh thiếu niên thường là bệnh phối hợp; ước tính khoảng 11- 69% trẻ lo âu bị trầm cảm và 15-75% trẻ trầm cảm bị rối loạn lo âu. Hơn 50% trẻ đang bị trầm cảm sẽ tái phát trầm cảm lúc trưởng thành, nên cần chẩn đoán và điều trị sớm. Những số liệu khoa học cho thấy, bệnh trầm cảm tăng ở lứa tuổi vị thành niên. Tỷ lệ tự tử ở tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” này cũng gia tăng theo chiều thẳng đứng. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội còn hạn chế và thường tập trung vào những rối loạn sức khỏe tâm thần nặng. Bác sĩ về chuyên khoa tâm thần nhi cũng ít. Chính vì vậy những nghiên cứu chuyên sâu về chẩn đoán điều trị cho tâm thần nhi hiện nay rất hạn chế.

Cộng với sự thờ ơ của một bộ phận không nhỏ các bậc làm cha làm mẹ, sự cô đơn của những đứa trẻ ngày một lớn hơn. Con cái chúng ta khi rời trường học đã không còn những kết nối thực trong cuộc đời. Lớp kỹ năng sống hay những khóa tu chỉ như việc điền vào chỗ trống của các bậc cha mẹ trong thời gian rất ngắn. Còn thì nhìn chung, các bậc cha mẹ, đặc biệt là ở thành thị đang phó mặc con mình cho “ông” mạng xã hội.

Mải kiếm sống, thiếu hiểu biết, cha mẹ dường như dần để con cái tuột khỏi vòng tay một cách lặng lẽ. Đâu đó những hình bóng bé nhỏ đang cô đơn, các chủ nhân tương lai của đất nước đang bế tắc và thiếu thốn sự quan tâm. Còn người lớn, khi một thời gian sau con lớn rồi, thấy con không được như mình mong đợi thì lại ân hận nghĩ rằng giá như ngày ấy mình nên quan tâm con nhiều hơn. Và giá như không phải nhắc tới hai từ giá như...


Hồng Liên
Ý kiến của bạn