Lặng lẽ chiều Cô Lin

04-05-2017 21:29 | Xã hội

SKĐS - Trong không khí trang nghiêm trên boong tàu mang số hiệu KN 491, ca khúc Hồn tử sỹ vang lên bi tráng và da diết.

Trong không khí trang nghiêm trên boong tàu mang số hiệu KN 491, ca khúc Hồn tử sỹ vang lên bi tráng và da diết. Thời gian như ngừng lại, tất cả gần 200 thành viên đoàn công tác số 5 do đồng chí Trần Hữu Bình - Phó Bí thư thường trực Ðảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đứng đầu, dành 1 phút mặc niệm để ghi nhớ công lao của các anh. Nơi đây, giữa trùng khơi 29 năm trước - 14/3/1988, Trung Quốc ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta, nhiều tấm gương anh dũng hy sinh vì sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu không cân sức

Rạng sáng ngày 14/3/1988, Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong mỗi người dân Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với lực lượng tàu chiến hùng hậu của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125; của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân...

Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái - Phó Tham mưu trưởng Hải quân xúc động tại Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái - Phó Tham mưu trưởng Hải quân xúc động tại Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Trong diễn văn tưởng niệm, Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái - Phó Tham mưu trưởng Hải quân đã xúc động: “Chúng ta cảm phục tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng tàu HQ-604; Anh hùng liệt sĩ, Thiếu uý Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo... 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng nắm chặt tay nhau đến hơi thở cuối cùng”.

Cũng trong bài diễn văn, Chuẩn Đôc đốc Đỗ Minh Thái còn nhắc nhớ lại, trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Đó còn là Thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, dũng cảm mưu trí chỉ huy tàu HQ-505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm... “Các anh đã nằm lại nơi đây, hòa mình vào trong lòng biển, đảo quê hương. Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang, để lại phía sau là niềm tự hào, song cũng là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí. Để lại nỗi nhớ khuôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh trở về...”, Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái nghẹn ngào.

Thời gian như ngừng lại, những giọt nước mắt đã rơi kèm tiếng nấc nghẹn ngào trong không khí trang nghiêm, từng người, từng người một đã thắp nén hương, tay cầm một bông hoa và hạc giấy thả xuống biển tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma trong nắng chiều gay gắt. Biển yên ả lạ thường…

Có những điều khó lý giải

Giữa biển khơi, giữa muôn trùng sóng gió một chiều cuối tháng 4, biển chỉ có nắng và gió. Đứng trên đảo Cô Lin, tất cả mọi người đều có thể nhìn rõ đảo Gạc Ma trong tầm mắt, tuy nhiên đã bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái chia sẻ với chúng tôi, như đã thành thông lệ, các đoàn công tác ra thăm, làm việc và tặng quà tại các đảo ở Trường Sa. Tại điểm đảo Cô Lin này, trong các chuyến tàu ra đảo của Hải quân nhân dân Việt Nam hiện nay thường tổ chức tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước trong sự kiện CQ-88. Sẽ có bài diễn văn, thắp hương, mặc niệm và thả hoa xuống biển và có những điều khó lý giải đã xuất hiện ở đây.

Cán bộ chiến sĩ và thành viên đoàn công tác thả hoa tưởng niệm liệt sĩ trên vùng biển Trường Sa.

Cán bộ chiến sĩ và thành viên đoàn công tác thả hoa tưởng niệm liệt sĩ trên vùng biển Trường Sa.

Cán bộ chiến sĩ và thành viên đoàn công tác thả hoa tưởng niệm liệt sĩ trên vùng biển Trường Sa.

Theo các anh, thường trong khi đọc diễn văn, gió thường thổi to, biển dậy sóng trào, thậm chí xuất hiện mưa rào rồi tạnh. Nếu không thì trời trong xanh gió lặng yên, biển yên ả đến lạ thường. Và trong ngày hôm nay, đoàn của chúng tôi, các anh như thấu hiểu lòng của chúng tôi, biển yên ả lạ thường... Dù gió có thổi theo hướng nào, sóng có to đến đâu nhưng những vòng hoa tưởng niệm, những bông hoa và hạc giấy khi được thả xuống biển, gửi tới các chiến sĩ cùng lòng kính trọng và biết ơn sự hy sinh của các anh, sóng biển luôn xếp thành hình chữ S, hình hài của Tổ quốc Việt Nam, sóng sẽ đưa trôi ngược về phía đảo Cô Lin, Gạc Ma. Đúng như lời chia sẻ, tối hôm đó, trên boong tàu, mọi người đã nhận được thông tin từ đảo Cô Lin vòng hoa tưởng niệm đã trôi đến gần sát đảo.

Hiện nay, trong khuôn viên Chùa Sinh Tồn trên đảo Sinh Tồn, cách đảo Gạc Ma vài hải lý, có nhà bia với tấm “Bia Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma 14/3/1988”. Đại đức Thích Minh Huy - trụ trì chùa Sinh Tồn cho biết: “Tấm bia này được làm từ đất liền mang ra đảo và khánh thành vào ngày 27/7/2013, mặc dù tấm bia nặng, việc vận chuyển ra đảo rất khó khăn, tuy nhiên, khi đặt yên vị tấm bia này không bị một vết sứt. Hàng ngày, nhà chùa vẫn cầu nguyện cho các anh, các anh được sinh ra để trường tồn với thời gian”, Đại đức Thích Minh Huy chia sẻ.

Trước đó, trước khi làm công tác chuẩn bị tổ chức buổi tưởng niệm, đứng cạnh Thiếu tá Cao Quyết Thắng - trợ lý tham mưu, Bộ tư lệnh Hải quân đã hích vai tôi và nói: “Nhà báo để ý nhé, tí nữa trong khi thủ trưởng làm lễ tưởng niệm thế nào sóng gió cũng nổi lên, hoặc là trời sẽ đổ cơn mưa đấy!”. Chiều hôm nay, sóng gió không cồn cào, trời cũng không có mưa, nhưng biển thì êm ả đến lạ thường, dường như các anh đang theo dõi hải trình chúng tôi đang đi, các anh đã quây lại thành vòng tròn bất tử để ngăn chặn những con sóng cồn. Để rồi trong suốt hành trình 10 ngày lênh đênh trên biển cả bao la, tàu KN 491 của chúng tôi luôn êm đềm vượt mọi hải lý cập bến an toàn. Tất cả thành viên đoàn không ai bị say sóng trong suốt hải trình. Mỗi người đều mang trong mình những suy nghĩ và cảm nhận riêng về biển đảo, về sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ trên đảo Gạc Ma để thấy mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó.

Trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 này, biển xanh hơn và bầu trời dường như cao rộng hơn. Nhiều đoàn công tác thuộc các cơ quan, tổ chức từ đất liền được tổ chức ra thăm và tặng quà cho chiến sĩ và nhân dân trên các điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc như tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, chắc tay súng bảo vệ bình yên cho biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tôi cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của nhân dân cả nước đối với những người nằm lại giữa biển khơi. Chúng ta không thể nào quên! Các anh đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng, để hôm nay chúng ta vẫn còn nghe thấy tiếng các anh trên những con tàu lướt sóng giữa mênh mông trùng khơi. Các anh vẫn sống như cây phong ba trong nắng gió Trường Sa. Các anh đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn!

Cô Lin, chiều 16/4/2017


Bài, ảnh: Trần Lâm
Ý kiến của bạn