Từ vài thế kỷ trước, dân Thái Bình, dân xứ Ðông, xứ Ðoài, dân mạn ngược đã biết đến làng Cổ Khúc, tên nôm là Khuốc, xã Phong Châu, huyện Ðông Hưng, Thái Bình. Nơi đây có những gánh chèo nối tiếp nhau đi hát, đào kép thiện nghệ mấy chục người. Mỗi mùa xuân đến, các gánh chèo lại có dịp “trổ tài”, thể hiện tình yêu đối với loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời. Người dân có câu ca: “Hỡi cô thắt bao lưng xanh. Có nghe chèo Khuốc với anh thì về”.
Sinh hoạt của đội chèo làng Khuốc. |
Hồi sinh những chiếu chèo
Chúng tôi về làng Khuốc tháng cuối năm, dòng sông Tuộc trong xanh nhẹ nhàng chảy. Người dân lam lũ vẫn đang tất bật làm việc, hoàn thiện các công việc gia đình, đồng áng để chờ đón xuân về, họ lại tụ tập nơi mái đình cổ kính hay ở bất kỳ một gia đình nào đó, cùng tha thiết trong các làn điệu chèo, cho cuộc sống bình yên, tươi đẹp lấp lánh, lung linh mãi. Ông Quách Xuân Sáu - Trưởng ban văn hóa xã Phong Châu là người lưu giữ được nhiều điệu hát đặc sắc, cũng là người khi đã hát thì từng lời du dương tha thiết, ngấm vào lòng người. Ông vui mừng nói: “Từ năm 2000, chèo làng Khuốc được chú ý khôi phục, đến nay, mỗi dịp Tết đến, dân làng Khuốc ăn Tết bằng chèo. Sân Trung tâm văn hóa xã nườm nượp người đổ về xem biểu diễn. Ðội chèo xã đủ cả ba thế hệ, tuổi ngoài năm mươi xuống dưới mười lăm. Dàn nhạc đủ cả nhị hồ, đàn sáo, trống phách. Hơn 20 diễn viên nam nữ diễn liền mấy đêm chưa hết vở, những Tấm Cám, Suối tiên, trích đoạn Từ Thức, Quan Âm Thị Kính... chả thua mấy chèo chuyên nghiệp. Hội diễn huyện, tỉnh, khu vực, toàn quốc thì chả kỳ nào không đến tranh tài, không lĩnh huy chương”.
Qua tìm hiểu, từ năm 1980 đến năm 2000, làng Khuốc thưa vắng hát chèo. Người dân vì bận làm ăn để có nhiều tiền, vì trai tráng túa đi tứ xứ kiếm tiền, đoàn chèo của tỉnh đi diễn chẳng có người xem. Các nghệ nhân chèo buồn bã, không làm sao để khán giả trở về với sân khấu chèo. Dẫu vậy, trong lòng mỗi người dân Khuốc tiềm tàng một dòng máu nghệ thuật chảy. Từ năm 2000, nhờ tâm huyết của các nghệ nhân quyết tâm khôi phục, chèo Khuốc hồi sinh nhanh chóng. Nhiều dự án quốc gia, tỉnh, hợp tác quốc tế đổ tới chiếu chèo, dân Khuốc mừng rỡ hãnh diện. Cũng từ đó, nhiều dự án nhằm phát triển chiếng chèo làng Khuốc được thành lập và đi vào hoạt động như: “Xây dựng nhà thờ Tổ chèo làng Khuốc” của Quỹ Việt Nam - Ðan Mạch, phát triển “Sân khấu học đường” do Sở Giáo dục và đào tạo tài trợ. Tỉnh cũng xây dựng quỹ “Hỗ trợ xây dựng điểm du lịch chiếu chèo làng Khuốc”.
Các cụ già bây giờ hả hê sống để truyền nghề cho lớp trẻ. Xã mở liên tiếp các lớp luyện chèo, múa để mỗi khi có dịp là giao lưu với những làng chèo trong tỉnh. Dịp Tết, con cháu trong dòng họ tụ tập đông đúc, ra đình mang “món” truyền thống là chèo ra diễn để góp cho không khí xuân thêm đầm ấm. Người đến chúc Tết các gia đình, nếu muốn có thể mang đàn ra gảy, tấu nhạc rồi hát, làm lời chúc xuân. Chủ nhà lại đáp lại bằng một điệu để mừng tuổi, chúc xuân. Cái không khí ấy đầm ấm, văn hóa và thể hiện được bản chất của làng văn hóa lâu đời. Điều đó đáng để rất nhiều làng khác học tập.
Chiếng chèo có tự ngày xưa
Chiếng chèo làng Khuốc ra đời từ rất sớm, một thời đã từ sân khấu dân gian bước vào phục vụ trong cung đình của các vương triều phong kiến. Cho đến nay, những người sành chèo, mê chèo vẫn còn ghi nhận nhiều ấn tượng tốt đẹp về những đào, kép: Đào Thị Na, Vũ Văn Phụ, Quách Văn Khởi, Hà Quang Bổng, Phạm Văn Điền, Cao Kim Trạch... ở làng Khuốc. Có thời, làng Khuốc có tới 14 gánh hát chèo đi biểu diễn ở khắp nơi trong cả nước.
Theo cuốn Hí phường phả lục do Lương Thế Vinh biên soạn từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thì làng Khuốc là một trong 7 cái nôi chèo của đất Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiếng chèo làng Khuốc vẫn tồn tại, phát triển và có sự kế thừa. Đã có những nghệ sĩ nổi tiếng như cụ Nguyễn Đình Nghị, quê Hưng Yên - người từng cải biên hàng chục vở chèo cổ cũng đã về làng Khuốc mấy năm trời để tìm kiếm cho bằng được cái vốn cổ mang bản sắc dân tộc độc đáo của chiếng chèo nơi đây.
Trên con đường phát triển văn hóa, văn nghệ theo định hướng mới với những đề tài hiện đại, song làng Khuốc vẫn không quên gìn giữ và phát huy vốn cổ của quê hương mình. Cùng với việc dàn dựng các vở mới, chiếng chèo Khuốc vẫn chú trọng tập luyện và lưu giữ được rất nhiều vở chèo cổ như: Từ Thức, Trương Viên, Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Suý Vân, Tống Chân - Cúc Hoa...
Nghệ sĩ chèo Quách Văn Khởi cho biết: “Với Thái Bình, bao giờ hết lúa mới không còn chèo. Xưa, cả làng Khuốc hát chèo. Ngày đi làm đồng cũng hát, cũng luyện cho nhau hát. Tối tối, tiếng trống phách, nhị hồ, đàn tam đàn tứ, tiếng ngân chèo í a râm ran đầu làng cuối xóm, làng cứ như nhạc viện. Nhiều gia đình cả nhà thạo hát. Các gánh hát dồi dào đào kép, có gánh cả cha con, vợ chồng, anh em cùng diễn. Hiện làng Khuốc còn giữ được 12 làn điệu cổ cả nhạc lẫn lời như Vẫn non mai, Tuyết dạt sông Thương, Hề đơm đó...”.
Món ăn tinh thần không thể thiếu
Múa hát chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với người dân làng Khuốc. Bất kỳ ở đâu, người làng Khuốc vẫn có thể hát và diễn chèo được. Cứ tiếng trống, tiếng phách rung lên là mọi người lại hứng khởi muốn diễn, muốn hát; lại hòa nhập với nhau để diễn, để hát.
Chèo làng Khuốc thành cái nôi của nghệ thuật chèo. Ngành chèo Việt Nam coi chèo làng Khuốc là Tổ chèo và hằng năm cứ vào ngày 12 tháng 8 âm lịch, những người yêu mến bộ môn nghệ thuật chèo đều hội tụ về đây bái vọng. Làng Khuốc với chiếng chèo đã là Làng văn hóa cấp tỉnh. Hương ước mới nghiêm hơn trước, do dân bàn soạn, nhất trí mà nên. Cả làng có tới 93% số gia đình văn hóa. Hằng năm, làng Khuốc có tới trên 10 học sinh phổ thông thi đỗ vào khoa chèo của các trường nghệ thuật. Trong các cuộc thi, hội diễn toàn quốc, nhiều học sinh đoạt huy chương các loại. Tới mùa tuyển sinh, các đoàn nghệ thuật trong cả nước lại đem những tài năng trẻ ấy đi đào luyện trở thành những nghệ sĩ chèo chuyên nghiệp. Nhiều người dân khẳng định: “Tài năng chèo làng Khuốc không bao giờ cạn vì được truyền lại rất bài bản và công phu”.
Diên Khánh