Làng họa sĩ giữa ngã ba sông

24-03-2013 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Từ Hà Nội ngược Quốc lộ 32 theo hướng Sơn Tây, qua làng cổ Ðường Lâm nổi tiếng, đến thị trấn Tây Ðằng, rẽ phải chừng độ hơn một cây số là chúng ta bắt gặp một ngôi làng cổ bé nhỏ khoảng 800 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu nằm ngay cạnh ngã ba Bạch Hạc gọi là làng Cổ Ðô.

Từ Hà Nội ngược Quốc lộ 32 theo hướng Sơn Tây, qua làng cổ Ðường Lâm nổi tiếng, đến thị trấn Tây Ðằng, rẽ phải chừng độ hơn một cây số là chúng ta bắt gặp một ngôi làng cổ bé nhỏ khoảng 800 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu nằm ngay cạnh ngã ba Bạch Hạc gọi là làng Cổ Ðô.

Người khởi nghiệp làng họa sĩ

Nằm soi bóng nơi hợp lưu giữa sông Đà, sông Hồng và sông Lô, gần ngã ba Bạch Hạc, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Cổ Đô vẫn giữ được những nét cổ kính của làng quê Việt vùng châu thổ sông Hồng. Những ngôi nhà ngói thanh bạch nép mình sau những rặng tre rì rào trong gió, những cánh đồng lúa xanh non mơn mởn bên trong bến sông tấp nập thuyền bè qua lại... tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, rất đỗi thân quen.

Nhưng từ quãng hơn nửa thế kỷ nay, làng Cổ Đô còn được biết đến là làng họa sĩ, bởi ở đấy có hàng chục họa sĩ thành danh và nổi tiếng như họa sĩ Sỹ Tốt không những có nhiều tranh được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia như Bố con, Tiếng đàn bầu cùng nhiều tranh khác được lưu giữ ở các bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thuỵ Điển... mà còn là người thổi bùng ngọn lửa đam mê hội họa cho nhiều thế hệ người làng Cổ Đô. Vì thế, Sỹ Tốt được coi là người “khởi nghiệp” hội họa của làng này.

Sau khi tốt nghiệp khóa I Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Được sống trong những năm tháng lịch sử hào hùng của cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc, họa sĩ trẻ Sỹ Tốt luôn căng hết mình để cảm nhận và sáng tác. Những bức tranh vẽ Bác Hồ, về đời thường của bộ đội, về mùi thuốc súng khét lẹt của chiến tranh... đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ công chúng yêu thích tranh của ông.

Khi còn tại ngũ, mỗi lần về thăm quê cũng như sau này, lúc tuổi già về Cổ Đô vui thú điền viên, thấy ông cầm cọ vẽ, bọn trẻ trong làng háo hức chụm đầu vào xem. Nhân cơ hội này, ông liền tranh thủ truyền đam mê cho chúng bằng cách cầm tay từng đứa uốn từng nét vẽ. “Toan” vẽ khi ấy có thể là nền đất, sân gạch, bờ tường... Còn “cọ” vẽ là miếng gạch non, là cành tre đập giập hay bất cứ cái gì có thể để lại được dấu vết trên các loại “toan” dân dã ấy. Những bức tranh đầu tiên của tụi trẻ làng ông là những đàn gà, chú ỉn, lũy tre, đụn rơm, bụi duối quanh nhà.... trông thật ngộ nghĩnh. Dần dần, niềm đam mê vẽ ngấm vào máu con trẻ của làng lúc nào không biết.

Hòa bình lập lại, họa sĩ Sỹ Tốt trở về quê hương, càng say mê cầm cọ vẽ tranh và cũng là truyền sự đam mê ấy cho con cháu của mình. Em trai của ông là họa sĩ Sỹ Tuấn, con trai của ông là họa sĩ La Vuông đều là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tới nay, gia đình ông cũng có gần chục người làm nghề vẽ. 

Sinh thời, ông có ý định xây dựng một bảo tàng mỹ thuật cho mình và các thành viên trong gia đình. Nhưng mãi sau khi ông qua đời, người con trai là họa sĩ La Vuông và cô con dâu là bà Chu Thị Minh mới đầu tư hơn 250 triệu đồng để xây dựng Bảo tàng mỹ thuật Sỹ Tốt và gia đình. Cho đến hôm nay, đây có lẽ là một bảo tàng mỹ thuật gia đình hiện đại duy nhất có ở làng cổ Việt Nam.

Lưu giữ trong bảo tàng gia đình ấy là những bức tranh tiêu biểu của họa sĩ Sỹ Tốt, em trai Sỹ Tuấn và con trai La Vuông cùng nhiều con cháu khác của ông. Sau khi người con trai là họa sĩ La Vuông qua đời, người trông coi bảo tàng ấy lại chính là cụ Nguyễn Thị Mộc, người bạn đời trăm năm của cố họa sĩ Sỹ Tốt, dù năm nay cụ cũng đã gần ở tuổi “bách niên giai lão”. 

Làng họa sĩ giữa ngã ba sông 1
 Vẽ tranh ở làng Cổ Đô.

Những thế hệ họa sĩ kế nghiệp

Họa sĩ Trần Hòa, một trong những học trò xuất sắc của họa sĩ Sỹ Tốt nhớ lại: “Sau khi anh Sỹ Tốt mở lớp học vẽ năm 1976, phong trào mỹ thuật trong làng phát triển nhanh và mạnh hơn, tôi và nhiều lứa họa sĩ khác may mắn học hỏi được rất nhiều từ họa sĩ Sỹ Tốt”.

Theo ông, thời kỳ sau giải phóng, mọi thứ đều thiếu thốn, khó khăn, những người trong làng này học vẽ ngoài sự đam mê chẳng có bất cứ điều kiện gì. Họa sĩ Trần Hòa là một trong số rất ít những họa sĩ đầu tiên của làng được đào tạo một cách bài bản tại Trường Mỹ thuật Việt Nam. Hiện tại, ông có một bộ tranh 7 bức được lưu giữ ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Lan.

Nhưng nói đến niềm đam mê hội họa ở Cổ Đô không thể không nhắc tới người họa sĩ thương binh Nguyễn Ngọc Cũi. Ông là cháu ruột của họa sĩ Sỹ Tốt. Tốt nghiệp lớp 8, Ngọc Cũi lên đường nhập ngũ. Trở về quê hương với thương tật nặng nhất, hạng 1/4, ông bị gãy xương hàm, phải đục xương chậu và tháo hết các đốt xương bàn tay phải. Đối với nhiều người, vẽ bằng tay phải đã khó, còn với người thương binh nặng Nguyễn Ngọc Cũi lại học vẽ bằng tay trái mới khó làm sao. Thời gian đầu, tập mãi mà không được, ông cũng nản vì những nét vẽ bằng tay trái cứ nguệch ngoạc chẳng ra hình thù gì. Nhờ sự kiên trì, ông đã thành công. Hôm nay, có dịp đến nhà ông, chắc chắn ai cũng ngỡ ngàng trước một phòng tranh đồ sộ. Khắp nơi trong ngôi nhà ấy, từ phòng khách đến mỗi giường ngủ đều tràn ngập các bức tranh ông vẽ.

Còn thầy giáo, họa sĩ Hoàng Việt hiện nay là Chủ tịch Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô chia sẻ: “Tuy không có sự đầu tư bài bản từ các cấp chính quyền nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì những lớp học vẽ bởi chúng tôi biết rằng mỹ thuật Cổ Đô cần phải tồn tại. Những lớp học như thế này sẽ không chỉ là sân chơi dành cho những người yêu thích hội họa mà đây sẽ còn là tiền đề để Cổ Đô dần trở thành một làng nghề hội họa”.

Hằng ngày, tại nhà họa sĩ Hoàng Việt luôn có một lớp học do chính anh giảng dạy. Ngay trong khu vườn rợp bóng cây trái, ríu rít tiếng chim muông, 15 em học sinh của thấy Việt từ 10 - 15 tuổi ngồi miệt mài và hứng khởi bên giá vẽ, bảng màu những mong sau này sẽ trở thành họa sĩ. Từ những lớp học đơn sơ ấy, đến nay đã có 20 em trong làng trở thành giáo viên dạy vẽ; gần 20 em nữa đang theo học mỹ thuật ở các cấp học cao đẳng và đại học trong cả nước...

Những họa sĩ thuộc thế hệ họa sĩ thứ ba của Cổ Đô như: Hoàng Việt, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Đức, Hoàng Liệt, Nguyễn Ngọc Cũi... đang là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển nghề vẽ của làng. Từ hơn vài năm nay, họa sĩ Hoàng Việt đã ký hợp đồng với một đối tác ở Canada để bán trọn gói tất cả các bức tranh phong cảnh của mình. Sở trường của anh là tranh sơn dầu, bột màu, giấy dó với gam màu nóng như chính tính cách sôi nổi và mạnh mẽ của mình...

Ðôi điều trăn trở

Tuy nhiên, có thể nói đây là một làng hiếm hoi trong số hàng trăm, hàng ngàn làng nghề Việt Nam đang đối mặt với sức ép từ nền kinh tế thị trường thời hội nhập. Nhiều đã đua theo lối sống hiện đại. Nhiều làng nhà bê tông, mái bằng kiên cố, nhiều quán karaoke mọc lên, xập xình suốt ngày đêm, nhiều cửa hàng chơi điện tử qua mạng internet, tệ nạn chơi hụi, xã hội đen cùng các loại ma túy được “cung ứng” tận thôn cùng xóm vắng... 

Cùng với đó là các dự án sân golf, khu công nghiệp, chế xuất, khu đô thị mới mọc lên như nấm sau mưa. Bao nhiêu bờ xôi, ruộng mật không cánh mà bay. Nguy cơ biến làng thành phố, biến ruộng thành sân golf, nhà hàng khách sạn... biến người lao động thành kẻ xa lạ với những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông là điều khó tránh khỏi. Như vậy liệu các làng nghề truyền thống Việt Nam sẽ đi về đâu.

  Thu Giang


Ý kiến của bạn