Làng Đông Cương, phường Đông Cương được coi là thủ phủ hoa, với diện tích hơn 100ha, cung cấp hoa cho cả tỉnh Thanh Hóa. Để chuẩn bị cho đợt hoa Tết , tháng 10 âm lịch hàng năm, người trồng hoa đã phải xuống giống. Để có vựa hoa nở đúng dịp Tết, người trồng dựa vào tình hình thời tiết mà xuống giống sớm hay muộn.
Anh Lê Văn Quân, phố 4, phường Đông Cương, cho biết, gia đình anh có gần 30 năm trong nghề trồng hoa, với tổng diện tích hơn 0,5ha. Cứ vào dịp Tết hàng năm, gia đình anh tập trung trồng các loại hoa cúc như đại đóa, pha lê vàng.
Sở dĩ gia đình anh chọn giống hoa này bởi cúc rất phù hợp để bán vào dịp Tết, như Tết ông Công ông Táo, đi tảo mộ, cắm trên bàn thờ, trồng vào chậu để trang trí...
Theo anh Quân, thời tiết năm nay hơi thất thường, nắng nóng kéo dài nên những người trồng hoa rất lo lắng hoa nở không đúng Tết. “Mọi năm bằng giờ thời tiết đã rét đậm. Nếu từ nay đến Tết không khí lạnh không tăng cường thì hoa sẽ nở sớm”, anh Quân cho biết.
Cũng lo lắng về vấn đề thời tiết, nhà ông Nguyễn Văn Sơn có diện tích hơn 8 sào, ngay từ bây giờ ông đã phải mắc điện chong đèn để “nuôi” hoa.
“Cả gia đình trông chờ vào vựa hoa Tết này, nếu không chuẩn bị chong đèn để nuôi hoa, hoa nở sớm thì cả nhà mất Tết. Biết là chong đèn sớm, với thời gian còn khá dài như vậy sẽ tốn tiền điện, nhưng đành chấp nhận thôi”, ông Sơn chia sẻ.
Theo những người trồng hoa, thời tiết quyết định đến hoa nở có đúng Tết hay không.
Còn vườn hoa có đẹp hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ngoài việc xuống giống đúng thời vụ, phải cẩn thận lựa chọn những cây giống khỏe mạnh để trồng. Phải chăm sóc kỹ lưỡng, thường xuyên tỉa nhánh, bấm ngọn để cụm hoa được tròn trịa, cho ra nhiều nhánh, nhiều bông.
Bên cạnh đó, trồng hoa luôn phải bảo đảm đủ nước tưới, độ ẩm thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt.
Hoa Tết đúng vụ là bắt đầu nở vào khoảng từ 15/11 âm lịch trở đi. Nếu không, người trồng hoa phải chong đèn chiếu sáng vào buổi tối để kích thích cây non phát triển chiều cao, không ra nụ sớm.