Người Hà Nội lập làng hoa Ðà Lạt
Ông Phan Hữu Giản - một người con ưu tú của Hà Nội, người đã gắn bó cả cuộc đời với vùng đất Nam Tây Nguyên và hiện nay đang sống tại ấp Hà Đông - phường 8 - Đà Lạt (Lâm Đồng) vuốt mái đầu tóc bạc khẽ nói: thoắt cái mà đã 75 năm - một đời người; từ lúc những người con Hà Nội đặt bước chân đầu tiên lên Cao nguyên Lâm Viên - hình thành ấp Hà Đông và phát triển làng hoa để bây giờ người ta biết đến là Làng hoa Hà Đông nổi tiếng và lâu đời nhất của Đà Lạt...
Trong quá trình hình thành và phát triển TP. Đà Lạt, nhất là giai đoạn những năm 1930, người Pháp cho xây dựng nhiều công trình: các nhà máy điện, nhà ga, hệ thống đường giao thông, trường học, các cơ quan công quyền... cùng với sự xuất hiện hàng trăm biệt thự sang trọng, đầy đủ tiện nghi theo kiểu Âu châu của các quan chức người Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Để đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, người Pháp và chính quyền sở tại chủ trương di dân từ các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung vào Đà Lạt lập ấp sản xuất để cung cấp rau xanh cho thành phố.
Theo địa chí Đà Lạt và theo những nhân chứng sống tại ấp Hà Đông kể lại: “Chủ trương di dân lập ấp Hà Đông tại Đà Lạt bắt nguồn từ sáng kiến của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, Quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý và Thương tá canh nông Hà Đông Lê Văn Định, được chính quyền Pháp đồng ý và các cụ đã đứng ra trực tiếp thực hiện nhằm đưa lao động có tay nghề từ các làng hoa ven Hồ Tây thuộc tỉnh Hà Đông (cũ) vào Đà Lạt khai hoang, mở rộng sản xuất, cung cấp thực phẩm cho người Pháp, du khách và cư dân Đà Lạt...”.
Qua một thời gian chuẩn bị, ngày 29/5/1938, nhóm cư dân đầu tiên gồm 35 người được đưa vào Đà Lạt bằng tàu hỏa. Họ là những người khỏe mạnh, thạo nghề làm vườn, sống chủ yếu ở 6 làng hoa nổi tiếng của Hà Đông: Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc. Ban đầu, do xa quê hương, thiếu thốn phương tiện sản xuất; nơi đây núi rừng hoang sơ, nhiều thú dữ, lại chưa quen phong thổ đã làm cho một số người nản chí, bỏ về quê cũ, số người còn lại quyết tâm bám trụ khai hoang, lập ấp, ổn định đời sống. Cuối năm 1938 và những năm 1939 - 1940, có thêm nhiều đợt người từ các làng quê nói trên tiếp tục vào đây lập nghiệp, bổ sung dân số cho ấp Hà Đông (lấy tên quê cũ đặt tên cho ấp mới). Những vùng đất hoang vu lạnh giá dưới chân núi Langbian dần dần nhường chỗ cho những vườn rau, hoa xanh tốt - một làng hoa bắt đầu định hình...
Làng hoa đầu tiên ở Ðà Lạt
Sau khi hình thành ấp dân cư Hà Đông, ban đầu, phần lớn các hộ dân chuyên trồng các loại rau màu để giải quyết cái ăn trước mắt; Về sau, một số giống hoa truyền thống của Hà Nội lần lượt được đưa vào ươm mầm, nảy nở trên xứ sở sương mù. Người đầu tiên trồng hoa và khởi xướng nghề trồng hoa ở ấp Hà Đông - Đà Lạt lúc bấy giờ là ông Ngô Văn Bính. Theo người dân trong ấp kể lại, năm 1939, khi rời quê vào Đà Lạt, ông Bính đã mang theo 2.000 củ hoa layơn trồng thử, thấy hoa thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng phát triển rất tốt, ông đã nhân giống và san sẻ cho bà con tiếp tục sản xuất. Những năm sau đó, nhiều giống hoa truyền thống đất Bắc tiếp tục được mang vào cùng với một số giống hoa ngoại nhập như: hoàng anh, cúc đỏ, cúc chi, hoa hồng, margarite... đua nở khoe sắc dưới sắc nắng Cao nguyên...
Từ vài chục héc-ta đất khai hoang những năm đầu lập nghiệp, đến năm 1970, các hộ dân ấp Hà Đông đã khai khẩn và đưa vào sử dụng 166ha, trong đó có 76ha đất sản xuất nông nghiệp. Phát huy đức tính nghề trồng hoa truyền thống: cần cù, chịu thương chịu khó và sáng tạo, cư dân ấp Hà Đông tích lũy thêm kinh nghiệm, tiếp cận và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng sản lượng và chất lượng sản phẩm rau, hoa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, nhiều hộ nhà vườn ở Làng hoa Hà Đông chuyên canh sản xuất hoa các loại, hình thành vùng sản xuất hoa tập trung với 30ha các loại hoa cao cấp công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới có hệ thống tưới tự động. Làng hoa Hà Đông hiện có 228/450 hộ chuyên trồng hoa, thu hút 600 lao động tại chỗ và hơn 500 lao động thời vụ từ các tỉnh, thành phía Bắc, miền Trung vào làm thuê. Chủng loại, màu sắc hoa của Làng hoa Hà Đông khá đa dạng và bắt mắt. Ngoài các loại hoa truyền thống, nhiều giống hoa mới có nguồn gốc nước ngoài: cúc đại đóa, tulip của Hà Lan, hoa hồng của Pháp, địa lan của Mỹ, Nhật...Đặc biệt, nhiều giống hoa có giá trị cao như: lys, lyli, cát tường, hoa hồng, cúc (hơn 30 loài), cẩm chướng, đồng tiền, salim, hồng môn... đang hiện hữu ở làng hoa này.
Địa lan được sản xuất trong hệ thống nhà lưới áp dụng công nghệ cao ở Làng hoa Hà Đông.
Sau 75 năm hình thành và phát triển, Làng hoa Hà Đông trở thành làng hoa đầu tiên và lâu đời nhất ở Đà Lạt. Hoa sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường Đà Lạt mà còn được tiêu thụ mạnh ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Nhờ sản xuất hoa đạt sản lượng cao và được thị trường ưa chuộng, đời sống của nhân dân ở làng hoa này thay đổi vượt bậc: 20% số hộ giàu, gần 80% số hộ có mức thu nhập khá và trung bình. Hơn 2/3 thế kỷ hình thành và phát triển, Làng hoa Hà Đông có rất nhiều tiền nhân nổi tiếng với những thành tích tiêu biểu trong nghề trồng hoa như cụ Ngô Văn Ất được thưởng Long Bội Tinh, cụ Nguyễn Hữu Bái được tặng Bằng danh dự và cùng với 13 cụ khác được triều đình Huế trước đây đặc cách ban thưởng sắc phong “Tòng Cửu phẩm văn giai”... Từ năm 2007 đến nay, có 3 nghệ nhân lần lượt được công nhận: ông Nguyễn Đình Bộ, ông Nguyễn Văn Đông và nhà vườn Anh Quỳnh. Đặc biệt, năm 2010, Làng hoa Hà Đông được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận “Làng nghề truyền thống” của Đà Lạt.
Làng hoa Hà Ðông - Ðiểm du lịch văn hóa
Dù xa hương lập nghiệp, song các bậc tiền nhân của Làng hoa Hà Đông vẫn luôn hướng về cội nguồn, gìn giữ phong tục truyền thống tốt đẹp như: đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống; duy trì hoạt động đền, chùa, miếu mạo đảm bảo đời sống văn hóa và tâm linh, giữ gìn “Phong cách người Hà Đông”... Ngay việc đặt tên ấp (sau đổi thành Khu phố và bây giờ là Làng hoa...), người Hà Đông muốn nhắc nhớ con cháu dù đi đâu, làm gì cũng phải nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Bởi vậy, cùng với việc tập trung phát triển làng hoa, các tổ chức đoàn thể và một số cá nhân tích cực đã tham mưu chính quyền phường 8 và TP. Đà Lạt; đề xuất nguyện vọng và xin sự hỗ trợ của chính quyền một số quận ở Hà Nội; vận động Hội đồng hương Hà Nội tại Đà Lạt; các tổ chức, cá nhân hảo tâm và nhân dân... đóng góp xây dựng Nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa cho nhân dân. Gần 3 năm tích cực vận động được gần 1 tỷ đồng, ngày 30/9/2010, Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông khởi công xây dựng trên chính thửa đất rộng 900m2 mà 75 năm trước lớp người Hà Đông đầu tiên đến đây khai hoang dựng nghiệp. Công trình gồm: Nhà sinh hoạt văn hóa và hệ thống sân vườn, trong đó, một hội trường lớn chứa khoảng 300 người họp; khu trưng bày tư liệu, hình ảnh quá trình hình thành ấp - Làng hoa Hà Đông; gian thờ và lưu giữ ảnh chân dung, tư liệu của các bậc tiền nhân có công những ngày đầu lập ấp...
Cuối năm 2010, Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông khánh thành giai đoạn I và đưa vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trở thành nơi đón nhiều đoàn khách của Hà Nội, các tỉnh bạn, cán bộ và nhân dân trong tỉnh, khách nước ngoài đến tham quan. Ông Phan Hữu Giản - Trưởng ban Quản lý Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông cho biết, để kỷ niệm 75 năm hình thành Làng hoa Hà Đông và chào mừng 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, đầu năm 2013, BQL Nhà văn hóa đã lập kế hoạch, trình lãnh đạo địa phương và tiếp tục vận động đóng góp để nâng cấp Nhà văn hóa như: chỉnh trang sân vườn, xây bồn hoa, trồng cây cảnh, xây cổng, tường rào... để Nhà văn hóa khang trang làm nơi đón du khách về tham quan Làng hoa Hà Đông trong thời gian tới.
Làng hoa Hà Đông - làng hoa đầu tiên của Đà Lạt, làng nghề truyền thống với đa dạng các giống, loài hoa từ nhiều địa phương trong nước và từ nhiều nước trên thế giới hội tụ về đã khẳng định “thương hiệu” một làng hoa nổi tiếng trên phố núi; trở thành địa chỉ du lịch văn hóa đối với bạn bè và du khách trong lẫn ngoài nước.
Lịch sử 75 năm hình thành và phát triển Làng hoa Hà Đông chứng minh các bậc tiền nhân đã thực hiện thành công chủ trương “di dân lập ấp”; thu hút một lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao và yêu lao động, tạo ra những giá trị bền vững đã và đang góp phần làm giàu đẹp cho vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ...
Bài và ảnh: Thanh Dương Hồng