Hà Nội

Làng đúc đồng Phú Lộc, Khánh Hòa ngày cuối năm

25-12-2023 06:37 | Xã hội
google news

SKĐS - Làng nghề đúc đồng Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) những ngày cuối năm lại tất bật sản xuất để phục vụ khách hàng. Những ngày này, kèm theo mỗi sản phẩm bán ra là những lời chúc may mắn, tốt lành đến với người mua.

Làng nghề đúc đồng hơn 200 năm tuổi

Đến Làng nghề đúc đồng Phú Lộc những ngày này, không khí sản xuất đang rất sôi nổi để phục vụ cho khách hàng dịp cuối năm.

Ông Trần Thành, một thợ đúc đồng lâu năm ở địa phương chia sẻ: "Làng nghề đúc đồng Phú Lộc hiện nay chia làm 2 tổ là tổ Phú Lộc Tây 1 và Phú Lộc Tây 2.

Làng nghề này có từ hơn 200 năm trước nên tình yêu với nghề đúc đồng đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân trong làng. Các sản phẩm chủ đạo của làng đó là bát hương đồng, lư hương đồng, chân đèn... Những sản phẩm này sẽ đắt khách vào mỗi dịp cuối năm. Cứ vào khoảng thời gian này, nhà nào cũng phải tập trung nhân lực, khẩn trương sản xuất để phục vụ khách hàng".

Là vật dụng được để trong các khu vực thờ tự, trên bàn thờ… nên các sản phẩm từ Làng nghề đúc đồng Phú Lộc luôn được những người thợ làm ra một cách cẩn trọng, tỉ mỉ.

Thợ đúc đồng Đặng Văn Tân bộc bạch rằng: "Thế hệ cha ông chúng tôi các sản phẩm rất đa dạng nhưng gần chục năm trở lại đây, chúng tôi làm lư đồng, bát hương, chân đèn là chính. Ngày bình thường không có mấy người mua, những ngày gần cuối năm chỉ có các chủ cửa hàng đến đặt hàng chuẩn bị để bán.

Làng đúc đồng Phú Lộc, Khánh Hòa ngày cuối năm- Ảnh 1.

Người thợ ở Làng nghề đúc đồng Phú Lộc làm khuôn để đưa vào nung cứng, sau đó mới đổ đồng vào và đưa vào lò nung tiếp.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc chúng tôi hiện có khoảng gần 50 gia đình gắn bó, giữ gìn nghề truyền thống này.

Làng đúc đồng Phú Lộc, Khánh Hòa ngày cuối năm- Ảnh 2.

Sau khi làm hàng ngàn chiếc khuôn, thợ đúc đồng mới cho vào lò nung.

Bí quyết để làm nên những sản phẩm được ưa chuộng là phải cẩn thận, khi đúc đồng phải dùng nguyên liệu thật, không được pha tạp bất cứ thứ gì vào. Lúc khắc chạm, mài giũa… phải làm cẩn trọng, tỉ mỉ".

Làng đúc đồng Phú Lộc, Khánh Hòa ngày cuối năm- Ảnh 3.

Thợ đúc đồng Đặng Văn Tân đang gia công các lư hương, chân đèn sau khi được lấy từ lò đúc ra, theo ông, đây là công đoạn khó khăn nhất.

Là thế hệ thứ 3 gắn bó với nghề đúc đồng, theo ông Tân, mỗi dịp cuối năm cả làng nghề có thể đúc ra hàng chục ngàn sản phẩm lư đồng, bát hương, chân đèn bằng đồng phục vụ cho nhu cầu của khách hàng gần xa.

Mong giữ được nghề đúc đồng cho mai sau

Theo nhiều người thợ ở Làng nghề đúc đồng Phú Lộc, giá mua nguyên liệu để đúc 1 bộ đồ thờ cúng thông thường (gồm 1 bát hương, hai chiếc lư đồng, 2 đài nước, 1 quả bồng) hiện nay khoảng 900 ngàn đồng. Một bộ sản phẩm hoàn thành giá bán khoảng trên 3 triệu đồng.

Từ khi mua nguyên liệu đồng đến lúc đúc ra thành sản phẩm như ý muốn, người thợ phải trải qua các công đoạn như: Làm khuôn đúc rồi nung khuôn cho cứng. Sau đó thì nấu đồng nguyên liệu và rót đồng vào khuôn đã có sẵn. Bước tiếp theo là gia công sản phẩm (gồm các công đoạn cắt gọt, mài, tiện, đánh bóng… để có được những sản phẩm ưng ý nhất, tinh xảo nhất).

Làng đúc đồng Phú Lộc, Khánh Hòa ngày cuối năm- Ảnh 4.

Việc gia công các bát hương bằng đồng là khâu quan trọng và được thợ đúc đồng làm cẩn thận.

Thợ đúc đồng Đặng Văn Tân bộc bạch: "Công đoạn gia công sản phẩm đòi hỏi người thợ phải có tay nghề thuần thục mới có thể tạo ra những sản phẩm ưng ý và làm hài lòng khách hàng. Bản thân tôi gắn bó với nghề đúc đồng đã gần 30 năm nhưng có những sản phẩm phải mất cả đêm mới gia công xong, nhất là các sản phẩm chân đèn, bát hương…".

Làng đúc đồng Phú Lộc, Khánh Hòa ngày cuối năm- Ảnh 5.

Bát hương và chân đèn được thợ đúc đồng làm hoàn hảo, chuẩn bị giao cho khách.

Như để tiếp thêm tình yêu nghề cho những người thợ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công nhận nghề đúc đồng ở Làng nghề đúc đồng Phú Lộc là nghề truyền thống cần gìn giữ, phát huy.

Làng đúc đồng Phú Lộc, Khánh Hòa ngày cuối năm- Ảnh 6.

Những người thợ đúc đồng ở Làng nghề đúc đồng Phú Lộc lập nhà thờ tổ nghề và luôn ước mong sẽ giữ mãi được nghề.

Theo nhiều thợ ở Làng nghề đúc đồng Phú Lộc cho biết, đúc đồng là nghề truyền thống lâu đời của làng, được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước biết đến nên họ mong muốn giữ nghề mãi cho các thế hệ mai sau.

Làng nghề miến Dương Liễu tất bật cho vụ TếtLàng nghề miến Dương Liễu tất bật cho vụ Tết

SKĐS - Những ngày cuối năm, khắp các đường làng ngõ xóm tại làng nghề làm miến ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức lúc nào cũng tấp nập. Xe tải, xe ba gác chở miến chạy suốt ngày, người dân đang hối hả sản xuất miến để phục vụ cho vụ Tết.


Đông Hưng
Ý kiến của bạn