Lắng đọng hồn quê trong đất

17-01-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Phù Lãng là một làng quê thuộc huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), cách Hà Nội chừng 60km. Làng gốm được hình thành từ thế kỷ XIII.

Phù Lãng là một làng quê thuộc huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), cách Hà Nội chừng 60km. Làng gốm được hình thành từ thế kỷ XIII. Hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, lịch sử, mỹ thuật nên cũng dễ hiểu khi Phù Lãng trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Phù Lãng mang vẻ đẹp trầm tư của làng gốm cổ, con người nơi đây luôn ẩn hiện cái hồn của cuộc sống hiện đại ngày nay, đến với Phù Lãng hôm nay là bóng dáng những chum, những vại, những lọ hoa, chậu cây bằng gốm tràn ngập khắp nơi: từ những dãy dài chum vại, tiểu, quách xếp gọn hai bên đường đến những hàng rào tường gạch được điểm tô bởi muôn vàn mảnh gốm vụn đủ hình thù, màu sắc.

 

Những sản phẩm gốm, cái còn ướt đỏ màu đất, cái đã phơi màu bạc phếch, cái đã qua lò nung lên nước bóng loáng... tất cả tạo nên một không gian vừa bình dị vừa như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt.

Dáng của gốm mộc mạc, thô nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa. Đó cũng đủ làm nên sức hút đặc biệt của gốm Phù Lãng.

Nét mộc mạc, chất phác của người lao động nơi đây càng tô thêm vẻ đẹp mang đậm hồn quê của làng gốm Phù Lãng.

Họa sĩ Trần Mạnh Thiều với tư duy nhạy bén và được đào tạo tại Trường Mỹ thuật công nghiệp, anh đã “vẽ” một diện mạo hoàn toàn mới cho sản phẩm truyền thống làng quê bắt đầu từ những kiểu dáng họa tiết hoa văn trên sản phẩm.

Những nghệ nhân của làng gốm Phù Lãng ngày nay đã thổi hồn quê, tăng thêm bóng dáng quê nhà trên từng sản phẩm sẽ làm sản phẩm gốm trở nên có giá trị hơn rất nhiều và giúp người tiêu dùng có phút giây để trở về chốn xưa, thấy lại nếp nhà tranh, thửa ruộng, lũy tre làng...

Với màu đất quê, kiểu dáng quê và thấp thoáng hình bóng quê nhà toát lên vẻ đẹp bình dị nhưng ấm áp của sản phẩm gốm Phù Lãng.

Chị Trần Thị Thanh (chủ cơ sở gốm) cho biết: Gốm Phù Lãng có màu đặc trưng là hồng đỏ gạch. Mỗi sản phẩm đều được làm thủ công hoàn toàn từ khâu nặn, chuốt đến trang trí, vẽ hoa văn, lên men rồi phơi khô dưới nắng tự nhiên. Đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao sẽ chuyển sang hai màu đen chủ đạo và nâu đen (thường gọi là men da lươn).

Đôi tay thoăn thoắt vuốt nặn bên bàn xoay, những nghệ nhân nơi đây đã thổi hồn vào những sản phẩm mang cả một tình yêu tha thiết với gốm.

Bài và ảnh: Tuấn Anh

 

 


Ý kiến của bạn