Hà Nội

Làng cổ Hà Nội đâu chỉ có một?!

10-12-2013 10:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không nên vội vã chỉ ghi nhận duy nhất một trường hợp làng cổ cần ưu tiên bảo tồn để “lãng quên” đi nhiều làng cổ khác trên địa bàn Hà Nội đang cần được bảo tồn!

Không nên vội vã chỉ ghi nhận duy nhất một trường hợp làng cổ cần ưu tiên bảo tồn để “lãng quên” đi nhiều làng cổ khác trên địa bàn Hà Nội đang cần được bảo tồn!

Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung ưu tiên bảo tồn mới được Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội thông qua. Trong đó, về làng cổ, chỉ có Làng cổ Đường Lâm – Sơn Tây là được công nhận. Quần thể di tích quốc gia này bao gồm các thôn Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Lâm, Đông Sàng, Đoài Giáp và khu vực phụ cận là các thôn Phụ Khang, Hưng Thịnh, Văn Miếu, Hà Tân, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.


	Cần quan tâm bảo tồn những không gian hiếm hoi còn tương đối nguyên vẹn. Trong ảnh là cổng cuối làng Cựu, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội.

Cần quan tâm bảo tồn những không gian hiếm hoi còn tương đối nguyên vẹn. Trong ảnh là cổng cuối làng Cựu, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội.

Được biết, tiêu chí làng cổ được đưa ra là: Thời gian hình thành 300 năm trở lên, có tên thường gọi và tên Nôm, còn giữ được các thành tố vật chất thuộc kiến trúc cơ bản như: cảnh quan môi trường, cây cổ thụ, cổng làng, giếng làng, đường làng, ngõ xóm, các di tích lịch sử văn hóa... Cũng như vậy, làng vẫn phải giữ được nhà ở dân dụng truyền thống, trong đó có nhiều nhà cổ có giá trị. Đồng thời, làng vẫn đang bảo tồn được các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể như nghề truyền thống tiêu biểu, lễ hội với những tục hèm đặc sắc, hương ước, gia phả các dòng họ, phong tục tập quán truyền thống; làng có đặc trưng tiêu biểu về cấu trúc hoặc về vật liệu xây dựng.

Danh mục đã được thông qua với duy nhất một làng cổ, nhưng không có nghĩa đó là lựa chọn khoa học nhất và sự thông qua đã có thể coi là đầy đủ dù chỉ tương đối. Và việc chọn lựa chỉ mỗi làng cổ Đường Lâm, liệu có phải dựa trên căn cứ đây là Di tích quốc gia đặc biệt? Và tiêu chí trên có phải là kết quả đã được các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, văn nghệ dân gian... đồng tình hay góp những ý kiến thấu đáo?

Công chúng cả nước đều đã biết đến một làng cổ Cự Đà – xã Cự Khê, huyện Thanh Oai – Hà Nội nổi tiếng về nghề làm tương, làm miến truyền thống, về những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc, mỹ thuật truyền thống hoặc giao thoa văn hóa Pháp – Việt. Đây cũng là nơi lưu giữ được nhiều công trình văn hóa, tâm linh đặc sắc của cộng đồng, nhiều cây cổ thụ trong cảnh quan không gian đẹp, đường làng chạy ven sông với những ngõ nhỏ ăn sâu vào phía trong tạo hình răng lược... Không gian ấy hiện vẫn là nơi duy trì các hoạt động văn hóa truyền thống của cộng đồng với nhiều phong tục độc đáo. Làng Cựu ở xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội trong mấy năm qua cũng được tìm hiểu, phản ánh với hệ thống công trình kiến trúc truyền thống và giao lưu Pháp – Việt, đặc biệt khi hệ thống này còn khá nguyên vẹn, cảnh quan chưa bị phá vỡ bởi các công trình kiến trúc, xây dựng mới. Đây thực sự là một địa chỉ văn hóa hiếm hoi của Hà Nội còn giữ được tương đối đầy đủ cảnh quan, không gian làng. Có thể kể thêm những làng cổ khác có nhiều giá trị đặc sắc như thôn Long Châu, xã Phụng Châu, Chương Mỹ - Hà Nội, nơi có thắng cảnh – di tích lịch sử chùa Trầm cùng chùa Vô Vi trong một không gian xanh tuyệt đẹp, nhiều cây cổ thụ cùng đình, giếng cổ..., những ngõ xóm, ngôi nhà bao quanh các cụm núi, sử dụng nguyên vật liệu đất, đá tại địa phương hoặc làng “phim trường” Tây Mỗ, xã Tây Mỗ, Từ Liêm – Hà Nội; làng giò chả Ước Lễ, xã Tân Ước, Thanh Oai – Hà Nội...

Nhiều ngôi làng như thế đều đang đứng trước sự đe dọa của nhiều yếu tố bên ngoài lẫn từ nhu cầu nội tại của người dân trên địa bàn: Sự phát triển đường xá, sự giảm dần diện tích đất canh tác và không gian chung của làng; thực trạng xây dựng nhà bê tông – nhà hộp với đủ các hình thức, thiếu quy hoạch, quy định và kiểm soát chặt chẽ; sự xuất hiện và lấn át của các dịch vụ vui chơi giải trí mới... - Những nguyên nhân này khiến cho cảnh quan mai một, suy giảm các giá trị truyền thống của làng là nhãn tiền và thực sự có những nơi đã diễn ra. Nếu không có cơ chế quan tâm, ưu tiên kịp thời trong việc bảo tồn, nhiều làng cổ đặc sắc sẽ không thể “đứng vững” trước cơn lốc đô thị hóa đang ào ạt xâm chiếm. Bởi thế, việc chọn lựa, đưa vào danh mục làng cổ cần tập trung ưu tiên bảo tồn của Hà Nội phải được dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu hoàn cảnh, điều kiện, những giá trị còn lưu giữ được và cả những nguy cơ, thực trạng tại rất nhiều làng trên địa bàn Hà Nội hiện nay.

Hy vọng các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ lên tiếng về nhiều ngôi làng đặc sắc đang ở trong cảnh “tranh tối tranh sáng” và nguy hiểm hơn, đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên, bị hủy hoại!             

Dương Xuân

 


Ý kiến của bạn