Làng cổ Hà Nội, có còn hồn xưa?

15-06-2011 07:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thủ đô Hà Nội có một quỹ di sản kiến trúc khổng lồ, mang giá trị tổng hoà cả vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá. Đó là bản sắc kiến trúc đô thị kiểu mẫu với phố cổ, kiến trúc làng truyền thống,

Thủ đô Hà Nội có một quỹ di sản kiến trúc khổng lồ, mang giá trị tổng hoà cả vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá. Đó là bản sắc kiến trúc đô thị kiểu mẫu với phố cổ, kiến trúc làng truyền thống, kiến trúc xây dựng thời kỳ phong kiến, kiến trúc phố cổ, kiến trúc xây dựng thời Pháp thuộc, thời kinh tế tập trung, thời kinh tế thị trường, kiến trúc cảnh quan, các không gian trống…  mà trong đó làng cổ là một thành tố vô cùng quan trọng.

Nét đặc sắc của đô thị Hà Nội

Người Hà Nội cũng như du khách trong và ngoài nước đa phần chỉ biết đến hai làng cổ tiêu biểu nhất là làng cổ Đường Lâm và làng cổ Cự Đà mà không biết rằng, chỉ điểm sơ qua những làng còn giữ tên cổ như Kẻ Mọc, Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ, Hoàng  Mai, Thuỵ Khuê, Ngọc Hà… Hà Nội đã có cả trăm ngôi làng cổ. Có thể nói, làng cổ trong đô thị Hà Nội là một đặc tính hiếm có, hầu như không có ở các quốc gia khác. Và cũng như các dạng kiến trúc khu vực phố cổ hay khu xây dựng thời Pháp thuộc, làng cổ mang dấu ấn của một thời kỳ lịch sử trong quá trình phát triển của Hà Nội.

Làng cổ Hà Nội có cấu tạo cơ bản không khác với mọi ngôi làng Việt khác: đình, đền, chùa, miếu, giếng cổ, cổng làng… Làng thường nằm bên sông, được bao bọc bởi những rặng tre. Làng cổ buộc phải có không gian sinh hoạt chung (thường là đình làng), có cây xanh, có thành hoàng và hội làng. Những cái chung ấy xuất phát từ nếp sống nặng tình làng nghĩa xóm, “bán anh em xa mua láng giềng gần” trong quan niệm của người Việt. Làng cổ không chỉ đơn thuần có giá trị về mặt vật thể qua những cánh cổng, ngôi nhà còn được giữ lại mà nó còn là nơi lưu giữ nhiều tinh hoa văn hoá và giá trị tinh thần của người Việt qua những hoạt động nghề nghiệp, tín ngưỡng, phong tục, nếp sống…  

Làng cổ Hà Nội vừa mang những dấu ấn chung của làng Việt cổ, vừa có những dấu ấn riêng của một làng trong phố. Do hạn chế về diện tích đất nông nghiệp, hầu hết các làng cổ của Hà Nội đều có nghề truyền thống, mặc dù đến nay số làng còn giữ được nghề như nghề cốm làng Vòng, làm đậu kẻ Mơ… không nhiều; kiến trúc các làng cổ của Hà Nội cũng tiêu biểu cho sự giao lưu văn hoá, có thể thấy rõ điều này ở làng cổ Cự Đà. Ở ngôi làng này, ngoài khoảng 30 ngôi nhà Việt cổ truyền, các từ đường được xây từ cách đây một thế kỷ với ngói mũi hài, cột gỗ lim, hoa văn chạm trổ trên cửa, gạch “ô trám” lát nền còn có những ngôi biệt thự đậm dấu ấn Pháp. Đó là nơi “đọng” những giá trị văn hoá còn lại, là chứng nhân lịch sử nói lên một sự giao lưu văn hoá Việt – Pháp dù chưa xa nhưng cũng chẳng thật gần.

 Giếng nước làng Hoàng Mai - một dấu xưa hiếm hoi còn lại của làng cổ Hà Nội.

Có còn hồn xưa, làng cũ?

Tính về số lượng, giá trị vật thể hay phi vật thể, làng cổ Hà Nội đều xứng đáng được bảo tồn. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là số lượng làng còn nguyên vẹn không nhiều. Ngay cả những làng được đầu tư quan tâm nhất như Đường Lâm, Cự Đà cũng có sự lai tạp do không được quy hoạch hợp lý. Một số ngôi làng như Hoà Mọc gần ngàn năm tuổi đang đứng trước nguy cơ biến mất để lấy đất xây chung cư. Vấn đề dân số tăng, tốc độ đô thị hoá nhanh khiến các làng cổ cũng mất đi nhiều giá trị quý giá: cây cổ thụ bị chặt, cổng - mảnh hồn làng hay những không gian sinh hoạt cộng đồng như sân đình, bến nước cũng không còn. Không gian cũ bị phá vỡ khi người ta thu hẹp dần diện tích làng từ bên ngoài và đồng thời, ngay bên trong làng, nhu cầu mở rộng diện tích lại tăng cao. Những ngôi nhà lợp ngói phong rêu chưa kịp vào diện di tích nhanh chóng được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng hiện đại.

Làng cổ Đường Lâm là một ví dụ. Cả làng có hơn 350 ngôi nhà xây cổ bằng đá ong, nhưng đến nay mới chỉ có chưa đầy 50 ngôi nhà thuộc danh sách bảo tồn. Những ngôi nhà khác dần dần được thay thế bằng nhà ngói mới. Và thế là, trong làng, cứ xen kẽ nhau nhà cũ - nhà mới đôi khi khiến người ta có cảm giác như chiếc áo nâu được vá víu những mảnh xanh, đỏ, tím, vàng. Sự thay đổi về kiến trúc, không gian đồng thời diễn ra với sự thay đổi của lối sống làng xã. Những ngôi nhà cao tầng khép chặt cửa là thể hiện sống động cho lối sống tường cao rào kín đang dần lan vào những ngôi làng cũ, những sinh hoạt làng xã vì thế cũng nhạt dần.

Việc giữ gìn nguyên vẹn các ngôi làng cổ trong thời điểm này là một khó khăn lớn. Song, không thể phủ nhận giá trị lịch sử, tinh thần, văn hoá của làng cổ trong tiến trình văn hoá ngàn năm của Thủ đô, vì vậy nếu để mất đi sẽ không cách gì lấy lại được. Do đó, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu cần khẩn trương thống kê, xếp hạng và đánh giá thực trạng các làng cổ còn tồn tại và những vấn đề xung quanh nó như nghề truyền thống, phong tục, lễ hội… để có phương án bảo tồn cho những ngôi làng tiêu biểu. Về mặt vật thể, chúng ta không thể biến nó thành những bảo tàng cứng mà cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả để người dân sửa chữa, bảo quản, đồng thời sắp xếp ổn định cuộc sống. Về mặt phi vật thể, cần giữ gìn phát triển những hoạt động còn đang được duy trì như hội làng; khôi phục và vận động bà con giữ gìn lối sống làng xã truyền thống. Chính quyền và các nhà khoa học cũng cần có một nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề nghề truyền thống trong các làng cổ, nếu được quan tâm đầu tư giữ gìn hoặc khôi phục một số nghề đã thất truyền, làng cổ sẽ có được hơi thở cuộc sống đúng của nó.

Và có như thế, chúng ta mới có thể giữ được những “mảnh hồn làng” của Hà Nội xưa giữa phố xá hiện đại bây giờ.  

Bài và ảnh: Vũ Hải Anh


Ý kiến của bạn