Làng ca sĩ bên dòng suối Lạch

14-08-2020 14:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ở Tây Nguyên có duy nhất một ngôi làng ca sĩ dưới chân núi Langbiang, Lạc Dương (Lâm Đồng). Từ những lần hát cho các hội nghị, trong các lễ văn hóa, các đêm tình tự... nhiều nông dân đã thành ca sĩ chuyên nghiệp như Ka Jic, Bonneur Trinh…

Nông dân thành ca sĩ

Cơn mưa lớt phớt vừa đi qua, đường về buôn Đăng Ya (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) xanh ngút ngàn bóng núi. Lâu rồi, trong tiềm thức của nhiều khách du lịch cũng như những người dân bản địa nơi đây người ta gọi buôn Đăng Ya là “Làng ca sỹ”. Cái tên này như vận vào cuộc sống và mọi sinh hoạt của từng người dân. Cả buôn ai cũng có thể hát hay như ca sỹ.

Già làng Krich Pho hì hục gom một đống củi thắp sáng lên cả một góc làng. Rượu cần bày biện xung quanh. Đám trai tráng và nông dân trong buôn rầm rập kéo đến, họ mang trên mình những dụng cụ âm nhạc như: Cồng chiêng, kèn sáo…Không ai bảo ai, cứ thế họ nhảy múa và say xưa hát đến quá nửa đêm. Giọng ca nào cũng hào sảng và vút cao. Krich Pho bảo: Cả làng mình ai cũng hát hết.

Nhiều nông dân hát hay như ca sĩ

Người buôn Đăng Ya bảo: Giọng ca được ngân lên thay cho tiếng chào đó là sự mến khách, sự lưu luyến và đó cũng chính là cung cách sống tự thân có từ lúc sinh ra. Già làng K’Plin từng kể: Thuở xưa, chàng Lang (người Lạch) và nàng Biang (dân tộc Cil) là đôi uyên ương tài sắc nhất vùng. Mối tình cua họ đi xuyên qua mọi khó khăn và khổ ải; Đi qua mọi  khắc nghiệt của thời tiết; Đi qua cả những cản ngăn của gia đình để minh chứng tình yêu. Mối tình có kết cục bi thảm nhưng đáng nhớ. Mỗi khi họ thổi khèn, đánh chiêng, hát thì đến quỷ dữ cũng phải si mê, núi rừng và chim chóc cũng ngẩn ngơ. Trong những đêm hát đón khách, từ thời K’Plin còn trai trẻ đã nổi lên nhiều ca sỹ nổi tiếng như: Păng Ting Mút, Krajan Dí. Thế hệ sau có: Păng Ting Saly, Krajan Drim, Krajan Út, Cil Pơi, Dagout Liêm, Krajan Sik, Bounnuer Trinh, giọng ca Việt Nam Got Talen K’Druynhs.

Nước suối Lạch rót “mật” vào giọng ca

Nhiều người ở Đăng Ya tâm niệm rằng : Nếu không có nước từ con suối Lạch những nông dân ở đây không thể có được giọng ca mượt mà đến thế. Cái ngọt ngào của dòng nước đã chuyển thể thành giọng hát rồi. Suối Lạch theo tiếng gọi của người dân tộc là  Dà P’Lah. Tương truyền, người dân thường múc nước từ Dà P’Lah về tắm cho những đứa trẻ vừa sinh ra được 1 tuần. Nước sông cũng được đun sôi lên cho đứa trẻ uống 7 ngậm (với con trai), 9 ngậm (với con gái).

Nhiều người khác trong “làng ca sỹ” cả quyết: Nếu không có trên 100 lần tắm nước suối Lạch, uống nước từ suối Lạch thì làm sao có được cơ thể cuồn cuộn săn chắc và một giọng ca cao vút đến thế được. Nước suối Lạch cứ như rót mật vào giọng ca của những nông dân ở đây vậy. Nhiều người con của bản làng này đi làm ăn xa đôi khi quay về cũng chỉ để ngắm suối Lạch, uống nước Lạch cho đỡ nhớ. Với những người già thì đôi khi đến bên dòng suối để nhớ nhung, để hoài niệm về thời trẻ.


Bài, ảnh: Đông Hưng-Thành Lê
Ý kiến của bạn