Lang ben: Nguyên nhân, lây truyền, triệu chứng và điều trị

22-03-2024 10:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lang ben là một bệnh do vi nấm Pityrosporum Orbiculaire gây ra, hay gặp ở tuổi vị thành niên và người trưởng thành trẻ (thường từ 15 tuổi đến 35 tuổi). Bệnh có xu hướng mạn tính, dễ lây, dễ tái phát. Vi nấm này cũng có thể ký sinh bình thường ở da mà không có biểu hiện bệnh.

1. Nguyên nhân gây bệnh lang ben

Nguyên nhân là do nấm thuộc nhóm Malassezia furfur hay còn gọi là Pityrosporum orbiculaire gây ra, phát triển trên bề mặt da, tác động vào lớp biểu bì làm sắc tố dưới da thay đổi, tạo nên các vùng da giảm hoặc mất sắc tố.

Những yếu tố có thể làm nấm men tăng trưởng trên da gồm:

- Những người có hệ miễn dịch yếu.

- Nội tiết tố thay đổi (tuổi dậy thì, khi mang thai, trong quá trình hỗ trợ điều trị nội tiết tố).

- Vệ sinh da thiếu sạch sẽ khiến chất bẩn tích tụ lâu ngày chính là cơ hội để vi nấm xâm nhập và phát triển.

- Khí hậu nhiệt đới gió mùa là cơ hội thuận lợi để vi nấm sinh sôi, tấn công da và sinh ra bệnh lang ben.

- Mồ hôi ra nhiều làm quá trình tăng tiết mồ hôi thường xuyên khiến bề mặt da bị ẩm ướt và dễ bị bám bẩn. Vì thế vi nấm có điều kiện để phát triển và gây bệnh.

Hiện nay đã xác định và phân loại 12 chủng nấm Malassezia khác nhau, trong đó có các chủng hay gây bệnh phổ biến như M. sympodialis, M. globosa, M. restricta, M. slooffiae, M.furfur, M.obtusa... Malassezia furfur M.obtusa...

Lang ben: Nguyên nhân, lây truyền, triệu chứng và điều trị- Ảnh 1.

Chủng hay gây bệnh phổ biến như Malassezia furfur.

2. Bệnh lang ben có lây không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lang ben (pityriasis versicolor) là một bệnh nhiễm nấm ngoài da phổ biến. Bệnh ảnh hưởng tới 30-40% dân số chung, có xu hướng lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc hoặc dùng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, chăn màn….

Bệnh không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ bởi các mảng da sáng màu và có khả năng chữa được đơn giản bằng các loại thuốc kháng nấm, tuy vậy nguy cơ tái nhiễm cũng rất cao.

Bệnh lang ben rất dễ lây lan từ người bệnh sang người lành, nhất là những thành viên trong gia đình, khi dùng chung các đồ dùng cá nhân, nằm chung giường, chăn, chiếu,…

Bệnh lây mạnh khi có các điều kiện thuận lợi như đổ mồ hôi nhiều nhất là mùa hè nắng nóng, người lao động nặng như: công nhân xây dựng… Bệnh còn có yếu tố di truyền tức là cha mẹ bị bệnh thì con cái cũng dễ bị bệnh.

3. Biểu hiện của bệnh lang ben

Khi mắc bệnh lang ben thường có biểu hiện nhiều mảng nhỏ hoặc lớn loang lổ màu trắng hoặc xám, đôi khi có màu nâu hồng hoặc nâu nhạt, cạo dễ ra vảy mịn.

Thường gặp ở nửa trên thân mình, bụng lưng, phần trên cánh tay, ngoài ra có thể gặp ở mặt (hiếm khi thấy ở mông và đùi), màu thường đồng nhất trên mỗi bệnh nhân. Ở trẻ em có thể có lang ben ở mặt.

Bệnh lang ben không ngứa hay ngứa ít, nhưng khi ra nắng, đổ mồ hôi thì thường gây ngứa nhiều theo kiểu châm chích.

4. Phòng bệnh lang ben

Để phòng bệnh và ngăn ngừa bệnh có thể tái phát, bệnh nhân nên:

- Tránh sử dụng các sản phẩm gây nhờn da.

- Giảm phơi nắng, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây ra tác hại tồi tệ trên da. Nếu phải đi ra ngoài nắng, hãy sử dụng kem chống nắng, mũ và các thiết bị che chắn.

- Không nên mặc quần áo quá bó; quần áo còn ẩm. Nên mặc các loại vải thoáng khí để giảm mồ hôi.

- Vận động thể dục hàng ngày giúp nâng cao sức khỏe.

- Có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý. Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể đặc biệt là các vitamin và kẽm.

Lang ben là bệnh ngoài da do nấm có thể được điều trị bằng các thuốc kháng nấm thoa ngoài da. Các đốm da sáng màu sẽ phục hồi lại bình thường sau một thời gian khi bệnh được trị khỏi. Để giảm mặc cảm và phục hồi thẩm mỹ, người mắc lang ben cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu để có phác đồ điều trị và cách phòng chống bệnh tái phát.

Lang ben: Nguyên nhân, lây truyền, triệu chứng và điều trị- Ảnh 2.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây ra tác hại tồi tệ trên da của người bị lang ben.

5. Cách điều trị bệnh lang ben

Khi có dấu hiệu của bệnh lang ben nên đến cơ sở chuyên khoa da liễu để khám và điều trị:

- Thuốc bôi được chỉ định để giới hạn bệnh.

- Điều trị bằng đường uống được áp dụng cho các bệnh nhân có vùng tổn thương rộng, không đáp ứng với thuốc bôi hoặc hay tái phát.

- Cải thiện lâm sàng ít thấy rõ trước 3-4 tuần, sự phục hồi của sắc tố da sẽ xảy ra từ từ sau nhiều tuần khi da được tiếp xúc với ánh nắng.

Dùng thuốc chống nấm tại chỗ như: ketoconazol (1-2%) hoặc selenium sulfid (2,5%). Điều trị 2 lần/tuần trong 2 đến 4 tuần.

Các thuốc khác như nhóm azol, allylamin dạng kem và dung dịch, glycol propylen, nystatin, axit salicylic.

Nếu bệnh ảnh hưởng nhiều vùng da, diện tích thương tổn lớn thì có thể sử dụng thuốc chống nấm dạng uống như: Ketoconazole 200mg/ngày, uống 7 ngày, cần chú ý tác dụng phụ của thuốc.

Bệnh lang ben có thể điều trị dứt điểm, nhưng tốn kém về mặt thời gian và người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có sự thăm khám của các bác sĩ chuyên khoa, nếu sử dụng không đúng thuốc, không đúng cách, kết quả sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng, lây lan rộng.

6. Lưu ý dùng thuốc và cách chăm sóc da

- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu tại cơ sở y tế, tránh tự ý mua thuốc dùng hoặc theo hướng dẫn của người không phải là bác sĩ da liễu.

- Không tự ý ngưng thuốc dù các triệu chứng bệnh đã hết vì sẽ làm tái phát bệnh.

- Nên mặc áo quần thoáng, tắm rửa và thay áo quần mỗi ngày nhất là vào mùa nóng.

- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn lau, quần áo…

Sau khi được điều trị đúng cách nên thực hiện các chỉ định của bác sĩ da liễu nhằm ngăn ngừa sự tái phát bệnh lang ben.

Lang ben hay lang lớn?Lang ben hay lang lớn?

SKĐS - Con trai tôi bỗng nhiên có một số đốm trắng lớn trên da cổ và lưng. Mẹ tôi cứ bảo đấy là lang lớn, có thế trẻ con mới lớn được. Tôi thì nghe nói đó là lang ben, có phải đó là bệnh nấm da không?


BS. Nguyễn Lan Anh
Ý kiến của bạn