Lăn vào đời sống mà sáng tác

30-07-2013 10:40 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tác giả Nguyễn Văn Học vừa có cuốn tiểu thuyết thứ 8 được Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Tiếp tục đề cập những bất hạnh

Tác giả Nguyễn Văn Học vừa có cuốn tiểu thuyết thứ 8 được Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Tiếp tục đề cập những bất hạnh, những ẩn ức bế tắc trong tâm lý và cả sinh lý của một bộ phận giới trẻ; sử dụng chất liệu từ đời sống, tác giả đã thành công cả trong nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết cũng như góp thêm một tiếng nói đưa văn chương gần gũi hơn với đời sống đương đại. Cuộc trò chuyện với Nguyễn Văn Học dưới đây sẽ giúp bạn đọc thêm một kênh tiếp cận với những sáng tác của anh.

- Thưa anh, Khi vết thương nằm xuống vừa ra mắt bạn đọc vẫn còn thơm mùi mực, có lẽ chúng ta nên mở đầu câu chuyện ngay từ cuốn tiểu thuyết mới này?

- Tôi nung nấu đề tài này cũng khá lâu và với tôi, đó là cuốn nhằm xoáy sâu vào những khủng hoảng đổ vỡ tâm hồn, sóng gió cuộc sống của giới trẻ. Tuy nhiên, ở cuốn này, tôi cũng “làm mới” là đan xen nỗi đau của một người trẻ bất hạnh với một người đàn bà đầy đau khổ. Cả hai đều có những vết thương tâm hồn khó lành. Họ từ hai không gian sống khác nhau, rồi vì một hoàn cảnh đặc biệt đã nhận nhau là mẹ con và sống cùng nhau. Tuy nhiên, từ đó, họ cũng dần dần lộ ra những vết thương đã mưng mủ trong quá khứ, để rồi gian nan đi tìm cách chữa lành nó mà không được.

Mỗi người đều có một thân phận và cần phải chôn giấu những nỗi đau khổ, đẩy nó vào quá vãng và hướng về phía ngày mai. Đó là điều cốt lõi tôi muốn chuyển tải trong tác phẩm này.

Lăn vào đời sống mà sáng tác 1
 Nhà văn Nguyễn Văn Học.

- Từ Những cô gái bất hạnh, Gái điếm, Đường dài của hạnh phúc, Rơi xuống vực sâu, Bão người, Cao bay xa chạy, đến Hỗn danh... và tác phẩm mới này, hẳn anh đã chủ động định hướng đi cho mình?

- Mỗi người có một cái tạng. Cái tạng của tôi là mảng hiện thực xã hội. Tuy nhiên, ở tiểu thuyết Hỗn danh cũng đã có yếu tố huyền ảo, truyện đan trong truyện, thế giới này đan với thế giới kia, cùng song song diễn tiến. Thật sự chỉ riêng mảng xã hội này thôi tôi vẫn còn cảm xúc để có thể viết thêm 1-2 cuốn nữa. Tiếc là không đủ sức thôi. Nhưng tôi không chỉ đi theo đề tài xã hội, cụ thể hơn là mảng gia đình và giới trẻ. Tôi rất quan tâm vấn đề tôn giáo và đã viết một số truyện ngắn in báo, in tập. Một cuốn tiểu thuyết về niềm tin và vấn đề tôn giáo cũng đã được hoàn thành, nhưng tôi chưa có cơ hội in. Đó cũng là vấn đề tôi hiểu, và có cảm xúc cũng như một ý niệm rằng, đó là đề tài tôi sẽ trung thành theo đuổi.

- Cái tên Nguyễn Văn Học đã khá quen thuộc ở nhiều thể tài khác nhau: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và báo chí. Nhưng rất ít khi thấy anh “phát ngôn” về tác phẩm của mình như thói thường của một vài người viết trẻ?

- Giờ tôi sáng tác thơ rất ít. Phải có cảm hứng lắm mỗi năm tôi mới viết 1-2 bài. Có lẽ lại nói về cái tạng, tôi mạnh văn xuôi hơn. Còn “phát ngôn” về tác phẩm của mình thì xin chia sẻ với anh, tôi không biết PR, cũng không khoe khoang. Tôi viết thầm lặng và chịu đựng nỗi nhọc nhằn một mình. Chỉ những người bạn thân thiết lắm, tôi mới chia sẻ với họ về những đứa con tinh thần. Về tác phẩm, trách nhiệm của người cầm bút là viết ra nó, còn “phát ngôn” về nó, theo tôi do bạn đọc.

Lăn vào đời sống mà sáng tác 2
 Bìa cuốn Khi vết thương nằm xuống.

- Sau những tác phẩm, thái độ của tác giả ra sao trước mỗi khen - chê của dư luận?

- Đó là chuyện rất bình thường ở bất kể ngành nghệ thuật nào. Một khi tác phẩm ra đời thì dư luận có quyền đánh giá về nó. Với người này có thể đã hay, người khác chưa. Cũng sẽ có những tác phẩm “chiều” được rất nhiều độc giả ở các lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Mỗi lời khen chê cho tác phẩm của tôi, tôi đều trân trọng và tiếp thu. Điều gì đúng và tốt thì tôi sẽ theo hoặc tham khảo. Điều gì chưa đúng thì cũng xin nghe, bởi dù sao thì đó cũng là sự quan tâm. Tôi không sợ chê, nếu đó là những chia sẻ thật sự và nghiêm túc. Tôi chỉ sợ kiểu khen bốc giời và chê vùi dập. Điều này đã diễn ra khá phổ biến ở làng văn.

- Anh rất kiệm lời, ngay cả lúc bia bọt. Tôi nhớ, có lần trả lời cho câu hỏi “làm thế nào Nguyễn Văn Học viết khỏe thế?”, anh cũng chỉ ngắn gọn “cứ lăn xả vào đời sống mà sáng tác như mọi nghề khác thôi”... Nhân đây, anh có chia sẻ gì về thế hệ của mình không?

- Thế hệ chúng tôi, để tạo nên một bước đột phá, có lẽ phải cố gắng hơn và đó cũng là điều mà nhiều cây bút trẻ trăn trở. Lợi thế nhiều, nhiệt huyết lắm, nhưng độ chín thì người viết văn trẻ ngày nay còn thiếu. Có người chỉ ra do phải mưu sinh, người khác bảo do hệ tư tưởng. Hay một luồng ý kiến khác nói văn chương trẻ ngày nay bị cạnh tranh bởi nhiều phương tiện nghe nhìn khác, do kinh tế suy thoái, người đọc dần thưa vắng, bỏ rơi nhà văn. Một số người lại cho văn trẻ chưa đủ tài. Tôi nghĩ là không nên đặt gánh nặng lên vai người viết trẻ. Mỗi người đều chỉ có thể kỳ vọng, cố gắng, còn thành công hay không, đột phá hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Và nếu tác giả nào đam mê, dấn thân thật sự, đang và có hy vọng tạo dựng một dấu ấn hay một phong cách thì đều đáng được động viên.

- Và, những sáng tác tiếp theo...

- Tôi cũng có ấp ủ hai đề tài. Nhưng tôi cần nạp năng lượng và đọc thêm để sau này có thể xây dựng được một cốt truyện khá. Rất có thể phải vài năm đến 5 năm nữa tôi mới động đến. Giờ cũng còn phải mưu sinh đã. Và cuốn tiếp theo, trong dự định, tôi viết về vấn đề đô thị hóa làng quê cùng những vết thương làng quê trong cơn lốc thời đại. Ở đó, tôi khơi gợi về thân phận những người dân một nắng hai sương, chịu nhiều thiệt thòi trong không gian có vẻ bình yên.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này, chúc anh tiếp tục có nhiều sáng tác thành công hơn nữa!

 Khúc Hồng Thiện

        (thực hiện)


Ý kiến của bạn