Người dân cần chủ động trang bị bộ lọc với tin giả trên mạng
Chương trình livestream "Dân hỏi – Thành phố trả lời" vừa qua có sự tham gia của các khách mời, gồm: Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hiếu; thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu công an TP.HCM và ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT).
Những thắc mắc của người dân, cộng đồng xung quanh chủ đề học online, sách giáo khoa, giấy đi đường cho các ngành nghề và an ninh trật tự trong giai đoạn "ai ở đâu ở yên đó" những ngày dịch COVID-19 đã được các khách mời giải đáp trực tiếp tới người dân.
Đáng chú ý, trao đổi về "tin giả" với ông Lê Quang Tự Do, nghệ sĩ Quyền Linh chia sẻ, trên facebook hiện nay, nhiều trang mở ra kêu gọi từ thiện để trục lợi và quảng cáo bán hàng gây bức xúc dư luận.
"Hiện nay chúng tôi phát hiện ra có hai thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội, chủ yếu là facebook. Ví dụ, sư trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm vừa phản ánh hình ảnh của nhà sư bị cắt ghép, dán vào một hội nhóm trên mạng xã hội kêu gọi từ thiện, có cả số tài khoản đăng trên trang này luôn. Người dân thấy hình ảnh sư trụ trì là người có uy tín thì người ta ủng hộ, kết quả là họ bị mất tiền, lừa đảo", ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
MC Quyền Linh nêu ý kiến, các cơ quan chức năng cần có biện pháp nào đó để xử lý những tin tức giả trên mạng xã hội để bà con tránh. "Bây giờ lập facebook giả rất nguy hiểm, người ta tin gửi tiền vô. Rồi lập kênh bán hàng giả nữa, dịch COVID-19 người ta đặt hàng mà phải hàng giả thì khổ người dân lắm", MC Quyền Linh trao đổi trên sóng livestream với ông Lê Quang Tự Do.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, hiện nay có 2 cách để ngăn chặn tin giả. Thứ nhất là cơ quan chức năng có thông tin cảnh báo đến người dân, trước hết phải có sự cảnh giác và đối diện với những thông tin trên mạng, các trang nghi ngờ có dấu hiệu sai trái, lừa đảo.
"Chúng tôi cũng đang tổ chức những đội IT rất chuyên nghiệp để phát hiện và gỡ, chặn những trang mạng xã hội đưa thông tin sai trái, lừa đảo mọi người. Mọi người cũng biết, thông tin trên mạng thì sẽ được hậu kiểm hết, tức là người ta đăng lên rồi thì chúng tôi rà quét, phát hiện và gỡ. Tốt nhất là mỗi chúng ta hãy trang bị một bộ lọc và tiếp nhận những thông tin chính thống để có sự cảnh giác", ông Lê Quang Tự Do chia sẻ thêm.
Sẽ xử lý những nghệ sĩ lan truyền thông tin địa long chữa COVID-19
Tại chương trình, ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm một thông tin mà nhiều người dân quan tâm những ngày gần đây. Đó là thông tin giun đất (địa long) được lan truyền có thể chữa được COVID-19.
Ông chia sẻ: "Có một số người nổi tiếng cũng đi quảng cáo câu chuyện này (địa long chữa COVID-19 - PV). Bộ Y tế đã chính thức có thông tin khẳng định không có cơ sở khoa học nào chứng minh giun đất hoặc chiết xuất từ giun đất để chữa COVID-19".
Vì vậy, người dùng mạng xã hội và kể cả nghệ sĩ nổi tiếng nếu tiếp tục lan truyền những thông tin như địa long chữa COVID-19 thì cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm. Ông Lê Quang Tự Do khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác, "Thuốc điều trị COVID-19 đã được Bộ Y tế công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Người dân không nên sử dụng những loại thuốc chưa được kiểm chứng, đặc biệt là các thông tin sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta".
Trước đó, liên quan đến "địa long có thể chữa được COVID-19", một số nghệ sĩ là người của công chúng như diễn viên Angela Phương Trinh, Lê Bê La… chia sẻ trên trang cá nhân có hàng trăm nghìn, hàng triệu người theo dõi đã làm xôn xao dư luận.
Báo Sức khỏe&Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế sau đó đã có loạt bài phản ánh về những thông tin địa long chữa COVID-19 không có căn cứ khoa học của những nghệ sĩ nổi tiếng kể trên, đồng thời có các bài viết phân tích, đánh giá từ góc độ khoa học của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế nhằm trả lời câu hỏi "địa long có chữa được COVID-19" hay không.
TTND.PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh – Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay chưa có bất kỳ một nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng của địa long trong điều trị COVID-19. Đến chiều 29/8, Bộ Y tế chính thức khẳng định, đến nay, Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần địa long nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị COVID-19 của địa long.
Bộ Y tế nhấn mạnh, một số cá nhân sử dụng mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, chia sẻ địa long có thể chữa COVID-19 là những thông tin không chính xác, không có căn cứ khoa học, chưa được kiểm chứng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu theo lời quảng cáo trên mạng xã hội khi thông tin chưa được kiểm chứng và chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, để tránh tiền mất tật mang.