Ngày 23/8 tới đây, vở kịch Những người con Hà Nội do Hoàng Giang làm đạo diễn sẽ chính thức ra mắt khán giả Thủ đô tại rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội). Những người con Hà Nội là công trình nghệ thuật của Nhà hát kịch Hà Nội hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014).
Tái hiện nhiều vẻ đẹp Hà Nội một thời
Một năm trước, đạo diễn Doãn Hoàng Giang cùng Nhà hát kịch Hà Nội đã bắt đầu đi tìm kịch bản để dàn dựng vở diễn chào mừng và kỷ niệm 60 Giải phóng Thủ đô. 30 - 50 kịch bản được đưa lên “bàn cân” và rất may mắn, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã tìm được cái tên Người Hà Nội của tác giả Phạm Văn Quý vì có “hơi thở của Hà Nội”, thế rồi “lão đạo diễn” ở tuổi bát thập quyết định chọn kịch bản này và đặt tên cho vở diễn là Những người con Hà Nội.
Một cảnh trong vở kịch “Những người con Hà Nội”.
Những người con Hà Nội đã tái hiện một khoảng thời gian lịch sử của đất nước, cụ thể là 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mở đầu những ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp trong mùa đông năm 1946. Theo đạo diễn Doãn Hoàng Giang, vở kịch này không chỉ cho thấy những người con Hà Nội năm xưa anh dũng, kiên cường, bất khuất, mà còn bộc lộ nét hào hoa. Chẳng hạn, vở diễn có nhân vật là người con gái làng hoa đem hoa đến chiến lũy và các chiến sĩ ở chiến lũy ấy đã biến thành “chiến lũy hoa” khi hoa xuất hiện ở khắp mọi nơi. Cho nên, hoa cũng được xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn.
Chất hào hoa của người Hà Nội xưa trong chiến đấu còn được NSND Doãn Hoàng Giang thể hiện ở các cảnh diễn, đó là một cô ca sĩ hát say sưa những bản tình ca, như Suối mơ, Thiên thai, Buồn tàn thu, Bến xuân... Vì thế, xem Những người con Hà Nội, khán giả không bị căng thẳng với những cảnh chiến đấu, ác liệt; tất cả vẫn thấy được một không gian lãng mạn, như lời một chiến sĩ trong vở diễn nói “Chúng ta dám cầm súng đánh Pháp cũng là rất lãng mạn rồi”. Ở vở kịch này, người ta vẫn thấy những mối tình đơm chồi nảy lộc như mối tình của nhân vật Hoàng Dương và Khánh Linh. Và ở đó, khán giả còn thấy trong ngày Tết, những người ở lại bảo vệ Thủ đô mang tới chiến lũy bánh chưng, ô mai Hàng Đào, bánh cốm Hàng Than... đậm chất tình quân dân.
Qua vở diễn này, NSND Doãn Hoàng Giang muốn nhắn nhủ tới khán giả, đó là những người Hà Nội thay mặt dân tộc Việt Nam đứng lên chiến đấu với đế quốc Pháp đứng thứ 4 về sức mạnh quân sự để bảo vệ nền Độc lập – Tự do còn non trẻ theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kêu gọi. Vì thế mới có cảnh người chiến sĩ đã lấy máu trên cơ thể để viết nên dòng chữ “Độc lập – Tự do”, hoặc người đã hy sinh cũng ôm lấy bức tường có dòng chữ ấy đầy oai hùng. Tất cả tái hiện người Hà Nội một thời bom đạn đã không tiếc xương máu, công sức, của cải... để đánh đuổi quân thù nhưng chất hào hoa vẫn đậm nét.
“Đạo diễn Olympic” và sẽ lan tỏa
Những người con Hà Nội có sự tham gia diễn xuất của 100 nghệ sĩ, diễn viên “gạo cội” của sân khấu kịch nói phía Bắc, như NSND Minh Hòa, NSƯT Tiến Đạt, NSƯT Trung Hiếu, NSƯT Công Lý, NSƯT Đức Quang, NSƯT Xuân Đồng, NS Phú Thăng, Tiến Minh, Thu Hường, Bích Ngọc... cùng các ngôi sao trẻ đang được cả nước yêu mến trên màn ảnh truyền hình là Kiều Thanh, Tiến Lộc, Thiện Tùng, Quang Minh, Chí Nhân...
Trong Những người con Hà Nội, khán giả sẽ thấy đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng nhiều đại cảnh, theo chia sẻ của “lão đạo diễn” thì những đại cảnh trong vở kịch này hay các vở khác ông đã từng dựng sẽ nói lên số phận của quần chúng, đi vào thân phận của dân tộc. Cũng vì thế, nhiều người trong giới “nể” NSND Doãn Hoàng Giang, có người gọi ông là “đạo diễn Olympic”. Đã có lúc “lão đạo diễn” huy động đến 350 người cho một vở diễn, điển hình như vở Điện Biên Phủ.
Sau khi chính thức công diễn Những người con Hà Nội từ ngày 23/8 tới đây, Nhà hát kịch Hà Nội sẽ đem vở diễn này tham dự Liên hoan sân khấu kịch Thủ đô diễn ra từ 20/9 đến 5/10/2014 tại Hà Nội.
Hoa quỳnh