Lan tỏa văn học Việt Nam ra thế giới

16-02-2019 14:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngày 16/2 tại Hà Nội, các nhà văn, nhà thơ quốc tế đã có những đánh giá về văn học Việt Nam nói chung, đất nước con người hình chữ S nói riêng tại Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4, Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ 3.

Theo đó, Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4, Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ 3 nằm trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII, diễn ra từ 15 – 21/2 tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Giang thu hút hàng trăm nhà văn, nhà thơ của Việt Nam và các nước trên thế giới như Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Scotland, Mỹ...

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, sự kiện lần này chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi sâu hơn về nghề nghiệp, tìm cách làm cho văn học và giao lưu văn hóa trở nên màu nhiệm hơn, làm cho sức chinh phục của ngôn ngữ ngày càng mạnh mẽ hơn trước bao vấn đề đặt ra cho toàn nhân loại. Chúng ta cùng nhau chia sẻ gánh nặng đó và càng kiên định hơn trong mục tiêu đã lựa chọn: thông qua giao lưu văn học để gắn kết mọi lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm họa, bắt đầu từ con người, vì con người, cho con người.

 

Tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4

Toàn cảnh Hội nghị

Ngày nay văn học Việt Nam không ngừng đổi mới để phản ánh hiện thực đất nước và khám phá chiều sâu của con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành cùng nhân loại trong thế giới phẳng, đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị cội nguồn dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thế giới"– nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

 

Nhà thơ Fernando Rendón, Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi và Mỹ la tinh

Trong khi đó, nhà thơ Fernando Rendón, Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi và Mỹ la tinh cho biết, liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3 tại Hà Nội đã tạo ra cho chúng ta một bầu không khí mới và làm chúng ta nhớ lại một ước mơ vĩ đại vì hòa bình và độc lập. “Tại Thủ đô Hà Nội, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy đồng lòng để gieo trồng và gặt hái những mùa màng trí tuệ, giống như những người nông dân trên đất đai của mình” - nhà thơ Fernando Rendón bày tỏ - “Từ cuộc chiến tranh tàn khốc, Việt Nam trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến và hòa bình”.

 

Nhà văn Vadim Terekhin – đồng Chủ tịch Hội các nhà văn Nga

Nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4 là chia sẻ của nhà văn Vadim Terekhin – đồng Chủ tịch Hội các nhà văn Nga.  Theo nhà văn Vadim Terekhin nhấn mạnh, trải qua những thăng trầm của lịch sử, các bạn (Việt Nam) vẫn đứng vững với niềm tin và danh dự lớn lao của mình. Văn học Việt Nam là một trong những nền văn học cổ nhất của nhân loại, thế kỷ XV có Nguyễn Trãi, thế kỷ VXVI có Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau đó là Nguyễn Du (thế kỷ XVIII)...

Việc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chiến lược, nhà chính trị, nhà triết học... mà Bác Hồ còn là một nhà thơ thiên tài. Nhà văn Vadim Terekhin cũng đưa ra đánh giá “trải qua thế kỷ trước, văn học Việt Nam đã diễn đạt nội dung của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và độc lập tự do của đất nước”.

Bà Phiulavanh Luangvanna, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Lào

Từng có thời gian sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, bà Phiulavanh Luangvanna, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Lào nói tiếng Việt như... người Việt. “Trong thời gian ở Việt Nam (1971 – 1975), tôi đã đọc rất nhiều báo, tạp chí... và phải nói tôi rất yêu văn học Việt Nam về tình cảm, tư tưởng, cái hay cái đẹp của văn phong và thật hạnh phúc khi được nghe thơ của các bậc tiền bối như: Nguyễn Phú, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đức Thuận, Tô Hoài và nhiều nhà văn khác. Tôi đánh giá cao giá trị thơ văn và bút pháp của họ” - bà Phiulavanh Luangvanna cho biết.

Đặc biệt, theo cảm nhận của bà Phiulavanh Luangvanna, Việt Nam có kho tàng văn học đồ sộ như được nhắc đến trong Hiến pháp, Luật của Việt Nam, chính sách của Chính phủ Việt Nam. Bà Phiulavanh Luangvanna nhận ra rằng quảng bá văn học trong một đất nước anh hùng vẫn được tiếp tục quảng bá trên toàn đất nước và thế giới.


Bài và ảnh: Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn