PV Suckhoedoisong.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trung Anh – Giám đốc BV Lão khoa TW – đơn vị tuyến cao nhất trong hệ thống thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam.
PV: Thưa TS. Nguyễn Trung Anh, với đặc thù BV Lão khoa TW là tuyến cuối điều trị các bệnh cho NCT thì hiện nay công tác phòng chống dịch COVID-19 xâm nhập vào BV được triển khai như thế nào thưa ông?
TS. Nguyễn Trung Anh: Đối tượng khám chữa bệnh của BV Lão khoa TW là NCT, nhóm có nhiều thay đổi về sinh lý, thường mắc đa bệnh lý mạn tính vì vậy họ thuộc đối tượng dễ bị tổn thương, dễ nhiễm bệnh. Với đặc thù của COVID-19 thì NCT sẽ dễ bị rơi vào tình trạng nặng và diễn biến xấu nếu bị nhiễm và tốc độ lây lan sẽ rất nhanh.
Vì vậy, trong tình huống phức tạp hiện nay, BV chúng tôi luôn đề cao công tác phòng chống dịch và thực hiện các biện pháp tối ưu theo Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn của Bộ Y tế, sẵn sàng các kịch bản ứng phó các tình huống xảy ra.
Trong thời điểm hiện tại, BV đã và đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch xâm nhập, bao gồm:
1. Đối với bệnh nhân (BN) và người nhà người bệnh:
- BV chú trọng sàng lọc nhiều lớp: Tại chốt khám sàng lọc ban đầu được trang bị đầy đủ máy tầm nhiệt tự động, nước rửa tay và khẩu trang phát miễn phí cho người bệnh khi cần, cán bộ trực kiểm soát chặt chẽ người ra vào 24/24h. Vì vậy, ngay khi vào khuôn viên bệnh viện, người bệnh, người nhà người bệnh đã được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo dịch tễ, thực hiện giãn cách, kiểm tra thân nhiệt.
Trong trường hợp BN phải nhập viện điều trị nội trú, khoa điều trị tiếp tục kiểm tra lại toàn bộ yếu tố dịch tễ, triệu chứng lâm sàng trước khi thực hiện thủ tục nhập viện.
- Tại khu vực khám bệnh và cận lâm sàng: Thưc hiện tối đa việc giãn cách, đồng thời thông qua hệ thống tư vấn từ xa và quản lý bệnh mạn tính chúng tôi phân luồng, thời gian BN tới khám để tránh ùn ứ, tập trung đông, phân luồng giữa BN ngoại trú và nội trú.
Người bệnh ngoại trú được cấp thuốc không quá 3 tháng để giãn thời gian tái khám.
- Tại các khoa điều trị nội trú: Bố trí giãn cách tối đa giữa BN và người nhà trong một khoa cũng như giữa các khoa trong BV. Quản lý chặt chẽ người thăm nuôi, mỗi BN chỉ được tối đa 1 người nhà ở lại hỗ trợ chăm sóc nếu cần, người chăm sóc phải có yếu tố dịch tễ rõ ràng, hạn chế tối đa việc thay người. Tại 2 khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực là những đơn vị có BN nặng và nguy cơ cao, chúng tôi tổ chức chăm sóc toàn diện cho người bệnh đồng thời tiến hành xét nghiệm định kỳ cho những BN có nguy cơ cao để tầm soát một cách chủ động.
Áp dụng đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền, giải thích về COVID-19 để người bệnh và người nhà chủ động thực hiện các quy định và các biện pháp phòng tránh.
Đo thân nhiệt trước cửa ra vào Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ảnh: Thùy An.
2. Đối với bệnh viện:
Chúng tôi tiếp tục thực hiện phân luồng ra vào một chiều, bố trí khu vực cách ly khám, chờ chuyển viện với các trường hợp nghi ngờ, phòng khám cách lý đầy đủ phương tiện, dụng cụ, phân lịch trực bác sĩ và điều dưỡng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi cần.
Bệnh viện đảm bảo trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính chắn giọt bắn cho nhân viên theo yêu cầu công việc. Tổ chức xét nghiệm tầm soát đối với các đơn vị tuyến đầu như khoa cấp cứu, khoa khám bệnh và với các trường hợp có yếu tố dịch tễ.
Toàn bộ nhân viên tự giác khai báo dịch tễ, các đơn vị có trách nhiệm thường xuyên rà soát nhân viên, chủ động xử trí theo phân loại các F, cập nhật về phòng kế hoạch tổng hợp, báo cáo Ban Giám đốc khi có tình huống xảy ra tại đơn vị. Các cuộc họp, giao ban được chuyển sang hình thức online.
Đối với dịch COVID-19 việc kiểm soát nhiễm khuẩn là rất quan trọng, chúng tôi bố trí nước rửa tay ở rất nhiều nơi trong BV để cả nhân viên y tế cũng như BN, người nhà BN có thể sử dụng, đồng thời thường xuyên vệ sinh bề mặt, tiến hành khử khuẩn toàn bệnh viện định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu. Sử dụng quạt thông gió hỗ trợ thông khí toàn bệnh viện, hạn chế không gian kín.
Bệnh viện chủ động xây dựng phương án ứng phó nếu trường hợp bị phong tỏa bệnh viện xảy ra và chuẩn bị sẵn sàng nếu được tiêm vắc xin COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tập huấn, cập nhật thông tin mới nhất về COVID-19 từ Bộ Y tế cho toàn bộ nhân viên BV. Mỗi nhân viên BV là một chiến sĩ và BV là một tập thể đoàn kết đồng lòng, quyết tâm chống lại COVID-19.
PV: Thăm hỏi người bệnh từ lâu là thói quen của người Việt vốn rất coi trọng tình cảm, theo ông việc làm này nên thay đổi ra sao trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay? Đặc biệt là khi đã có nhiều BV bị phong tỏa, cách ly y tế vì COVID-19.
TS. Nguyễn Trung Anh: Việc thăm hỏi người bệnh là một thói quen cũng như văn hóa lâu nay của người Việt, tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh hiện nay, bệnh viện chủ động tuyên truyền tới người bệnh và gia đình các biện pháp phòng chống dịch trong đó hạn chế tiếp xúc góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo sự an toàn cho chính mình, người thân và cộng đồng.
Thông qua hoạt động tuyên truyền, người bệnh và người nhà người bệnh được nâng cao ý thức chấp hành các quy định của bệnh viện: Hạn chế tối đa hoạt động thăm nom, khi dịch cao điểm mọi hoạt động thăm nom phải tạm dừng; Tối đa người bệnh chỉ được một người nhà chăm sóc, chỉ được thay đổi người nhà khi có lý do đặc biệt và phải đảm bảo yếu tố dịch tễ rõ ràng.
Bên cạnh việc vận động bệnh nhân và người nhà chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, bệnh viện tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động trong bệnh viện tôn trọng, phát huy và duy trì văn hóa ứng xử: Người bệnh là đối tượng phục vụ, người nhà là đối tác phối hợp để chăm sóc BN. Trong bối cảnh dịch bệnh gây nên nhiều lo âu, căng thẳng, nhân viên y tế cần chú ý hơn nữa việc thăm hỏi, động viên tinh thần người bệnh…
PV: Hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, vậy thì các nhân viên y tế của BV phải làm thay tất cả những công việc chăm sóc cho người bệnh. Xin hỏi vấn đề chăm sóc toàn diện tại BV Lão khoa TW được thực hiện như thế nào thưa ông?
TS. Nguyễn Trung Anh: Vấn đề chăm sóc toàn diện không phải là mới nhưng đây là bài toán khó đối với các cơ sở y tế trong bối cảnh hiện nay, nhất là với lão khoa. Tốc độ già hóa dân số một cách nhanh chóng như hiện nay đã gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội và cả hệ thống y tế. Chúng ta vừa thiếu, vừa yếu cả về nhân lực và vật lực cho công tác chăm sóc sức khỏe NCT. Xây dựng hệ thống cần có quá trình nhất định mà nhu cầu của BN thì không thể trì hoãn.
Vì vậy trong giai đoạn này chúng ta cần coi người nhà của BN như một đối tác phối hợp để chăm sóc bệnh nhân, nhất là đối với NCT thì người nhà không chỉ mang tính hỗ trợ chăm sóc cơ bản mà còn đóng vai trò chăm sóc tinh thần cho họ.
Chính vì vậy tại các khoa nội thông thường chúng tôi dừng việc thăm hỏi, mỗi BN sẽ được tối đa 1 người nhà ở lại hỗ trợ chăm sóc nếu cần (người nhà được khám sàng lọc kỹ về các yếu tố dịch dịch tễ và triệu chứng lâm sàng).
Nhân viên y tế thường xuyên tập huấn, phổ biến cho người nhà cách chăm sóc cơ bản cho BN, cách phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng tránh lây bệnh. Riêng ở khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực là khu vực BN nặng chúng tôi áp dụng hình thức chăm sóc toàn diện.
Bên cạnh đó, BV chú trọng vấn đề dinh dưỡng và phục hồi chức năng cho BN để tăng cường hiệu quả điều trị. Toàn bộ BN nằm viện được khám phục hồi chức năng và sàng lọc dinh dưỡng. BN được bác sĩ phục hồi chức năng chỉ định các bài tập phù hợp, kỹ thuật viên được phân công và chủ động sắp xếp tới tập tại giường cho BN đồng thời hướng dẫn cho người nhà để họ có thể hỗ trợ BN tập nhiều lần trong ngày và sau khi ra viện. Điều này rất quan trọng và cần thiết đối với người cao tuổi để ngăn ngừa sự suy giảm chức năng dẫn tới phụ thuộc trong sinh hoạt hàng ngày.
Vấn đề dinh dưỡng cũng vậy, BN sau khi được sàng lọc thì tùy theo tình trạng bệnh sẽ được chỉ định chế độ ăn phù hợp. Khoa Dinh dưỡng và bếp ăn của chúng tôi sẵn sàng cung cấp các suất ăn bệnh lý cho BN và cả người nhà nếu có nhu cầu để họ hạn chế việc phải đi lại ra bên ngoài, đây cũng là 1 trong những nguy cơ dẫn tới lây chéo trong BV.
Tại BV Lão khoa TW, việc chăm sóc NCT được chúng tôi thực hiện với đội ngũ liên ngành, tiếp cận đa chiều nhờ vậy, các đơn vị có sự hỗ trợ, phối hợp với nhau giúp việc chăm sóc cho NCT được thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện nhất có thể.
PV: Bộ Y tế cũng đã có công văn số 3775/BYT-KCB trong đó chỉ đạo: Với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo. BV Lão khoa TW đã triển khai việc này ra sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Trung Anh: Ngay khi nhận được công văn số 3775/BYT-KCB, BV Lão khoa TW đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ BGĐ đến các đơn vị, đặc biệt chú trọng tại các khoa Khám bệnh, Khám bệnh Theo yêu cầu & Quốc tế, khoa Dược, Phòng Tài chính – Kế toán, và bộ phận tiếp đón, hướng dẫn người bệnh… triển khai sớm và nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế.
Bệnh viện đảm bảo cung ứng thuốc đủ, đúng yêu cầu theo chỉ định của bác sĩ cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo. Mềm dẻo linh hoạt theo tình hình dịch bệnh diễn ra nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của bệnh nhân bảo hiểm y tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!