Làn sóng COVID-19 mới đang tới

29-07-2020 09:37 | Quốc tế

SKĐS - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả đợt dịch COVID-19 lần này là một “cơn sóng lớn”, không giống cúm mùa, bởi dịch COVID-19 không có xu hướng theo mùa. Nó như một cơn sóng lúc dâng lên khi hạ xuống.

 

WHO cảnh báo dịch bệnh COVID-19 không phải theo mùa, đang tăng tốc trở lại

Các quan chức trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng sự hồi sinh của dịch bệnh COVID-19  cùng với các trường hợp nhiễm mới tương tự với trường hợp ở Hồng Kông. Điều này dường như là virus đang vượt quá tầm kiểm soát của con người.  Thực tế là chỉ có phối hợp hành động mới có thể làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.

Bà Margaret Harris, người phát ngôn WHO  cho biết tại một cuộc họp báo ngày  28/7 rằng chúng ta đang ở làn sóng đầu tiên, đây sẽ là một làn sóng lớn. Có thể nó sẽ lên hoặc xuống một chút.   “Mọi người vẫn nghĩ rằng dịch bệnh (COVID-19) là bệnh theo mùa. Điều mà tất cả chúng ta cần phải hiểu rằng đó là một loại virus mới và cơ chế lây lan rất khác”, bà Margaret Harris nói.

Người phát ngôn của WHO cũng  nhấn mạnh cách tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh là hạn chế tối đa nguy cơ lây lan. Bà cũng kêu gọi người dân Mỹ không tụ tập đông người. Nhiều người hiện nay đang hiểu nhầm  và coi đây là bệnh theo mùa. “Cần nhắc lại rằng, COVID-19 do một loại virus mới gây ra, và nó hoạt động hoàn toàn khác”, bà Margaret Harris cho hay. Virus này có thể ưa với mọi loại thời tiết.

Người phát ngôn WHO Margaret Harris

Điều các cơ quan chức năng cần lưu tâm hiện nay là các đợt bùng phát COVID-19 trùng với những dịch bệnh khác như cúm mùa hay nhiều bệnh khác.  Đến nay, vẫn chưa  thấy các trường hợp nhiễm cúm gia tăng, có thể dịch cúm mùa bắt đầu muộn hơn so với thông thường. WHO đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này.  Người phát ngôn của WHO cũng lưu ý, người có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn, nên được đi tiêm phòng cúm trước mùa dịch bởi nếu không may mắc bệnh hô hấp thời điểm này sẽ gây áp lực lên hệ thống y tế vốn đang phải chống chọi với dịch bệnh COVID-19 ở khắp nơi trên thế giới.

Dịch COVID-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019  và hiện đã lan ra hầu khắp quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay thế giới đã ghi nhận xấp xỉ 16,9  triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 660.000 người đã tử vong, số người khỏi bệnh là 10,5 triệu người. Tuy nhiên dịch bệnh  đang có xu hướng bùng phát mạnh trở lại những tuần gần đây với số ca mắc COVID-19 tăng hơn 2 lần chỉ trong vòng 6 tuần.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Đây là lần thứ 6 WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng COVID-19 đã nhanh chóng trở thành đại dịch nghiêm trọng nhất trong số đó". Ông Tedros cảnh báo, dịch sẽ còn tiếp tục lan rộng trong thời gian tới. Dự kiến Ủy ban Khẩn cấp của WHO sẽ  nhóm họp để đánh giá lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 30/7 . Ông  Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại, COVID-19 chính là đại dịch nghiêm trọng nhất so với những đại dịch y tế khẩn cấp toàn cầu được tuyên bố trước đây.

Nhiều biện pháp giãn cách xã hội, quy định đeo khẩu trang để phòng dịch bệnh lây lan

Trung Quốc: số ca mắc đang tăng trở lại

Trung Quốc đại lục thông báo đã ghi nhận thêm 68 ca mới trong ngày 28/7, gồm 4 ca nhập khẩu và 64 ca lây nhiễm cộng đồng. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Trung Quốc ghi nhận số ca mới tăng cao. Tính đến hiện tại, Trung Quốc đại lục xác nhận tổng cộng 83.959 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong.

Ổ dịch tại  thành phố Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc bùng phát hồi tuần trước đến nay đã lan ra 9 thành phố ở 5 tỉnh, trong đó có trường hợp dương tính được xác nhận ở Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) cách Đại Liên đến 1.500 km. Đến nay, cơ quan y tế Đại Liên đã lấy mẫu xét nghiệm của 1,68 triệu người trong tổng số 6 triệu dân của tỉnh này. Dịch bệnh diễn biến nguy hiểm đến mức Phúc Châu ban bố “tình trạng thời chiến” và đẩy mạnh kiểm tra đối với những người từ vùng dịch đến. Bắc Kinh  cũng ghi nhận ca nhiễm đầu tiên từ khi dịch bệnh được kiểm soát hồi đầu tháng. Bệnh nhân có liên quan một ca bệnh ở Đại Liên.

Trong khi đó tại  Hong Kong, đặc khu hành chính này đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 3 khi  tiếp tục ghi nhận 106 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 98 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc bệnh ở đặc khu này lên gần 2.900, trong đó có 23 ca tử vong. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Hong Kong ghi nhận số ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở mức ba chữ số. Chính quyền đã gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ hơn. Dù ca lây nhiễm mới giảm  đi ¼ so với mấy ngày trước, nhưng chưa có căn cứ cho thấy đợt dịch này đã giảm nhiệt.

Tiến sĩ Chuang Shuk-kwan, người đứng đầu các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe cho biết, mặc dù chưa có sự lây lan theo cấp số nhân, nhưng  không nên chủ quan, các nhà khoa học vẫn đang theo dõi tình hình.  Sẽ phải mất vài ngày nữa mới xác định được đợt dịch lần này tại  Hong Kong bước vào xu hướng giảm hay chưa.  Vào ngày 29/7, các biện pháp mới có hiệu lực  ở Hong Kong bao gồm lệnh cấm tụ tập hơn hai người, chỉ phục vụ mang về đối với các nhà hàng ăn uống, bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng ngoài trời.

Theo một nghiên cứu mới nhất của Đại học Bách khoa Hong Kong đối với hơn 20 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng cho thấy, SARS-CoV-2 lây lan ở đặc khu hành chính này đến từ Kazakhstan và Phillipines. Các nhà khoa học tại địa phương còn tiết lộ cho trang SMCP rằng, chủng virus gây COVID-19 ở Hong Kong  không có sự đột biến, chúng đang thích nghi tốt hơn với cơ thể người và trở nên dễ lây truyền hơn.

Tại Hàn Quốc ghi nhận thêm 28 ca mới, trong đó có 23 ca nhập ngoại  nâng tổng số ca mắc bệnh lên 14.203 với 300 ca tử vong.

Tình hình dịch COVID-19 cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu ở Indonesia. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, trong ngày 28/7, Indonesia phát hiện thêm 1.748 ca mới, nâng tổng số lên 102.051 ca, trong khi số ca tử vong tăng 63 ca lên 4.901 ca. Số ca mắc trong ngày ở quốc gia Đông Nam Á này hiện ở mức trên 1.500 ca.


Hải Yến
Ý kiến của bạn