Lần này thì tôi không tin Chu Lai

11-02-2016 14:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Anh với tôi đều cầm tinh con chó, nhưng anh sinh năm 1946, trước tôi tròn 1 giáp. Ngày tôi là chàng trung úy phóng viên mang ba-lô về nhập hộ khẩu ở “phố nhà binh” (Hà Nội) thì anh đã là Thượng tá nhà văn, danh nổi như cồn.

Anh với tôi đều cầm tinh con chó, nhưng anh sinh năm 1946, trước tôi tròn 1 giáp. Ngày tôi là chàng trung úy phóng viên mang ba-lô về nhập hộ khẩu ở “phố nhà binh” (Hà Nội) thì anh đã là Thượng tá nhà văn, danh nổi như cồn. Bởi vậy nên tuy nhà riêng của anh và trụ sở báo Quân đội Nhân dân (QĐND) của tôi cùng chung ngõ số 8 Lý Nam Đế, nhưng hằng ngày tôi chỉ dám ngắm anh qua ô cửa sổ, mỗi khi anh “hùng dũng” sải bước từ nhà riêng sang nhà số 4, trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ).

Ấy là khoảng cuối năm 1988, dạo ấy báo chí quân đội cũng được “cởi trói, bung ra” làm ăn theo cơ chế thị trường. Cơ quan tôi liên kết với Bộ Tư lệnh Đặc công ra một phụ san chuyên đề “Những người mang áo cỏ” để kiếm thêm chút tiền Tết. Tôi được phân công sang đặt nhà văn Chu Lai một bài về chuyện đặc công rừng Sác thời chống Mỹ, vì anh nguyên là lính đặc công “vùng ven” ngày ấy. Thế là tôi có cớ để diện kiến nhà văn thần tượng, ngay tại nhà riêng của anh. Dạo ấy lịch treo tường cũng đang “bung ra” với mốt ảnh gái đẹp. Trong phòng khách kiêm phòng viết của Chu Lai cũng treo một cuốn lịch 12 tờ loại ấy, nhưng rất “độc”: Đó là lồ lộ 12 tòa thiên nhiên, “nuy” đến từng... centimet! Tôi không nhớ rõ đó là 12 cô gái Thái Lan hay Hồng Kông, Hàn Quốc, nhưng chắc chắn đó là những thiếu nữ Á châu và “gợi” đến... run rẩy cả chân tay. Thấy tôi cứ vừa nói chuyện vừa liên tục liếc xéo sang cuốn lịch khỏa thân, Chu Lai tủm tỉm: Chú mày được đấy! Để anh bảo chị Hồng kiếm cho một cuốn!

Nữ thanh niên xung phong - nhân vật xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của nhà văn Chu Lai (ảnh minh họa).

Chị Hồng là nhà văn Trung tá Vũ Thị Hồng, vợ nhà văn Chu Lai, năm đó hình như là Phó ban Phụ nữ Quân đội. Tưởng anh chỉ nói thế, không ngờ mấy hôm sau sang lấy bài, tôi được anh tặng một cuốn lịch y chang cuốn trên tường nhà anh. Đúng là quân tử nhất ngôn, tôi sướng đến tê người...

Bài viết của Chu Lai lần ấy có chi tiết một cô giao liên xắn quần tận bẹn dẫn đường cho tổ đặc công của anh trong đêm. Các anh lom khom vừa đi vừa bò sau cô, cứ nhằm vào đôi bắp chân trăng trắng, cái mông tròn lẳn nhấp nhô và mùi da thịt con gái phía trước mà tiến... Tôi rất phục cái chi tiết này của nhà văn. Nhưng sau này đọc anh, nghe anh nhiều, thấy cái mô-típ này thường lặp đi lặp lại, kể cả những lúc anh đăng đàn nói chuyện với công chúng. Chỉ khác, có khi đấy là một nữ bác sĩ quân y ở Tây Nguyên, có khi là một cô TNXP ở Trường Sơn... và hầu như cuối truyện bao giờ các nhân vật ấy cũng đều hi sinh, để lại niềm thương tiếc rưng rưng... Tôi “bóc mẽ” điều này với Chu Lai, anh chẳng những không phật ý mà còn dốc bầu tâm sự: Cuộc chiến tranh sẽ nghèo đi nhiều lắm nếu không có những cô gái lẫn khuất trong rừng già, bóng dáng mềm mại của các cô làm mềm đi cả chết chóc. Nó làm tươi xanh lại những cánh rừng bom đạn. Một nhà văn Đông Âu được giải Nobel có cuốn sách nổi tiếng “Chiến tranh không có khuôn mặt đàn bà”, nhưng chiến tranh ở Việt Nam luôn có quá nhiều gương mặt phụ nữ. Và người phụ nữ nói chung, người phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn là điểm tựa tinh thần, chỗ dựa tâm linh để dân tộc bươn chải, vượt qua tất cả các mốc lịch sử cam go, khốc liệt nhất...

Là chú em đang tập tọng viết lách, tôi nghe như nuốt từng lời trên đây. Nhưng tại sao cuối truyện, cuối kịch, anh thường bắt họ chết? Đôi mắt Chu Lai ánh lên tinh quái dưới hai con sâu róm vắt ngang trán: Bởi vì bất cứ thằng đàn ông nào trên đời này cũng thích được độc quyền. Trên đời có hàng ngàn bi kịch và bi kịch lớn nhất của thằng đàn ông là phải nhìn, phải chứng kiến nhiều cô gái đẹp đi qua trước mặt mình rồi đến với một thằng đàn ông khác. Vậy cho nên tốt nhất, bằng quyền uy sáng tạo của nhà văn, hãy cho cô ấy... chết đi!

Vậy là anh đã thừa nhận mình “máu gái có số má” như thiên hạ truyền khẩu rồi nhé! Chu Lai sửa lại bộ mặt hết sức nghiêm túc: Nếu có cái danh hiệu ấy thì tớ xin nhận cả hai tay. Làm thằng đàn ông là phải máu gái, đến lúc không máu được nữa thì tốt nhất là đừng sống làm gì! Làm thằng nhà văn lại càng phải máu gái. Nếu nhà văn mà nhìn thấy gái đẹp không còn rung động, không còn nhấm nháp lại những kỷ niệm bóng hồng thời trai trẻ... thì đừng cố rặn mà viết nữa. Cảm xúc tình yêu tỷ lệ thuận muôn đời với cảm hứng sáng tạo, đó là mỹ học chân chính. Đối với tớ, đàn bà là thăm thẳm, khôn dò, bí hiểm... Phái đẹp là một phạm trù mênh mang, xa thẳm; là cái đẹp luôn luôn chấp chới ở phía trước. Họ là biểu tượng của cứu rỗi loài người, khó nắm bắt, khó hiểu và sẽ không bao giờ hiểu được. Nếu ngày nào đó, hiểu hết về phụ nữ, tớ sẽ... gác bút.

Chuyện nhà văn Chu Lai máu gái thì chính tôi cũng nhiều lần mắt thấy, tai nghe. “Mắt thấy” để lát nữa hẵng kể. Còn “tai nghe” thì vô thiên lủng. Rằng là hồi còn bao cấp, tạp chí VNQĐ được điều về một cô nhân viên Ban Hành chính xinh như mộng, nghe đâu thuộc diện con ông cháu cha. Thời ấy lứa nhà văn chống Mỹ ở VNQĐ đều mới trên dưới ba mươi, đang háu lắm. Trong lúc mọi người đang điều tra trích ngang để tiếp cận mục tiêu thì một buổi trưa chính bác thường trực già nhìn thấy người đẹp từ phòng viết của Chu Lai lẻn ra, đầu tóc rối mù, áo xống xộc xệch mà mắt thì long lanh hơn hớn. Lại có anh nhà thơ đã ngoài 40 tuổi mới lấy vợ, sau khi đồng nghiệp thì thào chán về chuyện “cái ấy” của anh ta chỉ đủ để... đi đái khỏi ướt giầy. Ấy thế mà cô vợ trẻ sau cưới vài tháng cũng có chửa như ai. Khi bụng nàng đã lùm lùm, bạn bè quan tâm hỏi thăm bao giờ khai hoa kết quả, thì ông bố tương lai thở dài lầu bầu: Cái đó phải hỏi... Chu Lai! Chính Chu Lai cũng nhiều lần bô bô rằng anh đã có vài mối tình từ thời học phổ thông và biết mùi đàn bà trên đường hành quân đi B. Anh thú nhận rất... mỹ học: Không rõ trung đội trưởng hiểu về tôi thế nào mà cứ khi nào dừng chân lại chọn nhà nào có đàn bà, con gái để phân tôi vào. Ngày ấy tôi mới 21 tuổi, chạy như ngựa hoang, cứ mỗi đêm ở lại như vậy lại có một chút thấp thoáng gì đó của tình yêu. Xin đừng nói đó là tình dục vì nói như vậy làm tổn thương chị em lắm. Những cô gái ấy, bà chủ nhà ấy mà có chút gì để lòng với tôi thì đó là vì chủ nghĩa nhân văn. Họ dâng hiến cho người lính ra chiến trận có thể không bao giờ còn quay trở về. Tình cảm đó là điểm tựa tinh thần cho tôi tạm làm người cầm súng tử tế suốt mười năm, nếu không có thì chắc mình gục ngã rồi...

Chu Lai còn kể nhiều chuyện máu gái của anh nữa. Tỷ như chuyện hồi nằm “chém vè” ở vùng ven Sài Gòn, có bữa nghe nói bên kia sông có cô bác sĩ quân y người Hà Nội mới vô, anh đã nửa đêm bơi qua khúc sông rộng hơn cây số chỉ để được nghe tiếng con gái Hà Nội. Lại có lần trong chập chờn cơn sốt 41 độ, anh nhìn thấy cô y tá cúi xuống tiêm thuốc cho anh, lộ rõ một khuôn ngực tròn trịa trinh nguyên. Hình ảnh ấy cứ đeo bám mãi trong tâm trí anh. Hết chiến dịch, anh dành hẳn 2 ngày nghỉ, chạy bộ về trạm xá trung đoàn để... xem nốt khuôn mặt người đẹp...

Những chuyện đại loại như thế của Chu Lai nhiều lắm. Chuyện nào cũng khiến tôi tin sái cổ, vì nhờ quen biết anh mà tôi cũng đã mục sở thị không ít lần. Niềm tin ấy cùng với sự kính trọng nghề nghiệp khiến tôi hãnh diện được làm thằng em ngoan ngoãn của anh, chưa bao giờ cãi anh hay tỏ ra nghi ngờ điều gì anh nói. Vậy mà một lần tôi đã cự nự với anh. Chuyện là lần ấy, tôi đọc được đâu đó bài trả lời phỏng vấn của anh, nói rằng anh là sĩ quan quân đội duy nhất để ria. Tôi tức tốc vác bộ mặt của mình sang nhà anh đối chứng: Em tuy không nổi tiếng văn chương bằng anh, không là Đại tá cựu chiến binh chống Mỹ như anh, nhưng về khoản ria thì tất cả cơ quan em đều thừa nhận toàn quân chỉ có 2 thằng sĩ quan chỉ huy để ria là em và anh. Mà kể cũng lạ, điều lệnh quân đội cấm hẳn hoi nhưng em chưa bao giờ bị nhắc nhở, kể cả từng 2 lần tháp tùng 2 đời Đại tướng Bộ trưởng đi công cán. Duy nhất một lần, cậu lính gác ở cổng Cửa Đông có ý nhắc nhở, em mới bảo: Tôi và nhà văn Chu Lai đã được cố Đại tướng Đoàn Khuê thời còn làm Tổng Tham mưu trưởng ký quyết định cho để ria vì thường xuyên phải lên ti-vi nói chuyện. Chắc hồi đó đồng chí chưa sinh nên không biết? Thế là cậu lính xin lỗi em rối rít...

Tưởng rằng Chu Lai sẽ phá lên cười, không ngờ nghe xong, anh xùy một tiếng rõ dài: Chú mày vớ vẩn lắm! Những thằng để râu ria hầm hố là rất nhát gái. Thích lắm, thèm lắm mà nhát, không dám xơi mì ăn liền nên mới để ria cho ra vẻ trần ai nam tính. Vinh dự gì bộ ria mà tí tởn?

Thôi được, nhát hay liều, ăn liền hay để dành thì rốt cuộc cũng là... xơi! Nhưng mà hỏi thật nhé, sang năm Bính Thân là tròn 70 tuổi rồi, cổ lai hi rồi, nếu có hàng ngon liệu còn xơi được nữa không?

Chu Lai lại xùy tiếp, dài sườn sượt: Tớ bây giờ như cái ba lô chuột cắn, tã lắm rồi, ọp ẹp lắm rồi... Cứ nhìn thấy gái là lỉnh cho lành huyết áp...

Riêng chuyện này thì tôi không tin. Bởi bằng chứng gần đây nhất là đêm bế mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 vừa rồi, khi nhận lời một cô phóng viên nhà đài “xin anh vòng ra phía sau cho em làm vài đúp”, Chu Lai còn kịp ôm hôn rất nhiệt tình một hot girl “xì-tin” vừa nhào đến tặng hoa, vừa khua khua cái xì-mắc-phôn “xin anh một phát tự sướng làm kỷ niệm”...


Nhà thơ Mai Nam Thắng
Ý kiến của bạn