Lan man về văn chương và... tội ác

12-08-2015 11:13 AM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Những ngày qua dư luận bàng hoàng về những vụ án vô cùng kinh khủng xảy ra ở nước ta, ấy là vụ ở Bình Phước, ở Nghệ An và nhiều nhiều nữa...

Những ngày qua dư luận bàng hoàng về những vụ án vô cùng kinh khủng xảy ra ở nước ta, ấy là vụ ở Bình Phước, ở Nghệ An và nhiều nhiều nữa, hầu như ngày nào cũng có, không chỗ này thì chỗ kia, không cắt cổ thì đâm, không đổ xăng đốt thì bắn, không hiếp dâm thì cướp của... Mới nhất là một cậu học trò 17 tuổi ở Quảng Bình, hiếp dâm một bạn gái cùng trường 13 tuổi. Điều đáng nói là cậu này hành sự khi cả đoàn của trường đi tham quan, đang trả phòng thì cậu này nhờ cô bé lên phòng cùng mình tìm hộ chiếu. Hiếp dâm xong cậu này đã giết cô bé và... thản nhiên mở cửa cho mọi người vào tìm cô bé, nhân lúc lộn xộn ấy cậu bỏ trốn. Tức là trong khoảng thời gian rất ngắn, và lúc mọi người đang tập trung rất đông, thế mà cậu này vẫn thản nhiên hiếp dâm xong giết chết cô bé được, rất tự tin và bình tĩnh, rất máu lạnh và chuyên nghiệp.

“Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc.”

Nhắc hơi kỹ điều ấy để nói rằng, cái sự hiếp dâm và giết người nó ngày càng tàn ác, ngày càng trẻ, và ngày càng lạnh lùng, không sợ gì cả. Rõ ràng cậu bé này biết cả đoàn đang chờ dưới sảnh thế mà vẫn dám ra tay một cách man rợ như thế, lạnh lùng và điềm tĩnh như thế.

Văn học của chúng ta đang đứng ở đâu trước những sự việc kinh khủng ấy.

Tất nhiên văn học nghệ thuật không thể chạy theo sự kiện như báo chí. Nhưng cũng phải bằng cách nào đó, chúng ta rung lên những hồi chuông cảnh tỉnh. Tôi tin những người đọc sách, chí ít, cũng có những do dự nhất định khi làm điều ác. Không ngăn chặn được, nhưng khiến kẻ ác do dự cũng là thành công rồi.

Còn nhớ năm nào có một vụ án rất khủng khiếp. Một nữ sinh viên cầm đầu đường dây buôn ma túy. Chỉ nghi ngờ bạn mình cũng là một nữ sinh viên lấy trộm ma túy khi mang đi bán mà đã lạnh lùng bắt bạn, trói bỏ vào va ly rồi chở đến một cánh đồng và... đốt sống bạn dù bạn đã gào thét van lạy. Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã đưa chi tiết này vào tiểu thuyết “Xe lên xe xuống” rất hay của mình. Cuốn này đã được phiếu rất cao của hội đồng chung khảo hội Nhà Văn để vào giải thưởng năm ngoái. Điều này nói rằng, nhiều nhà văn đã không đứng ngoài cuộc khi lên án và ngăn chặn cái ác, bằng cách của mình. Vấn đề là, hiện nay có bao nhiêu người đọc sách.

Có thể nói, nhân cách một bộ phận người Việt đang có vấn đề. Đấy là sự lạnh lùng vô cảm, là sự chỉ quan tâm đến mình, là sự co mình trong cái tôi, là những mâu thuẫn đến khốc liệt giữa những hành xử thiện ác, tốt xấu, chung riêng... thậm chí là cả sự nhân danh những điều lớn lao thiêng liêng để thực hiện mục đích riêng của mình.

Nó có ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, nhà trường và môi trường xã hội.

Chúng ta đã quan tâm quá nhiều đến thành tích mà quên đi dạy con người biết lễ độ với nhau và với chính mình. Đi học thì phải học giỏi, bằng mọi giá có bằng càng cao càng tốt. Đi làm thì luôn luôn phải thi đua, rất hình thức, chứ nếu thi đua thực chất thì tốt. Bandron chăng đầy đường khiến con người luôn trong không khí hội hè, luôn căng mình ra trong không khí lễ hội, hào nhoáng và hoành tráng, con người cứ bồng bềnh trong ảo giác...

Văn chương nước ta, trong khả năng của mình, trong sự tự ý thức và cả sự cố đạt được sứ mệnh như nó vốn có đã rất cố gắng vùng vẫy để có bạn đọc, nhưng tại sao lại vẫn bị thờ ơ.

Nó không còn là việc của riêng văn chương nữa rồi. Không biết tự bao giờ cái câu “Nhà văn nói láo nhà báo nói thêm” đã trở thành cửa miệng của công chúng, dù họ biết nhà văn bây giờ phải lao động miệt mài, lao tâm khổ tứ đến như thế nào. Cũng như thế, tôi cho rằng việc này liên quan đến chuyện học sinh rất sợ học môn sử, và học thì liệt.

Có một thời văn học nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng gần như tránh xa tội ác. Mặt trái của xã hội được coi như vùng hạn chế. Tất nhiên văn chương không bao giờ được ca ngợi tội ác cũng như say sưa miêu tả tội ác. Nhưng văn chương, bên cạnh ca ngợi và phát hiện cái đẹp, cả hiển hiện lẫn tiềm ẩn, bởi ca ngợi cái đẹp cũng là cách đẩy lùi cái ác gián tiếp, thì mặt khác, nó cũng cần trực diện cái ác. Lên án, tố cáo nó trong khả năng có thể của văn chương. Nhưng gần đây, đã có rất nhiều tác phẩm văn chương, nhất là văn xuôi (tiểu thuyết và truyện ngắn) đã trực tiếp viết về cái ác, cái xấu trong xã hội. Đến mức, có những cuốn phải... dừng lại.

Vấn đề là, những ai đã đọc sách.

Bây giờ có vẻ người ta lười đọc hơn, hay nói chính xác, lười đọc dài, lười suy nghĩ, lười động não, lười tư duy. Người ta thích đọc cái gì hiểu ngay, ngắn mà không cần suy nghĩ, đọc để ngủ chứ không phải đọc để trăn trở, để dư ba của nó đeo đẳng, để tự tẩy rửa thanh lọc, làm sạch làm mới mình.

Thế là, nhà văn viết thì cứ viết, còn ai đọc thì lại là chuyện khác.

Giờ, sách in trên ngàn bản là rất hiếm, thi thoảng có những cuốn trên chục ngàn là do rất nhiều lý do nữa, chứ không chỉ lý do là sách hay.

Mà nếu không đọc sách, tâm hồn con người sẽ thế nào, con người lớn lên và tồn tại như thế nào?

Có mối liên hệ nào chăng giữa việc ít (hoặc không) đọc sách với việc gia tăng tội ác.

Tôi cho là có.

Sách làm cho tâm hồn con người phong phú thêm, ở đó có những giấc mơ hướng thiện, có những ý tưởng đẹp, và ở đó, con người chắc chắn sẽ sống lành mạnh hơn, tử tế hơn...

Thăm dò thì thấy, số người đọc sách bây giờ rất ít, ít đến kinh ngạc. Vào các thư viện thấy cũng có người đọc, nhưng số vào để học nhiều hơn, tất nhiên được như thế cũng quý rồi, bây giờ mà còn có người vào thư viện là quá quý.

Tôi là người có một giá sách khá nhiều sách. Ngày xưa cứ có tiền là mua sách, thậm chí mua sách chịu, đến kỳ lương thì trả. Và cũng ngày ấy rất hay mất sách. Giờ tủ sách lên đến cả ngàn đầu sách, thì lại rất ít mất sách, hô hào cho bạn bè mượn, cho con bạn mượn, rất ít người ủng hộ lòng tốt và sự hào phóng của mình.

Tôi hình dung một sa mạc khô cằn, lơ thơ những bụi cỏ cứng nhọn và sắc. Sách như những giọt nước làm mềm đi những lá cỏ nhọn hoắt kia. Chúng sống trên sa mạc khô cằn quen rồi, không có nước chúng vẫn sống được, nhưng rõ ràng là chúng vô cùng cằn cỗi và nguy hiểm, những cái lá nhọn hoắt kia có thể sát thương được, trong khi bản chất của cỏ là mềm mại, dịu dàng và xanh mát...

Có 2 câu nói rất hay của người làng Chùa hay được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một người con của làng Chùa nhắc: “Thơ không làm ra thóc vàng gạo trắng, nhưng thơ làm ra giấc mơ cho người gieo trồng” và “Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc”. Câu này chính là đúc rút của các cụ làng Chùa trong hành trình sống đời này qua đời khác về sự hóa giải cái ác, cái xấu bằng thơ, bằng văn chương. Cũng như thế, sách không làm ra của cải, nhưng nó làm cho tâm hồn con người phong phú thêm, ở đó có những giấc mơ hướng thiện, có những ý tưởng đẹp, và ở đó, con người chắc chắn sẽ sống lành mạnh hơn, tử tế hơn. Chỉ cần tử tế hơn một chút, con người sẽ tránh xa tội ác được một khoảng cách rất dài...

VĂN CÔNG HÙNG

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH