Còn nhớ cách đây không lâu, Thành ủy Hà Nội có một quyết định rất cụ thể: Quy định tổ chức cưới. Một việc làm khá thiết thực, được không ít người dân ủng hộ. Và điều đặc biệt, việc làm này lại bắt đầu từ cơ sở. Quận Hà Đông có quy định giới hạn mời khách với 40 mâm cỗ thì thành phố ra quy định tổ chức tối đa 50 mâm là hợp lý. Đám cưới phải tổ chức ở những nơi bình dân, phù hợp với mức thu nhập chung của mọi người, vì sẽ có cả những người thu nhập thấp, người thu nhập trung bình đi ăn cưới. Cũng theo lãnh đạo thành phố, dự thảo chỉ thị chỉ nhằm hạn chế cán bộ, lãnh đạo các cấp của Hà Nội tổ chức lễ cưới cồng kềnh cho con cháu ở những nơi quá sang trọng, gây tốn kém, lãng phí, không phù hợp với thu nhập chung của cán bộ, công chức. Việc thực hiện các nội dung trên cũng không cần phải lập ban giám sát, vì khi đã có chỉ thị của Thành ủy thì các cấp, từng cán bộ và người dân sẽ cùng giám sát lẫn nhau.
Quyết định như vậy, có thể xem như một việc làm cụ thể, thiết thực hướng tới những người dân nghèo. Còn nhớ cách đây không lâu, trên kênh truyền hình Trung ương có một phóng sự ngắn, chỉ chừng vài phút thôi, nhưng đã để lại trong tâm trí người xem một nỗi ám ảnh rất khó phai mờ: Gia đình một chị nông dân ở Đông Anh, sau khi trừ tất cả mọi dịch vụ chi phí cho sản xuất, số tiền thu được trong cả một vụ lúa cũng chỉ không đầy 600.000 đồng. Với gần 600.000 ấy, gia đình chị sẽ sống ra sao? Rồi còn tiền ma chay, cưới xin, tiền nuôi con ăn học và còn hàng trăm thứ phải chi phí trong đời sống? Người nông dân ấy còn biết trông vào đâu, ngoài những hạt thóc mồ hôi nước mắt nhưng lại vô cùng rẻ mạt của mình. Trên báo Nông nghiệp Việt Nam cũng đã từng có một tin vắn ám ảnh, đọc mà rớt nước mắt: Trong một đám cưới ở ngoại thành Hà Nội, có một phong bì mừng cưới, nhưng mở ra không thấy tiền mà chỉ có một mẩu giấy ghi dòng chữ xiêu vẹo: “Tôi mừng cháu một trăm ngàn đồng, nhưng đợi đến mùa bán thóc, tôi sẽ chuyển cho cháu”. Hà Nội bây giờ còn có cả đồng bào dân tộc thiểu số. Có ở trong dân, mới biết những người dân khốn khổ thế nào.
Chúng ta cũng không quá ngây thơ mà nghĩ rằng, đó là biện pháp hữu hiệu chống tham nhũng. Bây giờ, trong đời sống hiện đại, để đút lót những kẻ có chức, có quyền, người ta đâu cần phải mượn đám tang hay đám cưới rầm rĩ, có cả hàng trăm người “nhìn vào”. Việc một ông quan nhà nước với cả một cặp đầy ngoại tệ tiền cốc điếu trong một chuyến đi công tác, đánh rơi ở sân bay cũng đã thành chuyện cũ rồi. Bây giờ, cần đút lót, người ta có thể có hàng trăm ngàn cách chuyển cả một đống tiền mà bàn tay vẫn thơm tho, tinh khiết vì không bén hơi vật chất phàm tục. Tuy vậy, nếu một quan chức, nhất là một vị quan chức cấp cao mà tổ chức cưới cho con cháu quá linh đình, rôm rả trong nhiều ngày, ở nhiều nơi thì cũng không được đẹp cho lắm trong con mắt những người dân lương thiện. Không phải ngẫu nhiên, từ những năm kháng chiến gian khổ, Cụ Hồ đã từng ký quyết định tử hình một cán bộ hậu cần quân đội, chỉ vì ông ta đã tổ chức một dám cưới quá to trong lúc nhân dân lại lầm than và đói khổ. Nhờ thế, dân mới tin Đảng và Chính phủ, mới theo Cụ đánh thắng mọi kẻ thù, làm nên những trang sử hào hùng, đẹp hơn cả huyền thoại.
Bồi hồi ngắm lại những đám cưới đơn sơ, mộc mạc trong thời chiến...
Trong đời người, chúng ta cũng đã từng được dự bao nhiêu tiệc cưới. Có những ngày vui không hề có gì mà lại rất ấn tượng, không thể nào quên.
Gần đây, trong cuốn ký ức rất đặc sắc, dày gần một ngàn trang, có tên là “Đối thoại văn chương”, nhà thơ Trần Nhuận Minh có kể về một đám cưới trong ngôi làng nhỏ của tôi. Một đám cưới trong những năm xa xưa mà ông không bao giờ quên được.
Tháng 10 âm lịch năm 1954, anh Chiến, bộ đội đánh Điện Biên Phủ, về quê cưới vợ là chị Dự. Hai người ở hai làng khác nhau, đám cưới lại làm mẫu về tổ chức theo “đời sống mới”, nên có quy mô toàn xã, với hàng trăm người dự. Từ chiều, người các thôn đã về tụ tập rất đông ở sân nhà bà Bầu, cái sân gạch rộng nhất làng. Chỉ có ăn trầu và uống nước chè tươi. Nước chè tươi nấu từ bảy tám cái nồi mười, rồi để hàng trăm cái bát con bên cạnh, ai khát thì cứ ra vục thẳng bát vào nồi, múc lấy mà uống. Cuối sân, chỗ trang trọng nhất, có dán lên các tấm cót căng ngang trên các cây cọc tre, rất cao, ảnh của Hồ Chủ tịch, Mao Chủ tịch (Trung Quốc) và ông Malencốp (Liên Xô), cờ Tổ quốc với ngôi sao vàng mập mạp chứ không thanh thoát như bây giờ. Cô dâu chú rể ngồi trên ghế cưới, oai vệ như chủ tịch đoàn cuộc mít-tinh. Anh Chiến mặc áo lính trấn thủ, đội mũ lưới có ngụy trang từng mảnh vải dù xanh màu lá cây, hông đeo trễ khẩu súng lục, làm nhiều cô gái lác mắt; chị Dự quần lụa, áo nâu, răng đen, đội khăn đen mỏ quạ, môi đỏ quết trầu. Trên đầu hai người là cờ Tổ quốc và 3 vị lãnh tụ. Trên cờ là băng vải đỏ dán chữ vàng: TỔ QUỐC TRÊN HẾT, dưới ảnh là tấm băng đỏ thứ hai “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”... một nhà thơ của làng, thi sĩ Trần Nhuận Minh, nói theo ngôn ngữ của ông, lúc bấy giờ là “một thằng lỏi”, một thằng nhóc con, áo nâu, quần dải rút, chân đất, đầu cắt bốc, đến trước cô dâu chú rể, đọc ứng khẩu bài thơ chúc mừng, được bà con vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Rồi cu cậu còn quay lại trước đám đông, điều hành cho hàng trăm người của cả xã, vì đây là đám cưới thí điểm, cùng “á lơ hò lờ”, theo từng câu của bài thơ đó, có thể nói là “vang dội”. Lại có tiếng trống cà rùng nện theo Thùng... thùng... thùng. Ai qua cứ tưởng làng đang có hội vật: “Hòa bình lập lại Đông Dương” (Á lơ hò lờ) - “ Anh Chiến chị Dự kết duyên Châu Trần” (Hò lơ hó lơ - lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ). Những tiếng hò tương tự như thế này từng vang lên trên khắp các triền đèo của các đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí lên mặt trận Điện Biên Phủ. Bây giờ, “anh Chiến, chị Dự” đã vào tuổi ngót chín mươi, vẫn sống rất hạnh phúc, và ở làng quê tôi bây giờ, các cụ cao tuổi vẫn còn rôm rả kể cho con cháu nghe về đám cưới rất hoành tráng ấy. Sau này, khi tôi lớn lên, đám cưới của làng không còn “á lơ hò lờ” nữa, nhưng tinh thần cơ bản vẫn vậy. Vẫn dòng khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Cùng với nước trà và thuốc lá. Nhà nào sang thì có thêm bánh kẹo, hoa quả. Bà con đến dự cũng chỉ có quà tặng cô dâu chú rể là... tràng pháo tay. Một trong những người có vai trò rất quan trọng trong những đám cưới như thế là anh chàng chủ hôn. Một hoạt náo viên làm tưng bừng cả rạp. Một anh chàng bẻm mép, hoạt khẩu. Xin các vị cứ hình dung như những lão bán thuốc hôi nách, hay thuốc cao lương hoàn tán ở các bến xe bến tàu. Khi anh chàng vừa giơ cao cái mi-crô lên là cả rạp đang ầm ĩ bỗng im tăm tắp. Đầu tiên, thế nào anh cũng yêu cầu quan viên hai họ tặng cô dâu chú rể một tràng pháo tay. “Hỏng, hỏng rồi. Làm lại nào. Tôi ra hiệu “bụp”, bà con hẵng “bụp” nhé. Tôi chưa ra hiệu sao bà con đã vội “bụp” rồi. Chỉ toàn ăn cơm trước kẻng”. Vỗ tay mà anh gọi là “bụp” thì kinh thật. Đám cưới người ta mà anh cứ bô bô chuyện “ăn cơm trước kẻng” thì khiếp quá. Rồi anh vẫy bên phải, vẫy bên trái, vẫy đều cả hai bên. Tiếng vỗ tay ào lên như sóng. Còn anh thì quay cuồng như con chim cánh cụt, vừa từ dưới biển lên, đang vẩy cánh cho khô. Mấy bà thợ cấy cứ nắc nỏm: “Gớm cái thằng “xuya” thật. Nó nói đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra!”.
Đám cưới quê tôi ngày xưa là thế đấy. Chả có gì mà vẫn vui hỉ hả. Có đám cưới thành cuộc mít-tinh lớn của làng. Ông Chủ tịch Mặt trận phổ biến việc trồng cây với các cụ phụ lão. Bà Hội trưởng Phụ nữ kêu gọi chị em sinh đẻ có kế hoạch. Ông chủ nhiệm nói về việc trồng cấy, rồi làm hố xí hai ngăn. “Anh không tham bạc tham vàng - Chỉ tham nhà nàng có hố xí hai ngăn”. Đưa cả hố xí, phân gio vào tiệc cưới mà vẫn tưng bừng, không uế tạp. Thế mới lạ. Anh Trưởng ban Thông tin còn mời bà con hô khẩu hiệu. Cả cô dâu chú rể cũng đứng dậy vung tay hô vang khẩu hiệu, quyết tâm thực hiện những chủ trương chính sách của làng. Bây giờ ngẫm lại mới thấy buồn cười. Các bạn trẻ có thể nghi ngờ tôi bịa đặt. Làm gì lại có chuyện kỳ khôi như thế. Nhưng đó lại là chuyện thật. Kể lại điều này, không phải tôi cổ xúy cho cách cưới như thế, mà chỉ muốn bạn đọc ngắm lại những đám cưới đã qua. Chúng ta cũng đã từng có những năm tháng như thế. Có thể đói nghèo, có thể rất ấu trĩ, nhưng rất vui. Bởi mọi người dù tính cách khác nhau, số phận khác nhau, nhưng lại cùng chung thở trong một bầu khí quyển nông dân. Một bầu khí quyển trong vắt...
(Còn nữa)