Hội Sách Hà Nội lần thứ 5 - 2018 với chủ đề Sách và công nghệ số vừa khép lại, giới thiệu đến công chúng nhiều đầu sách mới, thể loại đa dạng gồm: sách thiếu nhi, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số... Trong đó, sách văn học thiếu nhi “nội” có những sáng tác mới thể hiện sự gần gũi, truyền tải nhiều thông điệp, tính nhân văn được nhiều em nhỏ và nhiều đối tượng độc giả tìm mua, đọc.
Đầu tiên phải kể đến cuốn Xóm Bờ Giậu của nhà văn Trần Đức Tiến (Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam). Đây là một trong những cuốn sách dành cho thiếu nhi mới nhất trên văn đàn Việt, gồm 25 truyện đồng thoại. Trong cuốn sách này, các em nhỏ được hòa vào những câu chuyện mang hơi hướng cổ tích viết lại, vừa mở rộng biên độ tưởng tượng. Đơn cử truyện Hai chú dê nhỏ bên bờ sông Xuân giúp các em liên tưởng tới truyện hai chú dê qua cầu, nhưng qua lời kể của hai chú dê con hậu duệ, độc giả sẽ mỉm cười nhẹ nhõm vì một cái kết bất ngờ, thú vị và đầy tính nhân văn.
Nhiều em nhỏ và các bậc phụ huynh cho biết, Xóm Bờ Giậu tạo ấn tượng bởi các nhân vật chính trong truyện là loài vật, đồ vật có suy nghĩ, tình cảm, hành động ngộ nghĩnh phù hợp với khả năng nhận thức của độc giả nhí. Ngoài ra, Xóm Bờ Giậu còn ghi điểm bởi ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh, nhịp điệu và phần minh họa của họa sĩ Kim Duẩn bằng tranh màu nước khiến các hình ảnh từ cây cối đến con vật rất mềm mại, có hồn...
Tạo được sức hút không kém với Xóm Bờ Giậu kể trên còn có hai cuốn sách “mới ra lò” gồm Mùa hè kì thú (tác giả Đinh Tiến Luyện), Khu rừng bánh kem (Trương Huỳnh Như Trân). Khu rừng bánh kem là 24 câu chuyện xoay quanh cô bé Nghé vừa lên 5 tuổi cho thấy ắp đầy mộng mơ vì đôi mắt trẻ thơ nhìn mọi thứ trong veo khác lạ. Tuy nhiên, đọc hết cuốn sách, các em nhỏ thấy tất cả đều gắn với những nét sinh hoạt thường ngày, gần gũi như răng sữa lung lay sắp thay, thổi nến sinh nhật, chơi chung đồ chơi,... Tác phẩm vì thế thoát ra khỏi sự khô khan và làm toát lên được sự hồn nhiên, tình cảm để hấp dẫn độc giả nhí.
Ở Mùa hè kỳ thú, nhà văn gạo cội Đinh Tiến Luyện lại đem đến nhiều bất ngờ, tình tiết độc đáo. Trong tác phẩm này, cậu bé Bi có một chuyến đi kỳ diệu: bố làm cho Bi một con diều thật to, theo gió, con diều đưa Bi bay đến những vùng đất không thể đoán trước. Vượt qua ranh giới không gian và thời gian, Bi đến vùng quê hẻo lánh, hòa mình cùng các trò chơi dân dã... Mỗi chương trong cuốn sách là một câu chuyện, nhưng bạn đọc dễ dàng cảm nhận được thông điệp về tình yêu gia đình, tình bạn gắn bó, ý thức bảo vệ môi trường, lòng cảm thông và chia sẻ giữa người mà tác giả đã nhắn gửi.
Những cuốn sách kể trên dù còn ít so với nhu cầu thực tiễn, tuy nhiên đã đem đến cho các em nhỏ Việt những tác phẩm “nội” giàu giá trị, có tính giáo dục và nhân văn sâu sắc. Quan trọng hơn, nó cho thấy các tác giả thoát khỏi xu hướng viết kiểu “lên mặt dạy dỗ”, bắt con trẻ phải trở thành người lớn mà nhiều người đã vấp phải. Thay vào đó, người cầm bút đã cho thấy nỗ lực tìm hiểu đời sống tâm lý của trẻ nhỏ, đặt mình vào vị trí các em để tạo ra những sáng tác thú vị, tự nhiên và gần gũi...