Lần đầu tiên Việt Nam được mời tham gia hội nghị G7

26-05-2016 16:41 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hôm nay (26/5), hội nghị cấp cao G7 khai mạc tại tỉnh Mie (Nhật bản). Diễn ra trong hai ngày, G7 và G7 mở rộng sẽ tập trung thảo luận nhiều thách thức kinh tế, an ninh biển và những vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường tới Nhật Bản, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G-7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ; diễn ra trong bối cảnh “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” giữa 2 nước Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp. 

Chuyến thăm nhằm tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Trong thời gian ở thăm, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản; dự Hội nghị Thượng đỉnh G-7 mở rộng và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản.

Việc Nhật bản và các nước G7 lần đầu tiên mời Việt nam tham dự hội nghị G7 mở rộng thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao vị thế, vai trò và tinh thần trách nhiệm của Việt nam vào việc xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Một chủ đề “nóng” được dư luận quan tâm tại hội nghị G7 lần này là an ninh biển. Theo kế hoạch, với chủ đề “Ổn định và Thịnh vượng tại châu Á” tại hội nghị G7 mở rộng hôm nay, các nhà lãnh đạo G7 sẽ bày tỏ sự "phản đối mạnh mẽ" việc xây dựng đảo và quân sự hóa các tiền đồn tại Biển Đông - ám chỉ các hành động trái phép của Trung Quốc tại các quần đảo và đảo san hô ở vùng biển này. G7 dự kiên sẽ lên tiếng phản đối "sự hăm dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực” nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng thảo luận các thách thức phát triển mà châu Phi đang đối mặt, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt tập trung vào hai lĩnh vực cải thiện y tế, tăng cường năng lực và vai trò của nữ giới. Phiên họp này được xem là tiền đề cho Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD VI) sẽ diễn ra tại Kenya vào tháng 8/2016.

Với Việt Nam, đây là cơ hội thể hiện tinh thần trách nhiệm đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề quan tâm chung của khu vực và quốc tế. Tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này, Việt Nam mong muốn đóng góp tích cực hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, cùng các quốc gia khác giải quyết các thách thức toàn cầu.

Lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm làm việc tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, cho thấy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục được củng cố, phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất, thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào củng cố hoà bình, ổn định và phát triển trên thế giới và khu vực.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn