Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật tim

07-12-2017 13:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Lần đầu tiên, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E đã ứng dụng công nghệ 3D vào phẫu thuật tim mạch cho một bệnh nhân có lỗ thông liên nhĩ lớn kèm hẹp nặng động mạch vành nuôi cơ tim. Công nghệ 3D làm cho phẫu thuật trở nên vô cùng “thật”: phẫu trường rõ nét (quả tim, mạch máu, phổi…) giúp phẫu thuật viên tiến hành thao tác thuận lợi, rút ngắn thời gian mổ và hạn chế các tình huống rủi ro.

Mắc 2 loại bệnh tim trên cơ thể gầy chỉ 34 kg

Bà Đ.T.T. (68 tuổi, TP Nam Định) nhập viện trong tình trạng đau ngực trái, khó thở, mệt mỏi và thể trạng rất gầy yếu, trọng lượng khoảng 34kg… Bà T. cho biết, cách đây 6 tháng bà đã được các bác sĩ phát hiện mắc bệnh thông liên nhĩ, thời gian gần đây, xuất hiện thường xuyên những cơn đau tức ngực trái, khó thở. Đến khám tại Trung tâm tim bệnh viện E các bác sĩ kết luận phải tiến hành phẫu thuật do lỗ thông lớn, có nhiều lỗ (dạng sàng) đã gây hậu quả lên tim, phổi. Đồng thời trong quá trình làm chẩn đoán các bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn bị hẹp nặng động mạch vành nuôi cơ tim cần phải can thiệp. Nếu theo cách thức cũ, bệnh nhân sẽ được mổ mở bắc cầu động mạch vành và vá lỗ thông liên nhĩ trong tim; cuộc phẫu thuật sẽ trở nên nặng nề do thể trạng bệnh nhân gầy yếu, bệnh lâu ngày nhưng giờ mới phát hiện đã ảnh hưởng nặng lên tim phổi. Hơn nữa phương pháp mổ mở thông thường phải cưa mở toàn bộ xương ức có nhiều rủi ro vì tình trạng xương ức của bệnh nhân cao tuổi, gầy yếu thường mỏng manh, dễ vỡ, khó liền trong thời kỳ hậu phẫu.

Ứng dụng công nghệ 3D mang lại kết quả tối ưu cho bệnh nhân

GS.TS. Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E cho biết: Qua hội chẩn cho thấy nếu thực hiện phẫu thuật ngay theo quy trình thông thường, nguy cơ rủi ro đối với bệnh nhân là rất cao. Do đó, các bác sĩ đã quyết định áp dụng công nghệ mới vào giải quyết ca bệnh này: động mạch vành hẹp sẽ được tái thông bằng biện pháp không mổ đặt stent qua da, sau đó phẫu thuật nội soi toàn bộ sử dụng công nghệ 3D chỉ qua các lỗ nhỏ thành ngực đóng lỗ thông liên nhĩ trong tim. GS. Lê Ngọc Thành cũng là người trực tiếp tiến hành ca mổ này.

GS. Lê Ngọc Thành cùng ê kíp tiến hành ca phẫu thuật nội soi toàn bộ vá thông liên nhĩ ứng dụng công nghệ 3D cho bệnh nhân T.

Kết quả, bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau mổ: chưa đầy 1 ngày sau mổ tim đã tỉnh táo ra bệnh phòng và xuất viện sau 5-6 ngày. Các dấu vết để lại chỉ là các vết sẹo nhỏ 1-1,5cm ở các góc khuất cơ thể.

Nơi tiên phong các kỹ thuật cao trong tim mạch

Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E là một cơ sở y tế đi đầu trong cả nước về kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ. Kỹ thuật này đã được Bệnh viện E đại diện giới y khoa Việt Nam đưa đi giới thiệu ra thế giới và được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Với hệ thống máy nội soi 3D hiện đại nhất bệnh viện vừa được nhà nước đầu tư (giá thành bằng khoảng một căn hộ chung cư cao cấp ở Hà Nội) được đưa vào sử dụng đã tạo cơ hội mới tốt đẹp hơn cho người bệnh.

Không giấu niềm tự hào, GS. Lê Ngọc Thành khẳng định, đây là lần đầu tiên công nghệ 3D được ứng dụng ở Việt Nam trong phẫu thuật tim mạch kết hợp với kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ qua 4 lỗ trocart nhỏ ở thành ngực do các bác sĩ Trung tâm tim mạch - Bệnh viện E thực hiện. Công nghệ 3D làm cho phẫu thuật trở nên vô cùng “thật”: phẫu trường rõ nét (quả tim, mạch máu, phổi…) giúp phẫu thuật viên tiến hành thao tác thuận lợi, rút ngắn thời gian mổ và hạn chế các tình huống rủi ro. Đặc biệt, chi phí điều trị và phẫu thuật áp dụng công nghệ 3D của bệnh nhân không tăng thêm so với mổ nội soi toàn bộ thông thường (không có công nghệ 3D hỗ trợ).

Hiện nay, công nghệ 3D đang dần đi vào đời sống hàng ngày và được sử dụng ngày càng phổ biến trong y học đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người bệnh. Tại Trung tâm tim mạch - Bệnh viện E, các bác sĩ không chỉ ứng dụng công nghệ 3D vào phẫu thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ mà còn triển khai áp dụng cho nhiều bệnh lý khác: sửa chữa một số dị tật tim bẩm sinh, sửa van, thay van tim, lấy các khối u trong tim, phẫu thuật bệnh lý lồng ngực…


Linh San
Ý kiến của bạn