Hà Nội

Lần đầu tiên tỉnh Quảng Nam có người hiến tặng giác mạc

10-07-2019 16:45 | Y học 360
google news

SKĐS - Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia vừa phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành tiếp nhận 2 chiếc giác mạc từ một vị cựu chiến binh 83 tuổi.

Người hiến giác mạc đầu tiên đó là cụ Nguyễn Viết Bồng - sinh năm 1936 tại thôn Đông Khương 1, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Trong những ngày cuối đời cụ nằm trên giường bệnh, con cháu của cụ Bồng đã đưa ra dự kiến sẽ tặng lại đôi giác mạc của cụ cho cuộc đời nếu cụ ra đi và được cụ gật đầu đồng ý.

Chị Hoàng Anh – con gái của cụ Bồng cho biết, cụ Bồng vốn sống nghiêm khắc nhưng là người giàu lòng nhân ái, khi biết cụ sẽ phải tạm biệt cuộc song trần gian, gia đình muốn giữ lại đôi giác mạc của cụ để có thể mang lại ánh sáng cho 2 người mù. Điều đó vừa là mong muốn mang niềm hạnh phúc cho người ở lại và cũng vừa để bố mình vẫn dõi theo được cuộc sống của các con. Chị đã có những chia sẻ đầy yêu thương về người bố của mình: “Bố vẫn còn sống mãi, mãi là ngọn đèn soi sáng đường chúng con đi.”

Được biết, cụ Bồng vốn là một cựu chiến binh tham gia trong quân đội từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ; cụ từng tập kết ra Bắc vào năm 1954 và khi nghỉ hưu, cụ tham gia làm Phó chủ tịch Hội cựu chiến Binh huyện Điện Bàn. Khi cụ qua đời, cụ có 62 năm tuổi Đảng.

Ông Nguyễn Viết Bồng - người cựu binh quyết định hiến giác mạc sau khi qua đời. Ảnh: GĐCC.

Sáng ngày 4/7/2019 sau khi nghe tin ông qua đời, được sự chỉ đạo của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc và Ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, BSCKII Dương Anh Quân, Giám đốc Trung tâm Mắt và ThS. BS Nguyễn Thành Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt đã nhanh chóng vượt hàng trăm cây số để cố gắng lấy giác mạc trong thời gian sớm nhất, chất lượng tốt nhất và cũng để hoàn thành tâm nguyện của ông Nguyễn Viết Bồng và gia đình.

Sáng ngày 8/7/2019, tại Trung tâm Mắt với sự tham gia hỗ trợ của TS. BS Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cùng các bác sĩ của trung tâm đã hội chẩn để chọn đúng bệnh và thật ý nghĩa nhất với 2 giác mạc của người hiến tặng. Sau hàng giờ thăm khám, hội chẩn của tập thể bác sĩ tại Trung tâm Mắt đã nhất trí chọn 2 bệnh nhân đặc biệt để tiến hành ghép giác mạc ngay sau đó.

Bệnh nhân thứ nhất là ông Phan Hữu Lạc 65 tuổi, một cán bộ lão thành cách mangg. Bệnh nhân này mắc bệnh “sẹo giác mạc”. Đây là những tổn thương ông gặp phải trong chiến tranh. Cả 2 mắt của bệnh nhân này đã bị mất thị lực hơn 30 năm trời, mọi sinh hoạt đi lại đều rất khó khăn.

Các bác sĩ chúc mừng 2 bệnh nhân được ghép từ giác mạc hiến tặng. Ảnh: BSCC.

Bệnh nhân thứ hai là anh Lê Phước  Hiếu -38 tuổi. Anh Hiếu bị bệnh lý viêm nhiễm giác mạc và mang cảnh mù loà từ lúc 10 tuổi. Không thể nhìn thấy nên anh đã phải bỏ học, khép lại những giấc mơ còn dang dở. Mọi sinh hoạt của anh khi đó về sau phụ thuộc chính vào người mẹ.

Vào chiều cùng ngày, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS. TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, tập thể bác sĩ Trung tâm Mắt, Phòng mổ Mắt phối hợp cùng với TS. BS Phạm Ngọc Đông đã tiến hành ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân trên với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Và cuối cùng giây phút vỡ oà cũng đã đến với hai bênh nhân, sáng ngày 9/7/2019, dưới sự chứng kiến của Ekip thực hiện và các y bác sĩ với tập thể nhân viên Trung tâm Mắt, hai bệnh nhân trên đã vỡ oà trong vui sướng khi đã tìm lại được một phần ánh sáng, mặc dù quá trình hồi phục còn dài, còn phải chăm sóc, điều trị và theo dõi liên tục nhưng với hy vọng và nỗ lực của các bác sĩ tại Trung tâm Mắt sẽ mang lại thị lực tốt nhất cho bệnh nhân.

Theo TS. BS Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết:  Hiện nay, ở nước ta đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù loà do các bệnh lý giác mạc gây ra. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa nếu không có giác mạc thay thế, khi đó họ sẽ phải sống trong cảnh tăm tối không nhìn thấy ánh sáng và trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. Vì vậy, hiến tặng giác mạc sau khi qua đời  là việc thể hiện  đầy tính thiện và ý nghĩa nhân văn.

Chia sẻ về ca ghép của 2 bệnh nhân, BS Đông cho biết; Sau một ngày ghép, tình trạng thích ứng của của giác mạc trên bệnh nhân tiến triển tốt. Thị lực của bệnh nhân đã cải thiện hơn trước, giúp bệnh nhân tự đi lại , sinh hoạt độc lập, tuy nhiên để đạt được mức độ thị lực tối đa thì cần đến 6 tháng nữa, BS Đông nói.

Gs. TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp bóc băng mắt cho bệnh nhân Phan Hữu Lạc.

Được biết, đây là ca hiến giác mạc đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Đến nay, tại khu vực miền Trung mới có tỉnh Nghệ An có người hiến tặng giác mạc, các tỉnh còn lại chưa từng có ca hiến giác mạc nào thông tin tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Ngân hàng Mắt Trung ương.

Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia xin gửi lời tri ân tới tấm lòng của cụ Nguyễn Viết Bồng và gia đình cụ. Nghĩa cử cao đẹp của cụ và gia đình không chỉ mang lại nguồn sáng cho 2 bệnh nhân mù lòa mà còn là tấm gương sáng, là ngọn cờ đầu để những nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa.


Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc ngân hàng Mắt- Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, hiện tại ở nước ta có khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Nguyên nhân gây mù giác mạc là do viêm loét giác mạc, bỏng giác mạc, giác mạc hình chóp, chấn thương mắt, loạn dưỡng di truyền, những biến chứng sau phẫu thuật mắt.

Số bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc hiện nay khoảng 1.000 người, ngân hàng Mắt có thể cung cấp khoảng 200 giác mạc cho các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho các bệnh nhân không may bị mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra.

Từ sau câu chuyện hiến giác mạc của bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, thôn Tân Mỹ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời do bệnh hiểm nghèo, đã thắp lên ngọn lửa nhân ái sâu rộng trong cộng đồng. Cũng theo ông Hoàng, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính.
Hiến tạng là việc tặng một bộ phận trên cơ thể một cách hợp pháp. Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não).

Người dân trên cả nước có nguyện vọng đăng ký hiến mô tạng cứu người khi qua đời có thể liên hệ 2 địa chỉ thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế và Nhà nước Việt Nam là Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP.HCM). và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Hà Nội (địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hà Nội). Hoặc đăng ký hiến tặng giác mạc tại Ngân hàng Mắt bệnh viện Mắt Trung ương địa chỉ 85 Bà Triệu (Hà Nội) hotline 02439454799 hoặc địa chỉ mail eyebank.vnio@gmail.com.

Lê Mai
Ý kiến của bạn