Bệnh lý động mạch vành ngày càng tăng trong những năm gần đây, trong đó các tổn thương vôi hoá động mạch vành ngày càng nhiều, là một trong những tổn thương rất khó khăn trong việc tái thông động mạch vành bằng phương pháp đặt Stent hay phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân P.H.N (71 tuổi) nhập viện trong tình trạng tức ngực, khó thở, thường xuyên xuất hiện phù phổi trong quá trình điều trị do tình trạng thiếu máu mạch vành và không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Sau khi hội chẩn các chuyên khoa liên quan, Ê kip các Bác sĩ của Đơn vị Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia tuyến trên đã quyết định áp dụng kỹ thuật Rotablator (khoan cắt mảng xơ vữa), sử dụng mũi khoan nhỏ 1,25-1,5-1,75 mm gắn kim cương rất nhỏ, được đưa vào tổn thương động mạch vành qua một dây dẫn nhỏ và được điều khiển quay với vận tốc rất cao để khoan thủng các tổn thương hẹp do mảng vữa vôi hóa…Từ đó dễ dàng tiến hành nong và đặt 02 stent cho bệnh nhân. Ngay sau can thiệp bệnh nhân đỡ đau ngực, đỡ khó thở. Sau 6 ngày điều trị bệnh nhân đã ổn định, đủ điều kiện xuất viện...
Ths.Bs. Lê Thế Anh - Phó Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khoan cắt mảng xơ vữa là kỹ thuật mới hiện đại, việc thực hiện kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao. Việc trang bị và áp dụng kỹ thuật này trong lĩnh vực tim mạch can thiệp sẽ làm tăng khả năng can thiệp cho các tổn thương vôi hóa nặng nề mà kỹ thuật can thiệp thông thường không thành công. Kỹ thuật khoan cắt mảng xơ vữa lòng mạch được triển khai đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa sẽ có thêm cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân hẹp tắc động mạch vành nặng do các tổn thương vôi hóa mà kỹ thuật can thiệp thông thường không thể thực hiện được. Giúp cho người bệnh được điều trị kỹ thuật cao ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh, không phải chuyến tuyến trên".
"Để phòng, tránh bệnh xơ vữa động mạch ở người cao tuổi chế độ ăn là hết sức quan trọng. Cần hạn chế ăn mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà mà thay thế vào đó là dùng dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng. Không nên ăn loại dầu dừa vì dầu dừa có nhiều axít béo bão hoà dễ gây nên hiện tượng xơ vữa động mạch, nên ăn các thức ăn có nguồn gốc từ đậu nành như đậu phụ.
Mỗi tuần nên có từ 2 – 3 ngày ăn cá, trong mỡ của cá có nhiều chất béo omega-3, chất này rất tốt cho thành động mạch. Không nên ăn nội tạng động hạn chế ăn tôm, trứng. Các bữa ăn hàng ngày nên tăng cường lượng rau xanh, hoa quả (riêng người bị đái tháo đường hạn chế ăn loại quả ngọt như mít, na, xoài, hồng xiêm…). Ngoài chế độ ăn uống đủ chất, cần vận động cơ thể như tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao tuỳ theo sức mình. Người ta thấy nếu vận động đều, có bài bản và phù hợp với từng cá thể thì có thể làm tăng lượng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu và đồng thời làm giảm huyết áp đối với người đang bị tăng huyết áp mạn tính. Định kỳ kiểm tra các chỉ số cơ thế…" - Ths.Bs Lê Thế Anh chia sẻ thêm.