Đau âm ỉ vai phải kéo dài suốt 5 năm không làm cho cô giáo tiểu học Lương Thị Th 43 tuổi từ bỏ đam mê đứng trên bục giảng. Cô giáo đã rất sốc khi bác sĩ chẩn đoán mình bị u xương bả vai phải-một trường hợp rất hiếm gặp và rất khó can thiệp.
Cô giáo Lương Thị Th, 43 tuổi, cô đang sinh sống và làm việc tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Hàng ngày, cô vẫn đi dạy học tại trường tiểu học Quyết Thắng ở gần nhà. Theo lời kể của cô Th. 5 năm trở lại đây, cô Th cảm thấy tay phải của mình ngày càng đau, lúc đầu đau âm ỉ, như kiến cắn trong khớp vai phải, sau cơn đau lan dần lên phía ngực và ra phía sau. Tuy nhiên, cơn đau không gây hạn chế vận động, không sốt cũng như không gầy sút cân nên cô Th cho rằng những cơn đau không có gì nguy hiểm. Cô Th cũng đã từng đi khám một số cơ sở y tế uy tín nhưng không phát hiện ra bệnh.
Đến năm 2018, cô Th đi khám tại Bệnh viện Việt Đức, được các bác sĩ chụp phim cộng hưởng từ. Kết quả cho thấy, cô có một khối u to bằng hòn bi ve chỗ xương bả vai phải, xâm lấn phần mềm xung quanh. Bác sĩ kết luận cô Th bị bệnh u xương bả vai phải đã xâm lấn ra phần mềm xung quanh.
Khối xương bả vai ung thư lấy ra trong phẫu thuật và xương bả vai nhân tạo.
Cô giáo Th không tin mình bị mắc ung thư xương vì mặc dù tay cô đau nhiều nhưng cả phần vai phải của cô Th không có gì biến đổi về hình dạng. Theo các bác sĩ, tình trạng của cô giáo Th. rất hiếm gặp vì xương bả vai là vùng rất nguy hiểm, là nơi mạch máu và thần kinh từ thân mình đi xuống tay, phẫu thuật rất dễ chạm vào thần kinh gây liệt, chạm vào mạch gây tổn thương mạch máu. Nếu lấy bỏ khối u đồng nghĩa với việc lấy toàn bộ xương bả vai, lấy gì để thay thế xương đó? Ở Việt Nam chưa từng có người nào được phẫu thuật thay xương bả vai. Không thể phẫu thuật được, cô Th đi về với đơn thuốc giảm đau trên tay và tâm trạng tuyệt vọng.
Cô Th không tin rằng có một ngày nào đó mình sẽ không thể đứng trên bục giảng, sự nghiệp dạy học của mình sẽ phải dừng lại vì bệnh tật. Nhưng càng ngày tay cô giáo càng nặng hơn, cử động khó khăn hơn và cô không thể tự đi xe từ nhà đến trường mặc dù trường cô dạy chỉ cách nhà có 500m... Không chấp nhận số phận, cô Th đi khám thêm một số bệnh viện uy tín khác, khám cả các chuyên gia người nước ngoài, nhưng tất cả đều lắc đầu nói với cô là bệnh này chưa chữa được ở Việt Nam.
Đến đầu tháng 9/2019, khi cô Th đã gần như hết hi vọng, không biết đi khám thêm ở đâu nữa thì cô được người bạn thân giới thiệu đến khám Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Theo PGS.TS Trần Trung Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, sau khi đọc kết quả và thăm khám kỹ lại, bác sĩ hẹn bệnh nhân sẽ liên hệ với các chuyên gia nước ngoài để có được xương bả vai nhân tạo hay không, vì đó là hy vọng để giúp bệnh nhân có một cuộc sống bình thường.
Hình ảnh Xquang xương bả vai sau phẫu thuật.
"Một tuần sau đó, tôi đã không ngừng đọc lại y văn thế giới, liên hệ với các giáo sư ở nước ngoài, đặc biệt là với Giáo sư ở Nakazawa, Nhật Bản – chuyên gia về thay xương bả vai và tia hy vọng đã đến với bệnh nhân.", BS Dũng cho biết.
Sau khi nghiên cứu và tham vấn, các bác sĩ đưa ra 2 phương án đó là cắt lẩy bỏ toàn bộ xương bả vai và khối u, sau đó chỉ khâu lại phần mềm. Cách thứ hai là vẫn cắt bỏ toàn bộ xương bả vai và khổi u, đồng thời tiến hành phẫu thuật thay toàn bộ xương bả vai phải – chính khối xương bị ung thư; cách này kết hợp điều trị thuốc nội khoa đơn thuần, kết hợp xạ trị và hóa chất.
Sau khi trao đổi cô giáo Th, đã quyết định chọn phương án phẫu thuật. Tại Bệnh viện K Tân Triều, cô Th đã đã làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ và PGS Dũng đã liên hệ để chuẩn bị xương bả vai tương thích với kích thước của bệnh nhân. Sau gần 2 tháng chuẩn bị kỹ lưỡng, đến ngày 28/12 vừa qua, cô Th đã được PGS Dũng, bác sĩ Trần Quyết, bác sĩ Phạm Sơn Tùng và bác sĩ Nguyễn Minh Toàn cùng kíp mổ BV K Tân Triều gồm bác sĩ Hoàng Minh Sâm và Bác sĩ Trần Đức Thanh đã tiến hành cắt toàn bộ khối u xương và xương bả vai phải, đồng thời thay thế xương bả vai nhân tạo. Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 3 tiếng liên tục và thành công hơn cả mong đợi của kíp mổ.
Theo PGS Trần Trung Dũng đây là ca phẫu thuật đầu tiên tại Việt Nam, trên thế giới hiện giờ cũng không nhiều nơi thực hiện kỹ thuật này, số ca phẫu thuật thay xương bả vai cả châu Á cũng chỉ dưới vài chục ca, điều đó cho thấy cô Th phải thực sự quyết tâm thì mới thực hiện phẫu thuật khó này.
Sau ca mổ, PGS Dũng chia sẻ: “Khối u xương đã làm cho xương bả vai to và nặng gần gấp đôi xương thật của bệnh nhân, khối u đó đã lan rộng ra xung quanh, chèn ép vào một số nhánh dây thần kinh trên vai của bệnh nhân. Thật may mắn vì chúng tôi đã bóc được hết u và không để biến chứng gì xảy ra, phẫu thuật thay xương bả vai nhân tạo rất thuận lợi”.
Qua 5 ngày điều trị, hiện tại cô Th đã hoàn toàn khỏe mạnh, đã cử động được phần cẳng tay và bàn tay bình thường, vết mổ hoàn toàn khô, không có dịch, chụp Xquang kiểm tra thấy xương bả vai nhân tạo hoàn toàn đúng vị trí giải phẫu, chưa phát hiện các biến chứng nghiêm trọng nào, cô Th hoàn toàn hài lòng với ca phẫu thuật.
Cô Th chia sẻ: “Tôi không ngờ bệnh của mình vẫn còn phương pháp điều trị, vẫn còn cách để cứu lấy cánh tay cầm phấn viết bảng của tôi, chưa biết kết quả sau này sẽ ra sao, nhưng tôi đã có cơ hội thì tôi sẽ quyết tâm điều trị tới cùng. Hiện giờ tôi đang mong chờ hồi phục hoàn toàn để có thể quay trở lại bục giảng”.
PGS Dũng còn chia sẻ thêm khác với các xương khác, xương bả vai là khối xương nằm phía sau ngực, không cố định chắc chắn vào bất cứ xương nào, mà “treo lơ lửng” giữa các khối cơ lưng và chi trên, vì vậy điều khó nhất trong phẫu thuật thay xương bả vai chính là làm sao cho xương bả vai nhân tạo sau khi thay thế vào vẫn treo giữa các khối cơ mà vẫn đạt giải phẫu ban đầu, không bị lệch hay biến dạng vai khi tay hoạt động. Đồng thời phải đảm bảo thẩm mỹ và không để lại biến chứng mạch máu và thần kinh nào. Ở trường hợp này, ca mổ đã thành công tốt đẹp.
Phẫu thuật thay xương bả vai sẽ cơ hội và mở ra cánh cửa hi vọng cho các bệnh nhân bị ung thư xương bả vai nói riêng, ung thư nói chung và khẳng định sự phát triển của nền y học Việt Nam với các nước trên thế giới.