PGS. TS. Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh -Pôn, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được phẫu thuật thay khớp khuỷu.
Suýt bị cắt cụt tay do u xương
Bệnh nhân là ông Lê Văn M. 57 tuổi, quê Hải Dương, theo lời kể của bệnh nhân, vài tháng trước khi nhập viện ông M kêu đau đau khuỷu tay trái, tình trạng đau tăng dần. “Tôi như đứa trẻ, đau đúng tay thuận nên tôi không làm được gì, cầm nắm dao không được, gắp thức ăn không xong như một người tàn phế." ông M tâm sự.
Trước tình trạng như vậy, người nhà đã đưa ông M đi khám và được điều trị với chẩn đoán viêm khớp dạng thấp nhưng không cải thiện.
Hình ảnh khối u trên phim của bệnh nhân M. Ảnh BSCC
Tuy nhiên, bệnh diễn tiến ngày càng nặng, gần đây triệu chứng đau tăng, cơn đau như ông đập tay vào vật cứng khiến ông ăn ngủ không ngon và suốt ngày ôm cánh tay bị đau. Ông được người nhà đưa đến khám bệnh tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ đã khám thấy thể trạng bệnh nhân M. tốt, không sốt, không gầy sút cân. Tuy nhiên, bệnh nhân đau khuỷu tay trái, hạn chế vận động khuỷu tay trái. Gấp, duỗi đau, hạn chế sấp ngửa.
Chia sẻ về ca bệnh, BS Đỗ Văn Minh, Khoa Ngoại A Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người trực tiếp tiếp nhận và thăm khám ban đầu bệnh nhân cho biết: Khi thăm khám cho bệnh nhân, chúng tôi phát hiện 1 khối lan toả, không rõ ranh giới, đau tức nhẹ, không nóng đỏ. Bệnh nhân được chỉ định chụp X quang, cắt lớp vi tính và cộng hưởng các bác sĩ phát hiện 1 khối u xương ở vị trí đầu dưới xương cánh tay, đã phá huỷ hoàn toàn phần xương cánh. Tiến hành sinh thiết trước mổ và kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân M. bị u tế bào khổng lồ.
Hình ảnh sau phẫu thuật của bệnh nhân M. Ảnh BSCC
Cầm kết quả trên tay, gia đình bệnh nhân lo lắng, Bà Q. vợ của bệnh nhân M. cho biết, do tâm lý lo lắng gia đình đã đi nhiều cơ sở y tế thăm khám cũng như xin ý kiến về hướng điều trị và được tư vấn nhiều phương án khác: Nạo u đổ xi măng, cắt đoạn xương có u đóng cứng khớp,… Có lúc muốn cắt cụt cánh tay với mục đích triệt căn, giải quyết vấn đề tâm lý . Bà Q. chia sẻ thêm.
Phẫu thuật khối u và thay khớp nhân tạo bảo tồn chức năng khớp khuỷu
Trong lúc hoang mang gia đình và bệnh nhân không rõ chọn phương án nào để điều trị trong khi tay bệnh nhân không cử động được và ngày một đau nhức hơn. Bệnh nhân lại quay lại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để được tư vấn thêm lần nữa. Sau khi xem xét tỷ mỉ bệnh án PGS. TS. Trần Trung Dũng cùng các cộng sự tư vấn các phương pháp phẫu thuật trong đó có phẫu thuật lấy triệt để khối u và thay khớp khuỷu để bảo tồn khả năng vận động của khớp. Với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, sau khi bàn bạc cân nhắc kỹ, gia đình quyết tâm cùng các bác sĩ quyết định theo hướng điều trị này.
Bốn ngày sau mổ cánh tay của bệnh nhân phục hồi có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh, khoa Chấn thương Chỉnh hình và Y học Thể thao bệnh viện Saint Paul, người trực tiếp tham gia kíp phẫu thuật cho biết thêm: Khớp khuỷu là khớp có cấu trúc phức tạp hợp bởi đầu dưới xương cánh tay với đầu trên xương quay và xương trụ, trong đó khớp có cấu trúc và chức năng phức tạp nhất là khớp cánh tay trụ, và thay khớp khuỷu là thay khớp cánh tay trụ. Bên cạnh thay khớp khuỷu còn có thể thay các thành phần khác của khớp trong đó có thay chỏm quay, là kỹ thuật đã được triển khai tại một số bệnh viện trên cả nước từ nhiều năm.
Ngày 17/09/2018 ca bệnh được phẫu thuật tại bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, kíp phẫu thuật gồm có PGS. TS Trần Trung Dũng và các bác sĩ Đỗ Văn Minh (Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội), bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh và Lê Khánh Trình (bệnh viện Saint Paul), bác sĩ gây mê Tạ Ngân Giang (bệnh viện Đại Học Y Hà Nội).
Trong quá trình phẫu thuật các sĩ cho biết, khối u đã phá huỷ toàn bộ diện khớp khuỷu của xương cánh tay về phía trước, phía sau và phía dưới, trong đó phía trước và phía sau, khối u chiếm gần trọn hố khuỷu và hố vẹt làm cho biên độ vận động của khớp bị giảm. Sau khi đã lấy trọn vẹn khối u, sinh thiết tức thì các diện cắt xương và phần mềm cho kết quả âm tính (tức là không có tế bào u), kíp phẫu thuật đã tiến hành thay khớp khuỷu phục hồi chức năng khớp cho bệnh nhân. Sau 2 tiếng đồng hồ, ca mổ đã thành công tốt đẹp, chức năng khớp khuỷu được bảo tồn, biên độ khớp đạt được gần ở mức tối đa.
Bác sĩ Trình, người chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá và hướng dẫn tập vận động cho bệnh nhân sau phẫu thuật cho biết: Sau mổ, bệnh nhân được tập vận động ngay ngày thứ nhất và duỗi gần hết, hơn khả năng vận động của bệnh nhân trước phẫu thuật. Việc phẫu thuật triệt căn khối u là quan trọng nhưng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau khi điều trị cần được cân nhắc kỹ và do đó xu hướng bảo tồn chức năng các khớp sau khi giải quyết khối u ngày càng tăng trên thế giới cũng như ở nước ta, việc này đòi hỏi phối hợp tốt giữa 2 chuyên nghành ung thư và chấn thương chỉnh hình để đem lại những kết quả điều trị ngày càng tốt hơn cho bệnh nhân.
Gặp bệnh nhân 4 ngày sau phẫu thuật,ông M cho biết: "Thật may mắn khi gặp được các bác sĩ ở đây, tôi đã từng tuyệt vọng vì coi như mất 1 cánh tay, vì sợ khối u thành u ác tôi đã nghĩ thôi cắt cụt tay hoặc đổ đông cứng cánh tay lại. Trong cuộc sống điều kỳ diệu là có thật, nó đã đến với tôi, thật sự phải cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đã giúp tôi không bị tàn tật". Ông M. xúc động nói.
Trong thời gian vừa qua, các trường hợp thay khớp háng, khớp gối và khớp vai đã được tiến hành tại Bệnh viện K và Bệnh viện Đại Học Y. Tuy nhiên thay khớp khuỷu điều trị u đầu dưới xương cánh tay, bảo tồn chức năng khớp thì lần đầu tiên được thực hiện.