Ca mổ thay khớp gối bán phần đầu tiên tại miền Bắc đã được thực hiện thành công tại BV trường Đại học Y Hà Nội, hiện tại các bệnh nhân ổn định và hồi phục, có bệnh nhân bắt đầu tập đi.
Ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần đầu tiên tại miền Bắc diễn ra chiều ngày 23/6 do GS.TS Gunter Jens Muller, chuyên gia Đức, giáo sư nổi tiếng thế giới về phẫu thuật khớp, đã có kinh nghiệm mổ hơn 4.000 ca thay khớp, trực tiếp thực hiện cùng với TS. Nguyễn Văn Hoạt, khoa Ngoại Thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội và kíp phẫu thuật của BV. Báo Sức khỏe&Đời sống độc quyền truyền hình trực tuyến toàn bộ ca phẫu thuật này.
Bệnh nhân Hồng đang dần bình phục, bệnh nhân đã có thể vận động co duỗi khớp gối.
Sau 3 ngày cuộc phẫu thuật diễn ra, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trở lại bệnh viện và tự mục sở thị 3 ca phẫu thuật rất thành công, có bệnh nhân bắt đầu đứng và tập đi, bệnh nhân còn lại vẫn tiếp tục theo dõi và tập vật lý trị liệu tại giường theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Trò chuyện với phóng viên, bệnh nhân Hoàng Thị Hồng, 59 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội – người đầu tiên được phẫu thuật khớp gối bán phần hoàn toàn miễn phí - vui vẻ cho biết: “Tôi đứng được rồi cô ơi. 2 ngày sau khi phẫu thuật, tôi đã bắt đầu đứng được tại chỗ. Tôi cảm thấy chân thay đổi rất nhiều. Trước đây tôi không thể co được đầu gối, mỗi lần co gối tôi rất đau, nhưng bây giờ, mặc dù vết mổ ở đầu gối của tôi rất dài, nhưng tôi co đầu gối đã rất nhẹ nhàng rồi. Hôm nay tôi bắt đầu tập đi.” Bà nói với giọng đầy cảm kích: “Tôi cảm thấy vui lắm, các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, họ chăm sóc tôi 24/24h. Tôi rất biết ơn các bác sĩ, bác sĩ thường xuyên hỏi han về tiến triển bệnh tình của tôi”.
Bệnh nhân Chung đang được chăm sóc tại Khoa Ngoại, Bv ĐH Y.
Trong khi đó, bệnh nhân Lê T. Chung, 56 tuổi ở Kiến Hưng, Hà Đông , người được thay khớp gối bán phần hôm 24/6 cho biết: “Tôi đau chân 7 năm rồi, từ năm ngoái đã muốn được phẫu thuật. Tình cờ được biết bệnh viện này có phương pháp mổ khớp bán phần nên tôi tìm đến đây. Hiện tại sau mổ 2 ngày, tôi vẫn chưa đứng được, nhưng cổ chân tôi đã có thể vận động xoay được. Trước khi mổ tôi không xoay được cổ chân, giờ đã thấy bước đầu vận động được”. Với bệnh nhân Chung, các bác sĩ cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại giường dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân Chung.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Văn Hoạt cho biết, các bệnh nhân đang bắt đầu hồi phục, được tập gấp duỗi gối, tiến tới sẽ tập đi lại nhẹ nhàng bằng khung. Sau khi phần mềm ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng các bài tập luyện gấp duỗi gối. Đối với các bệnh nhân phẫu thuật khớp gối, nếu vận động quá sớm, khi phần mềm chưa ổn định sẽ không tốt. Bác sĩ Hoạt khuyên, người bệnh chỉ nên tập khi phần mềm bền vững, thông thường mất khoảng 4 tuần. So với phẫu thuật khớp toàn phần, phẫu thuật khớp gối bán phần người bệnh có thể tập đi sau 2 -3 ngày phẫu thuật, trong khi đó phẫu thuật khớp gối toàn phần thường, người bệnh phải mất ít nhất từ 5 -7 ngày mới tập đi lại được. Nhưng dù là toàn phần hay bán phần thì giai đoạn đầu người bệnh vẫn cần sự hỗ trợ bằng khung vì phần mềm chưa ổn định. Sau khoảng 3 tuần tập luyện với khung, người bệnh có thể bỏ khung đi lại như một người bình thường.