Lần đầu tiên thai phụ thay van tim vượt cạn thành công

30-11-2012 21:54 | Tin nóng y tế

Quan điểm “Phụ nữ bị bệnh tim thì không nên lấy chồng, nếu lấy chồng thì không nên sinh con” đã trở nên quá lạc hậu và xa rời với quan điểm điều trị của tim mạch hiện đại; hơn thế nữa, tập thể các bác sĩ tại Bệnh viện (BV) E Trung ương đã làm nên “điều kỳ diệu”

Quan điểm “Phụ nữ bị bệnh tim thì không nên lấy chồng, nếu lấy chồng thì không nên sinh con” đã trở nên quá lạc hậu và xa rời với quan điểm điều trị của tim mạch hiện đại; hơn thế nữa, tập thể các bác sĩ tại Bệnh viện (BV) E Trung ương đã làm nên “điều kỳ diệu”: bệnh nhân (BN) nữ đầu tiên thay van tim đã vượt cạn thành công vào ngày 24/11 vừa qua tại Khoa Sản của BV E. Đây là kết quả của sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa: tim mạch, sản khoa, gây mê hồi sức của BV.

Bác sĩ bảo cứ đẻ đi, chứ chồng em lúc đầu không dám

Tới Khoa Sản, BV E Trung ương vào một ngày mưa rét, nhưng cái lạnh dường như bị chặn lại ở ngoài khi bước chân vào phòng có 2 mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Thanh Hoa (28 tuổi, Phú Thọ). Vẫn còn yếu sau cuộc mổ sinh con, gương mặt của người phụ nữ trẻ vẫn rạng ngời nụ cười hạnh phúc khi vừa âu yếm nựng con, vừa tươi cười tâm sự chuyện của mình. Mang trong mình căn bệnh thấp tim từ nhỏ, năm 12 tuổi, Hoa đã được chuyển xuống BV Việt Đức mổ tách van 2 lá. “Em vẫn nhớ người bác sĩ phẫu thuật cho mình lúc đó là BS. Thành (PGS.TS. Lê Ngọc Thành - nv)”. 15 năm sau, cái tên “bác sĩ Thành mổ tim” luôn ở trong tiềm thức đã giúp em tìm gặp lại đúng người bác sĩ năm xưa, nay công tác tại Trung tâm Tim mạch (TTTM) BV E. Tháng 7/ 2011, chị Hoa lại được chính PGS.TS. Lê Ngọc Thành phẫu thuật thay van tim 2 lá. Lúc đó, chị Hoa đã được các bác sĩ TTTM BV E tư vấn nên thay van sinh học (tuy giá thành cao hơn và thời gian phải thay van lại sẽ nhanh hơn van cơ học nhưng là chỉ định cho những phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu sinh con). “Lúc đầu, chồng em lo lắm, bảo không cần sinh con, em cứ mổ thay van tim sống được là mừng rồi. Khi lấy nhau, anh ấy cũng biết em bị bệnh tim. Nhưng các bác sĩ ở đây đã giải thích rất kỹ, động viên vợ chồng em, nên chúng em mới có được hạnh phúc như hôm nay”. Và cũng chính các bác sĩ tim mạch BV E đã khiến vợ chồng chị vững tin khi sinh tại Khoa Sản của BV E để: “Nếu chẳng may nhỡ có chuyện gì em sẽ được các bác sĩ cứu ngay”, chị Hoa hồn nhiên kể.

Lần đầu tiên thai phụ thay van tim vượt cạn thành công 1

Ca vượt cạn của sản phụ Hoa tại Khoa Sản - BV E Trung ương. Ảnh: BS. Nguyễn Bá Phong

Ấp ủ một “chiến lược” điều trị

Bắt tay tôi với nụ cười tươi rói, PGS.TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc TTTM BV E, Phó Giám đốc BV chia sẻ: Trước đây, những BN tim mạch có kèm các bệnh lý khác đều phải chuyển sang điều trị ở BV Việt Đức. Đến nay, với những cuộc mổ lấy sỏi thận, sỏi túi mật… trên bệnh nhân chuẩn bị mổ thay van tim hoặc mổ bắc cầu chủ vành, BV đã hoàn toàn chủ động thực hiện với sự phối hợp đồng bộ giữa các khoa phòng: Gây mê hồi sức, Tim mạch, Thận tiết niệu, Tiêu hóa… và cả Sản khoa. Trường hợp của BN Hoa, BV đã có một “chiến lược” điều trị từ lúc thay van tim tới lúc thai kỳ và sinh nở. Lựa chọn để thay van tim sinh học, lúc đầu, gia đình BN cũng chần chừ vì nghèo quá, muốn chọn giải pháp ít tốn kém hơn. Nhưng hiểu được nỗi khát khao được làm mẹ, các bác sĩ đã thuyết phục được BN và gia đình nên thay van tim sinh học (van sinh học không có nguy cơ tạo huyết khối nên người bệnh chỉ cần dùng thuốc chống đông trong thời gian ngắn sau phẫu thuật. Van cơ học được làm từ vật liệu tổng hợp và các hợp chất kim loại có chất liệu cứng hơn van sinh học và không phải mô sinh học nên dòng máu đi qua van dễ bị vỡ tế bào hồng cầu và dễ tạo huyết khối, BN phải dùng thuốc chống đông máu cả đời). Tiếp đến là việc kiểm soát thai phụ có van tim nhân tạo là một vấn đề khó khăn và phức tạp, liên quan đến nhiều chuyên khoa vì sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc chống loạn nhịp tim, hỏng van tim, các biến chứng tắc mạch, huyết khối van tim trong thai kỳ, hay nguy cơ sảy thai, chảy máu, tử vong mẹ và con khi sinh nở… ThS.BS. Nghiêm Thị Hồng Thanh - Quyền trưởng Khoa Sản BV E cũng khẳng định: Đây là lần đầu tiên khoa tiếp nhận một BN thay van tim có thai đủ tháng đến sinh. BN đã được theo dõi những tháng cuối của thai kỳ tại đây, vì tới lúc gần sinh, lưu lượng tuần hoàn tim tăng gấp đôi bình thường (là gánh nặng cho tim, nhất là với van tim sinh học vừa được thay, các bác sĩ sản khoa chưa có kinh nghiệm để tiên lượng về cuộc đẻ này). Cũng theo BS. Thanh, điều lo lắng nhất với sản phụ Hoa là khi mổ đẻ sẽ dễ bị chảy máu vì BN đang sử dụng thuốc chống đông. Tuy nhiên trước đó, TTTM đã giảm liều thuốc chống đông xuống một nửa. Nhờ thế, các bác sĩ đã chủ động được ngày sinh cho thai phụ (hơn nữa, đối với trường hợp BN Hoa, việc đẻ thường là không thể vì khi rặn đẻ, thai phụ thay van tim dễ bị phù phổi cấp, suy tim cấp…). Điều quan trọng là sự phối kết hợp giữa các chuyên khoa đề phòng bất trắc xảy ra sẽ kịp thời can thiệp. Sau những giây phút căng thẳng, hồi hộp, lo âu không chỉ với BN, người thân mà với cả chính những người thầy thuốc, niềm vui đã vỡ òa vào ngày 24/11/2012 khi BN sinh hạ được một bé trai khỏe mạnh.

Kết quả viên mãn

Có nằm mơ chị Hoa cũng không nghĩ mình có được ngày hôm nay. Nằm bên cạnh con trai kháu khỉnh, chị nhớ lại những tháng ngày yếu ớt, liên tục sốt và ho kéo dài trước khi được thay van tim. Chồng chị rất thông cảm và chia sẻ với vợ nhưng thỉnh thoảng, những câu nói vô tình mỉa mai, gièm pha… lại như vết dao khía thêm vào nỗi đau mà chị đang chịu đựng. Giờ đây, chị Hoa đã có được hạnh phúc mà bất cứ người phụ nữ nào cũng khát khao - làm mẹ. Chị nói trong xúc động: “Các bác sĩ đã mang lại cho em cuộc sống lần thứ hai”. Càng vui hơn khi biết tin sau thời gian theo dõi hậu phẫu không có gì đặc biệt nên chị Hoa sẽ được xuất viện như các sản phụ khác.

Mai Linh



Ý kiến của bạn