Ngày 15/11, tại Quảng Ninh Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia phối hợp với Sở Y tế Quảng Ninh tổ chức buổi tập huấn trực tuyến và trực tiếp cho hệ thống y bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 và 57 lái xe cấp cứu của tỉnh Quảng Ninh.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, việc đào tạo tập huấn cho cán bộ nhân viên y tế tại các cơ sở y tế đã Trung tâm thực hiện thường quy, trong 2 năm trở lại đây Trung tâm đã đào tạo hơn 1000 nhân viên y tế, tuy nhiên khóa đào tạo, tập huấn dành cho nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân 115 trong đó có cả các lái xe là khóa đào tạo đầu tiên được thí điểm tại Quảng Ninh.
Cũng theo PGS Hệ, Quảng Ninh là địa phương có hệ thống cấp cứu tương đối đầy đủ, khoa học, hoàn chỉnh và thực tế cho thấy hệ thống cấp cứu 115 đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quy trình hiến mô tạng đặc biệt trong tình huống cấp cứu. Ở các nước trên thế giới rất thành công từ mô hình này, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia hy vọng từ điểm mẫu của Quảng Ninh sẽ thành công và được nhân rộng trong cả nước...
Tại buổi tập huấn GS.TS Nguyễn Quốc Kính, Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam cho biết, khoảng 18% tạng hiến không ghép được do kỹ thuật hồi sức tạng không đủ điều kiện, do đó việc hồi sức tạng khi chết não rất quan trọng và điều này cho thấy vai trò của cấp cứu ngoại viện trong tình huống này.
Theo PGS Đồng Văn Hệ, cấp cứu ngoại viện 115 là lực lượng đầu tiên tiếp cận bệnh nhân nặng trong quá trình chuyển tới viện. Lực lượng này có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá tình trạng người bệnh, đặc biệt là trong những trường hợp tai nạn hoặc đe doạ tính mạng. Nhân viên 115 sẽ đảm bảo bệnh nhân vẫn được chăm sóc tốt, hỗ trợ duy trì các chức năng sống, tránh tình trạng thiếu oxy hoặc tổn thương mô tạng trong suốt quá trình đến viện.
Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh hiện toàn tỉnh có 143 bác sĩ tham gia cấp cứu ngoại viện thuộc các chuyên khoa khác nhau. Tổng số điều dưỡng y sỹ, kỹ thuật 213 nhân viên. Mỗi tháng trung bình Trung tâm cấp cứu 115 Quảng Ninh tiếp nhận được 150 -200 cuộc gọi và điều phối, tính đến 31/10/2023 toàn tỉnh vận chuyển cấp cứu 1351 ca. Đáng nói là hệ thống cấp cứu của Quảng Ninh đồng bộ có định vị GPS, có hệ thống hội chẩn từ xa Telemedicine để xử trí cấp cứu trong quá trình tiếp nhận và vận chuyển cấp cứu. Việc kết nối thông tin cùng lúc từ đội ngũ bác sĩ của Trung tâm hỗ trợ hội chẩn chuyên môn cho các kíp cấp cứu trên nhiều xe vận chuyển góp phần hội chẩn ca khó, ca bệnh nặng đảm bảo thời gian vàng trong cấp cứu trước viện, nhất là đối với cấp cứu ngừng tuần hoàn, đột quỵ và chấn thương sọ não.
TS. Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh chia sẻ: 'Không có hiến tạng sẽ không có ghép tạng. Trong thời gian tới ngành Y tế Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng sau chết. Theo Đề án năm 2025 Quảng Ninh sẽ ghép những ca ghép thận và phấn đấu là tỉnh thực hiện ca ghép thận đầu tiên của khu vực Đông Bắc. Hiện 3 bệnh viện lớn của Quảng Ninh là BV Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí, BVĐK tỉnh và BV Bãi Cháy đã thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não, đồng thời 2 bệnh viện là BVĐK tỉnh và BV Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí đã cử kíp tập huấn và học tập ghép tạng tại BV Việt Đức.
TS. Phạm Gia Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, đến nay Việt Nam đã ghép tạng được hơn 9000 ca, nhưng chỉ có 553 ca ghép tạng (chiếm 6% ) từ người chết não. Thời gian qua số người chết não hiến mô tạng đã tăng lên, song số người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Tỷ lệ ghép/ triệu dân Việt Nam chỉ đạt 10,1%, tỷ lệ này tại Mỹ cao gấp 13 lần. Tuy nhiên có một điều đáng ghi nhận là tỷ lệ hiến ghép tạng trên số dân của Việt Nam thấp nhưng hiệu suất sử dụng tạng của Việt Nam lại cao, trung bình 3,8 tạng/người hiến.