Hà Nội

Lần đầu tiên sử dụng robot phẫu thuật ung thư gan

24-08-2017 15:53 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Một người bệnh ung thư gan đã được các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) phẫu thuật cắt trọn vẹn 2 thùy gan trái với sự hỗ trợ của robot thế hệ mới nhất.

Đây cũng là trường hợp ứng dụng robot cắt gan cho người lớn đầu tiên tại Việt Nam nhằm giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

Trường hợp đầu tiên được áp dụng công nghệ được xem là đỉnh cao mới của ngành ngoại khoa trên thế giới hiện nay để điều trị ung thư gan là ông C.M.T (59 tuổi, Long An). Trong một lần khám sức khỏe định kỳ hàng năm tại Bệnh viện Bình Dân, ông T. được phát hiện khối bướu trong vùng gan trái. Sau khi thực hiện khám cho ông T., các bác sĩ nghi ngờ đây là một khối ung thư đang tiến triển và chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để tìm dấu ấn sinh học, chụp MS-CT vùng bụng có cản quang để đánh giá các tổn thương. Ông T. được chẩn đoán xác định đang có một khối ung thư gan kích thước 6cm vùng hạ phân thùy II và III, rất may khối ung thư chưa di căn hạch.

Lần đầu tiên sử dụng robot phẫu thuật ung thư ganBS.CKI. Lê Hữu Phước đang điều khiển robot phẫu thuật

Ca mổ dùng robot

Đối với ung thư gan giai đoạn chưa di căn, phẫu thuật triệt để là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Để giảm thiểu nguy cơ tổn thương mạch máu gan, nhất là tổn thương tĩnh mạch cửa gan, dẫn tới nguy cơ chảy máu ồ ạt, gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân và người bệnh đã quyết định lựa chọn phẫu thuật robot để thực hiện cắt trọn vẹn các thùy gan có tế bào ung thư cho ông C.M.T.

Ca phẫu thuật do các bác sĩ Khoa Ngoại Gan Mật (TS.BS. Võ Văn Hùng, BS.CKI. Lê Hữu Phước) tiến hành ngày 27/7/2017 đã cắt trọn vẹn hạ phân thùy gan II, III cho người bệnh. Robot phẫu thuật cho phép bác sĩ quan sát rõ cấu trúc giải phẫu của các cơ quan qua màn hình 3D, chuẩn HD với độ phóng đại 12 lần. Các cánh tay robot thực hiện linh hoạt các thao tác vén mô, bộc lộ trường mổ rõ ràng, bóc tách một cách tinh tế, cắt đốt an toàn từng thùy gan và mạch máu vùng gan. Nhờ vậy, khối u vừa được loại bỏ triệt để vừa giảm thiểu tổn thương phần gan còn lại, duy trì chức năng gan sau mổ cho người bệnh. Thêm vào đó, nhờ khả năng xâm lấn tối thiểu, phẫu thuật ứng dụng robot ít gây đau, giảm mất máu, giảm thời gian nằm viện, giảm biến chứng phẫu thuật như: nhiễm trùng, viêm dính, tăng tiên lượng sống còn cho người bệnh ung thư.

Lần đầu tiên sử dụng robot phẫu thuật ung thư ganÊkíp phụ mổ

Ung thư gan thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới; hiện nay đây là bệnh xếp hàng thứ 3 trong số các bệnh gây tử vong do ung thư. Yếu tố nguy cơ gây ung thư gan gồm viêm gan, xơ gan do virút, do nghiện rượu... Đáng lưu ý, ung thư gan ở giai đoạn đầu gần như không có triệu chứng nên người bệnh khó phát hiện sớm nếu không tầm soát sức khỏe thường xuyên như ông C.M.T.

Gặp lại người bệnh sau phẫu thuật 2 ngày, người bệnh tự đi đứng và ăn uống được, ít đau vùng vết mổ. Người bệnh được theo dõi tại Bệnh viện Bình Dân trong 1 tuần và vừa được xuất viện. Chia sẻ với người viết, người bệnh cho biết: “Trước phẫu thuật, tôi lo lắng lắm. Các bác sĩ và robot đã giúp tôi vượt qua lần phẫu thuật gan này nhẹ nhàng. Bây giờ tôi đã có thể về với gia đình thật khỏe mạnh”.

Hướng đi mới đầy triển vọng

Phẫu thuật robot hiện đã phát triển ở các nước tiên tiến ở châu Mỹ, châu Âu; cùng một số nước châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc… Phẫu thuật robot  nay đã phát triển đến thế hệ thứ tư với bốn cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ, hình ảnh 3D. Khi phẫu thuật robot, bác sĩ ngồi trước màn hình vi tính để điều khiển robot, điều khiển camera thực hiện những động tác phẫu thuật; một số người phụ mổ sẽ giúp robot “cầm” hoặc thay đổi dao, kéo…

Các dụng cụ mổ do robot điều khiển có khả năng luồn lách vào các khoang nhỏ nhất và sâu một cách linh hoạt, chính xác.

Lần đầu tiên sử dụng robot phẫu thuật ung thư ganBác sĩ kiểm tra vết mổ

Do có khả năng kết nối với máy tính nên phẫu thuật robot sẽ giúp thực hiện khả năng mổ từ xa. Phẫu thuật robot có thể  sử dụng cho tất cả bệnh lý (ở hệ tiêu hóa, gan mật tụy, tiết niệu, tim mạch, lồng ngực...). Tuy nhiên, theo các bác sĩ, ở Bệnh viện Bình Dân, chỉ có những phẫu thuật lớn (như cắt bướu ác tuyến tiền liệt, cắt bàng quang trong ung thư bàng quang, tạo hình bàng quang, cắt tụy, cắt khối u ác trực tràng...), vị trí mổ khó, đòi hỏi có phương tiện kỹ thuật cao, thao tác tinh vi, khéo léo, phẫu thuật viên mới cần đến robot hỗ trợ.

Mô hình phẫu thuật robot  được triển khai đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc áp dụng công nghệ cao vào việc điều trị chăm sóc người bệnh; đồng thời cũng là bước phát triển mới về phát triển kỹ thuật cao của ngành Y tế Việt Nam.


NGUYỄN HƯNG
Ý kiến của bạn
Tags: