Lần đầu tiên phẫu thuật thay khớp thái dương hàm toàn phần

17-11-2015 23:56 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngày 12/11, lần đầu tiên tại Việt Nam các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay khớp thái dương hàm toàn phần bằng các vật liệu nhân tạo.

Ngày 12/11, lần đầu tiên tại Việt Nam các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay khớp thái dương hàm toàn phần bằng các vật liệu nhân tạo.

Bệnh nhân nam (Đ.V.A.), 57 tuổi ở Bình Phước, nhập viện với chẩn đoán: mất lồi cầu trái sau phẫu thuật cắt u xương hàm dưới cách đây 10 năm. Do không được tái tạo, hệ thống nhai bị rối loạn nghiêm trọng với các biểu hiện: bệnh nhân mất khả năng nhai, há miệng bị lệch, sai khớp cắn,... gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ và bệnh nhân được tái tạo toàn bộ khớp thái dương hàm trái. PGS.TS. Lê Văn Sơn - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, trưởng nhóm phẫu thuật, cho biết: “Đây là lần đầu tiên việc phẫu thuật tái tạo toàn phần khớp thái dương hàm (TDH) được thực hiện tại Việt Nam và là một ca mổ khó, phức tạp, nhưng mang lại triển vọng khả quan cho người bệnh, giúp phục hồi chức năng và thẩm mỹ”.

Lần đầu tiên phẫu thuật thay khớp thái dương hàm toàn phần

Đến nay, sau gần một tuần được phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, vết mổ sưng nề ít, không chảy máu, khớp cắn bên còn răng tốt. Bệnh nhân đã tự ăn cháo. Bệnh nhân Đ.V.A. cho biết: so với trước khi được phẫu thuật, đến hôm nay tôi cảm thấy khỏe, dễ chịu và khi nuốt thức ăn cảm thấy không còn bị đau nhức như trước.

TS.BS. Đặng Triệu Hùng, Phó trưởng Bộ môn Bệnh lý miệng và phẫu thuật hàm mặt Viện đào tạo Răng Hàm Mặt Đại học Y Hà Nội, phụ mổ 1 cho ca phẫu thuật trên, cho biết: dự kiến khoảng 1, 2 ngày tới bệnh nhân sẽ xuất viện. Sau đó, quá trình phục hồi và theo dõi bệnh sẽ tiếp tục, 2 đến 3 tháng sau sẽ tiến hành phục hồi làm răng giả tạm thời, nếu tiến triển tốt, dự kiến 6 tháng tiếp theo sẽ tháo nẹp vít, cắm implant để làm răng giả gắn chặt và đến lúc này chức năng nhai của bệnh nhân sẽ được hồi phục gần như bình thường.

Khớp TDH là một trong những khớp động phức tạp nhất của cơ thể, diện khớp gồm ổ chảo xương thái dương, đĩa khớp và lồi cầu xương hàm dưới. Xung quanh ổ khớp có các dây chằng và hệ thống cơ nhai bám vào. Khớp hoạt động theo cả ba chiều không gian. Hai khớp TDH độc lập với nhau về giải phẫu nhưng hoạt động phối hợp để thực hiện chức năng nhai. Vì vậy, khi bị tổn thương hay mất một hoặc hai bên khớp TDH người bệnh sẽ khó nhai hoặc há miệng và việc phẫu thuật tái tạo lại cho những trường hợp này rất phức tạp. Mặt khác, quanh vùng TDH cũng là nơi tập trung các cấu trúc giải phẫu quan trọng (các mạch máu lớn, dây thần kinh, tuyến nước bọt mang tai...) nên việc phẫu thuật cũng có nguy cơ xảy ra tai biến.

Phương pháp phẫu thuật thay thế khớp TDH đã được thực hiện từ rất lâu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc thay thế lồi cầu bằng các vật liệu tự thân hoặc nhân tạo, phần ổ chảo được giữ nguyên. Điều này làm cho phẫu thuật không đạt được hiệu quả cao, nhiều biến chứng, tỷ lệ tái phát lớn.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cho phép sử dụng các vật liệu nhân tạo để thay thế, tái tạo toàn bộ khớp TDH, bao gồm cả thay thế ổ chảo. Cũng theo PGS.TS. Sơn: Chỉ có phẫu thuật thay khớp TDH toàn phần, gồm cả lồi cầu và ổ chảo mới mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị các bệnh lý khớp TDH không hồi phục. Ngoài ra, phương pháp này cũng có ưu điểm, đó là hạn chế nguy cơ mài mòn ổ chảo xương thái dương, thậm chí là thủng vào nền sọ. Phương pháp này đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và đem lại kết quả điều trị cao, giúp phục hồi gần như toàn bộ chức năng của khớp TDH. Tại Anh, đã thực hiện được 96 trường hợp, Hàn Quốc là trên 50 trường hợp... Ở Việt Nam đây là ca phẫu thuật đầu tiên do các thầy thuốc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội làm chủ về kỹ thuật. Sự thành công của ca phẫu thuật này đã mở ra triển vọng lớn cho các bệnh nhân bị bệnh lý về khớp thái dương hàm. Vì hiện nay, tại nước ta có rất nhiều trường hợp bị tổn thương, tai biến, viêm dính khớp TDH mà chưa được phẫu thuật, ước tính lên đến hàng ngàn trường hợp có nhu cầu cần phải tái tạo, thay khớp TDH toàn phần.

Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề đặt ra là hiện nay vật liệu nhân tạo để thay khớp TDH toàn phần Việt Nam chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu nên giá thành cao. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Sơn cho biết: Dù giá thành không rẻ nhưng đây lại là biện pháp tối ưu để giúp người bệnh có thể phục hồi chức năng khớp TDH được gần như người bình thường. Trong thời gian tới, tôi hy vọng phẫu thuật thay khớp TDH toàn phần sẽ được bảo hiểm y tế chi trả một phần cho người bệnh, cũng giống như việc bảo hiểm đã chi trả một phần cho phẫu thuật thay thế khớp gối, khớp háng... 

Việt Anh

 

 


Ý kiến của bạn