Hà Nội

Lần đầu tiên phẫu thuật nội soi tái tạo khớp cổ tay thành công

05-03-2022 07:59 | Thành tựu y khoa

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi tái tạo khớp cổ tay cho bệnh nhân M.L.A.T., 30 tuổi, ở Hà Nội. Đây là ca phẫu thuật nội soi tái tạo khớp cổ tay đầu tiên tại Việt Nam.

Làm chủ kỹ thuật cao, khó trong phẫu thuật chấn thương khớp cổ tay

Bệnh nhân T. đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám do có tình trạng đau cổ tay, mất vững khớp cổ tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Anh cho biết gặp chấn thương khi chơi bóng đá cách đây 1 năm, đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh.

Cuối tháng 1/2022, bệnh nhân chơi lại thể thao với môn trượt ván thì bị chấn thương lại, khó khăn trong cầm nắm các dụng cụ. Việc mang vác, dắt xe máy, thậm chí cầm bút viết cũng bị ảnh hưởng.

Lần đầu tiên phẫu thuật nội soi tái tạo khớp cổ tay thành công - Ảnh 1.

Các y bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật tái tạo khớp cổ tay cho người bệnh - Ảnh: BVCC

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức cho biết, qua thăm khám và xem kết quả chụp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có tổn thương phức hợp dây chằng ở khớp cổ tay rất phức tạp.

Ngày 2/3, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi tái tạo khớp cổ tay. Đây được xem là một trong những kỹ thuật mổ chấn thương phức tạp nhất được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, trước đây kỹ thuật chẩn đoán rất khó, một số trường hợp được mổ phanh nhưng vết mổ lớn, tàn phá phần mềm và những phần xương rất nhiều.

"Do vậy, thực hiện kỹ thuật bằng phẫu thuật nội soi rất nhẹ nhàng cho người bệnh, vết mổ nhỏ (0,5cm), có thể đánh giá toàn bộ trong khớp cổ tay về phần xương, khớp, hệ thống dây chằng, giúp cho việc xử lý tổn thương đó bằng nội soi được. Ngay sau mổ, người bệnh có thể vận động khớp cổ tay nhẹ nhàng và chưa đầy 24h sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể xuất viện"- PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết thêm, sau phẫu thuật, người bệnh sẽ phải bất động bằng nẹp khoảng một tuần để ổn định phần mềm, bớt phù nề cổ tay, sau đó người bệnh sẽ được tập phục hồi chức năng và 3-4 tuần sau phẫu thuật, người bệnh có thể quay trở lại chơi các bộ môn thể thao như bình thường.

Chấn thương khớp cổ tay: Tuyệt đối không chủ quan

Lý giải vì sao phương pháp này đến nay mới được triển khai tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho hay: Cổ tay là một phức hợp đầu dưới của hai xương cẳng tay, có xương quay với xương trụ. Tiếp dưới nữa có 8 xương nhỏ ở khối trụ cốt bàn tay, đó là: xương thuyền, xương nguyệt, xương tháp, xương đậu, xương thang, xương thê, xương cả, xương móc.

Lần đầu tiên phẫu thuật nội soi tái tạo khớp cổ tay thành công - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh thăm khám cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật nội soi tái tạo khớp cổ tay Ảnh: BVCC

Tiếp theo nữa là 1 loạt xương đốt bàn ngón tay giúp vận động chức năng linh hoạt của bàn tay. Để liên kết được các khớp và để các khớp vận hành tốt thì có rất nhiều hệ thống dây chằng khác nhau, rất phức tạp.

"Việc chẩn đoán bệnh lý không dễ dàng nếu không có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành này, đặc biệt trong lĩnh vực phẫu thuật tái tạo khớp và y học thể thao. Các tổn thương như thế này sẽ bị lẫn với các bệnh lý khác nhau do đặc thù giải phẫu nhiều xương, nhiều khớp, nhiều dây chằng, là nơi dễ bị chấn thương, đặc biệt trong chấn thương thể thao, ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh hoạt, vận động của người bệnh… nên để chẩn đoán được bệnh lý đòi hỏi việc thăm khám rất kỹ"- PGS.TS Khánh nói.

Đồng thời, cũng theo chuyên gia, cùng với chẩn đoán trên lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh cũng rất quan trọng, với phim Xquang thông thường khó phát hiện bệnh, cần dựa vào các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu, ví dụ như phim chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ.

Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh cũng phải được đào tạo bài bản mới có thể phát hiện được các tổn thương. Khớp cổ tay rất nhỏ, đòi hỏi các động tác tinh tế cũng như các trang thiết bị đặc thù, chuyên sâu như ống nội soi, camera, các dụng cụ kèm theo hỗ trợ.

Tại Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân chấn thương thể thao chiếm số lượng nhiều nhưng đa phần đến muộn, hầu hết không nghĩ đến tổn thương hoặc bị bỏ sót do không được chẩn đoán chính xác, không có định hướng từ đầu.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Cổ tay - bàn tay là khớp linh hoạt, mềm dẻo nhất của con người, ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng vận động không chỉ trong thể thao mà còn trong lao động, sinh hoạt hàng ngày.

Chấn thương khớp cổ tay là một trong những tổn thương thường gặp nhưng dễ bị bỏ sót. Khi bị chấn thương, người bệnh không nên chủ qua mà cần được thăm khám bởi các chuyên gia để tránh bỏ sót tổn thương và có hướng điều trị kịp thời.

Thái Bình
Ý kiến của bạn