Lần đầu tiên phẫu thuật cột sống ít xâm lấn đường bên XLIF tại BV Đại học Y Hà Nội

19-04-2019 14:27 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa phối hợp với chuyên gia phẫu thuật cột sống hàng đầu tại Bệnh viện PutraJaya, Malaysia thực hiện ca phẫu thuật cột sống ít xâm lấn đường bên XLIF.

Ngày 18/4, chuyên gia phẫu thuật hàng đầu, BS. Tan Chor Ngee – đến từ khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện PutraJaya, Malaysia đã tiến hành ca mổ thị phạm  cột sống đường bên ít xâm lấn.

Tham gia kíp mổ với BS. Tan Chor Ngee là PGS.TS Kiều Đình Hùng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương Chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội, TS.BS. Nguyễn Vũ - Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương Chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội cùng nhiều y bác sĩ tại bệnh viện.

Ca mổ mà các bác sĩ thực hiện tại Bệnh viện  Đại Học Y là một bệnh nhân bị thoát vị nữ 55 tuổi, quê Ninh Bình. Theo lời kể, bệnh nhân bị đau cột Sống thắt lưng, có biểu hiện mất vững cột sống gây đau nhiều đi lại khó.

Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương Chỉnh hình BV Đại học Y Hà Nội đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Sau khi thăm khám lâm sàng và chụp phim, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân tiếp tục bị trượt đốt sống L3L4, có chỉ định mổ.

Qua hội chẩn các bác sĩ chỉ định, bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật mổ cột sống ít xâm lấn đường bên XLIF.

Theo các bác sĩ, ưu điểm của phương pháp này là giảm thời gian phẫu thuật, giảm biến chứng trong và sau phẫu thuật như chảy máu và tổn thương rễ thần kinh.

Phương pháp không can thiệp trực tiếp vào ống sống, không phá hủy cấu trúc xương vì vậy sau mổ bệnh nhân không đau, hồi Phục nhanh chóng . Thông thường sau mổ 1 ngày bệnh nhân có thể đi lại bình thường  so với phương pháp truyền thống mổ mở với đường mổ lớn, tàn phá cân cơ và xương sống thắt lựng nên sau mổ bệnh nhân còn đau nhiều và thời gian hồi phục lâu - BS Vũ cho biết.

Phẫu thuật đường bên ít xâm lấn là một kỹ thuật phức tạp, khó nhất trong các kỹ thuật mổ cột sống, đòi hỏi phẫu thuật viên được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm.

Phẫu thuật thường được chỉ định trong những bệnh nhân bị trượt cột sống, vẹo cột sống do thoái hóa, thoát vị đĩa đệm.

Hơn nữa, việc sử dụng máy theo dõi thần kinh tủy sống trong mổ cũng giúp cho phẫu thuật đường bên có độ an toàn cao tránh được tổn thương thần kinh trong khi mổ. Đối với những bệnh nhân đã được mổ phẫu thuật cột sống lối sau trước đó, với nhiều sẹo xơ dính, việc phẫu thuật lối bên ít xấm lấn là một lựa chọn tối ưu, an toàn cho người bệnh, do có đường tiếp cận hoàn toàn khác.

Trong kỹ thuật này, tia X được sử dụng với liều giảm tiếp xúc tối đa để gài những ống điện tử vào tận cột sống kết hợp với kính hiển vi, camera và hệ thống cảnh báo thần kinh NVM5,... nhờ đó mà các bác sĩ có thể hoàn toàn trông thấy được rõ ràng trong khi phẫu thuật.

Bệnh lý trượt đốt sống, vẹo cột sống do thoái hóa lại rất phổ biến ở Việt Nam và càng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là người cao tuổi. Chính vì vậy, việc mổ thị phạm và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội là một sự kiên chuyên môn rất có ý nghĩa.

Theo thống kê của các nước phát triển có khoảng 20-30% các bệnh cột sống cần phẫu thuật, tỷ lệ bệnh nhân phẫu thuật cột sống ngày càng tăng lên và phẫu thuật ngày càng an toàn hơn nhờ tiến bộ của khoa học, đặc biệt của các trang thiết bị.

Tuy tổn thương thần kinh trong phẫu thuật cột sống gặp không nhiều nhưng hậu quả rất nặng nề, đó luôn là điều lo ngại của cả các bác sĩ lẫn bệnh nhân. Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều bệnh nhân cột sống cần phẫu phuật, nhưng nhiều bệnh nhân khi được chỉ định phẫu thuật băn khoăn là có bị liệt sau khi phẫu thuật cột sống hay không.

 

Bệnh lý thoái hoá cột sống thắt lưng đang ngày càng gia tăng và trẻ hoá, nguyên nhân, có nhiều lý do nhưng trong đó có nguyên nhân từ thới quen sinh hoạt như ngồi lâu cố định trong một thời gian dài, hoặc bê vác vật nặng sai tư thế, thói quen đi dày dép cao gót... Mỗi ngày trung bình Bệnh viện Đại Học Y có khoảng 60 bệnh nhân đến thăm khám các bệnh liệ quan đến thắt lưng cột sống, trong đó có khoảng 20% trong số đó có chỉ định mổ.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần thay đổi thói quen sinh hoạt , tuyệt đối không tự điều trị, điều trị theo mách bảo như: uống thuốc nam, tiêm thuốc giảm đau khi có dấu hiệu: Đau cột sống thắt lưng kéo dài, tê bì yếu chân, vận động khoe khăn ... cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Khánh Mai
Ý kiến của bạn