Hà Nội

Lần đầu tiên phát hiện loài cầy mực quý hiếm, nằm trong Sách đỏ tại Quảng Bình

17-12-2024 15:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Cầy mực là loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Thế giới thuộc diện sắp nguy cấp và đe dọa tuyệt chủng (EN), theo Sách đỏ động vật Việt Nam.

Ngày 17/12, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong cho biết, qua đợt điều tra, giám sát động vật hoang dã bằng bẫy ảnh, lần đầu tiên phát hiện cá thể cầy mực quý hiếm (còn gọi là gấu chồn) trong lâm phần. Đây cũng là cá thể cầy mực hoang dã đầu tiên được phát hiện ở Quảng Bình.

Video: Phát hiện cá thể cầy mực đầu tiên tại Quảng Bình thông qua bẫy ảnh.

Ông Hà Vũ Cao, Trưởng Phòng Khoa học, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong cho biết, cầy mực có hình thể và bộ lông khá giống loài gấu nên thường bị nhầm là gấu. Tên chi Arctitis (gấu - chồn) là sự kết hợp của arktos - gấu và iktis - chồn, đôi khi chúng được gọi là gấu chồn.

Cầy mực có chiều dài cơ thể từ 60 - 95cm, đa số có bộ lông đen tuyền trừ phần mõm phớt trắng. Lông của cầy mực dài, thô và xù, đuôi dài, rậm lông, có gốc đuôi lớn và thon dần về phía mút đuôi.

Loài động vật này có tập tính ăn đêm, ngủ trên các cành cây. Thức ăn chính là trái cây, ngoài ra còn ăn trứng động vật, mầm cây, lá cây và các loại động vật nhỏ như các loài gặm nhấm hoặc chim. Cầy mực có thể đạt tuổi thọ trên 20 năm.

Cầy mực trước đây có khá nhiều ở Việt Nam, nhưng hiện tại chỉ còn xuất hiện tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Lai Châu… Nạn phá rừng làm giảm đáng kể số lượng cầy mực. Loài này nằm trong Sách đỏ Thế giới (IUCN Red List) thuộc diện sắp nguy cấp (VU). Cầy mực có cấp độ đe dọa tuyệt chủng ở mức nguy cấp (EN) theo Sách đỏ động vật Việt Nam.

Lần đầu tiên phát hiện loài cầy mực quý hiếm, nằm trong Sách đỏ tại Quảng Bình- Ảnh 1.

Loài động vật này có tập tính ăn đêm, ngủ trên các cành cây.

"Cá thể cầy mực này được bẫy ảnh ghi nhận khi đang di chuyển dưới mặt đất. Đây là cá thể cầy mực đầu tiên được ghi nhận ở Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong và tại Quảng Bình từ trước tới giờ", ông Cao cho biết.

Theo ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, công tác điều tra và giám sát động vật hoang dã bằng bẫy ảnh trong những năm qua, phát hiện nhiều loài thú quý hiếm, nguy cấp cần phải bảo tồn như: chà vá chân nâu, vượn siki, thỏ vằn, tê tê Java, sơn dương... Kết quả đó khẳng định mức độ đa dạng sinh học cao ở khu rừng này.

Lần đầu tiên phát hiện loài cầy mực quý hiếm, nằm trong Sách đỏ tại Quảng Bình- Ảnh 2.

Qua khảo sát trực tiếp và kết quả bẫy ảnh trong những năm qua, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong phát hiện nhiều loài thú quý hiếm, nguy cấp cần phải bảo tồn.

"Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra bảo vệ rừng, tháo gỡ bẫy, tạo môi trường an toàn cho động vật hoang dã. Thực hiện nghiên cứu bảo tồn, tái thả các loại động thực vật quý hiếm. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn các loài động vật hoang dã", ông Hải cho biết.

Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong có tổng diện tích hơn 22.210 héc ta, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Bình, giáp với biên giới Việt – Lào. Đây là khu rừng nhiệt đới nguyên sinh với độ che phủ lên tới 98%, được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đánh giá là một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học toàn cầu.

Lần đầu tiên phát hiện loài cầy mực quý hiếm, nằm trong Sách đỏ tại Quảng Bình- Ảnh 3.

Trong hình là chà vá chân nâu, một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm, đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, hiện khu vực này là nơi cư trú của 76 loài thú, 214 loài chim và 671 loài bò sát. Trong đó có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao. 

Phát hiện nhiều động vật quý hiếm ở Kẻ GỗPhát hiện nhiều động vật quý hiếm ở Kẻ Gỗ

SKĐS - Quá trình đặt bẫy ảnh phục vụ hoạt động giám sát đa dạng sinh học, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ ghi nhận nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn