Thành công này đã phá vỡ quan niệm từ trước đến nay cho rằng bệnh có thể tự khỏi khiến những bệnh nhi này thường được mổ muộn, dễ dẫn đến nghẹt ruột, hoại tử ruột rất nguy hiểm.
Từ lúc được 1 tháng tuổi, bé Nguyễn Duy Bảo (ở Hà Nội) thường xuyên xuất hiện các khối sưng vùng bẹn bên trái mỗi khi quấy khóc. Các khối sưng này xẹp xuống khi bé hết khóc hoặc nằm yên. Nhưng sau nhiều lần như vậy, khối sưng cũng to dần. Vì thế gia đình đã cho cháu đến khám tại bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec. Do nghi ngờ ống phúc tinh mạc bên phải của cháu còn mở (gặp với tỉ lệ khá cao khi trẻ bị thoát vị bẹn bên trái) nên các bác sĩ ở đây đã khuyên gia đình sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi.
Cháu Bảo đã được GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm phẫu thuật nội soi vào ngày 30/1, khi bé được 50 ngày tuổi. Đúng như dự đoán, trong khi mổ, ngoài việc quan sát thấy ống phúc tinh mạc bên trái rộng, các bác sĩ cũng đã thấy ống phúc tinh mạch bên phải của bé cũng bị rộng. Bé đã được tiến hành khâu ống phúc tinh mạc cả bên trái và bên phải. Sau mổ 1 ngày, cháu bé đã hồi phục nhanh chóng, được ra viện và hiện tình trạng sức khỏe ổn định.
Cháu bé sau khi được phẫu thuật thoát vị bẹn thành công bằng phương pháp nội soi.
GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm cho biết, thoát vị bẹn là dị tật do ống bẹn và ống phúc tinh mạc không bịt kín ngay khi trẻ chào đời, biểu hiện bằng một khối phồng tại vùng bẹn - bìu ở trẻ trai và ở gần âm hộ của trẻ gái. Bệnh hay gặp ở trẻ trai hơn trẻ gái. Những trẻ nam bị thoát vị bẹn bên trái có 20 - 30% cũng kèm theo ở bên phải. Nhưng nếu ở bên phải thì khả năng bị bệnh còn lại thấp hơn. Đây là bệnh lý phổ biến ở trẻ, nếu bệnh không được điều trị kịp thời, các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng (ở bé gái) có thể chui vào ống phúc tinh mạc và bị nghẹt. Còn với trẻ trai, do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép bởi các nội tạng bị nghẹt, ruột ép vào bó mạch tinh hoàn, sẽ gây giảm lượng máu nuôi đến tinh hoàn. Thậm chí, ở các trẻ bị dị tật này, nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến nghẹt ruột, hoại tử ruột rất nguy hiểm.
Trước đây ở nước ta, trẻ thoát vị bẹn thường được mổ muộn vì nhiều người vẫn cho rằng bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, theo GS Liêm, trẻ có dị tật này, khối thoát vị xuất hiện ở lứa tuổi càng nhỏ càng cần được mổ sớm để tránh nguy cơ nghẹt ruột cho trẻ. Trước đây phẫu thuật thoát vị bẹn cũng thường được mổ mở. Nhưng hiện nay nhiều trung tâm trên thế giới đã điều trị thoát vị bẹn bằng nội soi. Một nghiên cứu đa trung tâm thực hiện tại Anh cũng cho thấy, ưu điểm lớn nhất của phẫu thuật thoát vị bẹn bằng nội soi là phẫu thuật viên dễ dàng nhận thấy ống dẫn tinh và mạch máu nuôi tinh hoàn, đồng thời có thể khâu lại ống phúc tinh mạc (nguyên nhân gây thoát vị bẹn ở trẻ em) mà không đụng chạm đến ống dẫn tinh hoặc mạch máu nuôi tinh hoàn. Vì vậy tránh được 2 biến chứng nguy hiểm là tắc ống dẫn tinh hoặc teo tinh hoàn, những biến chứng có thể gặp trong khi mổ mở. Ngoài ra nội soi cũng cho phép đánh giá tình trạng ống phúc tinh mạc bên đối diện và khâu kín ngay nếu nó còn mở, có thể ngăn ngừa hiện tượng thoát vị bẹn ở bên đối diện.
BS Ngô Duy Minh, Khoa Ngoại nhi Vinmec cũng cho hay, thời gian qua, bệnh viện cũng đã tiếp nhận và tiến hành phẫu thuật nội soi các trường hợp mổ thoát vị bẹn bị tái phát. Nguyên nhân bệnh tái phát là do ống phúc tinh mạc mỏng nên phẫu thuật viên đã không khâu được ống, hoặc sau khâu bị tổn thương, bục. Trong các trường hợp này, mổ nội soi là phương pháp tốt nhất vì mổ mở có nhiều khả năng làm thương tổn ống dẫn tinh hoặc mạch máu nuôi tinh hoàn.
Các bác sĩ cũng lưu ý dấu hiệu phát hiện thoát vị bẹn ở trẻ là trẻ bị các khối sưng phồng ở bẹn, xuất hiện khi quấy khóc rồi lại xẹp khi nằm yên – đây rất có thể là dấu hiệu trẻ bị thoát vị bẹn. Cha mẹ cần đưa trẻ tới khám để chẩn đoán đúng bệnh và có hướng xử lý sớm, hiệu quả.
Minh Trí