Đại diện Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2018 cho biết thêm, chủ đề Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI là “Văn học đồng hành cùng đất nước”. Các hoạt động diễn ra trong Ngày thơ năm nay chính là bước chuẩn bị quan trọng để Ngày Thơ Việt Nam trở thành Ngày Văn học Việt Nam. Nét mới nhất của sự kiện lần này là kéo dài trong 4 ngày chứ không phải 1 ngày như các năm trước vào 15 tháng Giêng âm lịch.
Các nhà văn, nhà thơ giao lưu tại Sân thơ truyền thống tại Ngày Thơ Việt Nam năm 2017 (Ảnh: Hoa Quỳnh)
Hoạt động mở màn cho Ngày thơ Việt Nam là chiều ngày 27-2 với Hội thảo chủ đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay”, sau đó 1 ngày là Hội thảo về “Đổi mới tư duy tiểu thuyết Việt Nam đương đại”. Cả hai Hội thảo này cùng tổ chức tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam (9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội).
Ngay sau đó, tại khu vực Hồ Văn thuộc khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Sân thơ các Câu lạc bộ thơ sẽ khai mạc với các hoạt động thi trình diễn thơ và biểu diễn văn nghệ của các Câu lạc bộ thơ. Và điểm nhấn quan trọng nhất vào ngày 2/3 (Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất), Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) sẽ khai mạc với hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ.
Ngày Thơ Việt Nam luôn là sự kiện thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ và những người yêu thơ ở Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế tham dự (Ảnh: Hoa Quỳnh)
Ngoài chương trình đọc, trình diễn thơ của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam ở 2 sân thơ còn có sự tham gia của 4 nhà thơ Nhật Bản cùng sự phối hợp các màn biểu diễn minh họa của các sinh viên ở Học viện múa Việt Nam. Như mọi năm sẽ có tiết mục thả thơ với 50 câu thơ hay do các nhà thơ uy tín tuyển chọn.