Đây là một công trình Nguyễn Quang Long ấp ủ từ lâu. Anh mang suy nghĩ của mình chia sẻ với NSND Thanh Hoài và nghệ sĩ Phạm Dũng cách đây 5 năm và đều nhận được sự khích lệ.
2021, nhạc sĩ Quang Long chia sẻ với một thành viên Qũy Thiện Tâm và được khuyến khích gửi ý tưởng dự án đến Quỹ. Cuối cùng Qũy đã hỗ trợ một phần. Tuy phần hỗ trợ không lớn nhưng đó là điểm khởi đầu đầy động lực để nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cùng các cộng sự có thêm quyết tâm.
NSND Thanh Hoài ngâm chương I của Truyện Kiều
NSND Thanh Hoài ngâm chương I của Truyện Kiều trong buổi ra mắt dự án ngâm Kiều theo lối truyền thống
Dự án sau khi chia sẻ được nhiều nghệ sĩ uy tín ủng hộ. Theo đó, các nghệ sĩ đảm nhiệm phần ngâm Kiều có: NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Quốc Khanh, Văn Phương, Thúy Nga. Trong khi dàn nhạc là các nghệ sĩ: Trần Quế Hương (đàn tranh), Phạm Đức Bình (đàn nguyệt), Lê Tiến Trung (sáo, bầu), NSƯT Xuân Hải (nhị). Phần thu âm được thực hiện tại phòng thu cá nhân của nghệ sĩ Chu Cường. Đảm nhiệm phần vẽ tranh minh họa là nhóm của họa sĩ Nguyễn Quỳnh; phần kỹ thuật dựng do Ngọc Tiến (VTVcab) thực hiện.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long (bên phải) và NSUT Thúy Ngần chia sẻ với công chúng khi làm dự án ngâm Kiều
Sau khi được âm nhạc chắp cánh, toàn bộ 3.254 câu thơ trong tác phẩm Truyện Kiều có tổng thời lượng là 561 phút, tức là tương đương khoảng gần 10 tiếng âm thanh. Để khán giả dễ dàng tiếp cận, nhóm dự án chia thành 12 chương theo nội dung của truyện, mỗi chương có độ dài từ khoảng trên 30 phút cho tới 100 phút. Các chương này được lần lượt giới thiệu vào 20h các ngày thứ Ba, Năm, Bảy từ ngày 1/4 đến ngày 24/4/2021 trên kênh Youtube Dân ca & Nhạc cổ truyền do nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long chủ trì, giới thiệu và tôn vinh nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam. Cho tới thời điểm này, đây là dự án đầu tiên và duy nhất giới thiệu Truyện Kiều hoàn toàn theo đúng lối ngâm Kiều.
Nghệ sĩ Phạm Đình Dũng - người rất tâm huyết cùng Nguyễn Quang Long để làm dự án ngâm Kiều
Theo nhà thơ Hồng Thanh Quang, nguyên Tổng biên tập Báo Đại Đoàn kết, trước năm 1814-1820, thời điểm người ta cho rằng Truyện Kiều được Nguyễn Du viết ra, không có Truyện Kiều người dân vẫn hạnh phúc. Nhưng sau đó, niềm hạnh phúc của người dân không thể không có Truyện Kiều. Nếu tuổi thơ chúng ta không được tiếp xúc vài câu Kiều thì lớn lên không có tâm hồn người Việt đầy đủ. Vì hơn tất cả mọi tác phẩm, Truyện Kiều là một tập đại thành của người Việt, dù cốt truyện mượn của Thanh Tâm tài nhân. Bởi nó không chỉ là một tác phẩm thơ, một tác phẩm văn học mà là nơi tâm hồn Việt nương tựa vào. Không phải ngẫu nhiên mà người dân ta ru con cũng bằng Truyện Kiều; khi đang phân vân, khi đang áy náy, khi đang không hiểu điều gì đó thì người ta cũng tìm đến Kiều bằng cách bói Kiều; khi cần hiểu điều gì tinh tế, tế nhị thì lẩy Kiều, tập Kiều, tức đưa 1-2 câu Kiều ra, sửa đổi một vài chi tiết.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang
“Trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du vừa qua, có nhiều tác phẩm liên quan Kiều. Mai Thu Huyền làm phim, nhiều họa sĩ vẽ… nhưng tôi nghĩ Kiều hay nhờ câu chữ Nguyễn Du, còn các thể loại khác là nhờ tài năng người nghệ sĩ hiện đại, cụ Nguyễn Du chỉ là truyền cảm hứng. Các loại chuyển thể không liên quan lắm đến Truyện Kiều. Nhưng dự án ngâm Kiều của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cùng các nghệ sĩ dự án hoàn toàn tôn trọng Nguyễn Du, không sửa đổi bất cứ từ nào nhưng vẫn truyền đạt cho chúng ta được cảm xúc cá nhân của các nghệ sĩ đương đại. Và tôi nghĩ đây là dự án gần với cụ Nguyễn Du nhất trong dịp kỷ niệm này” - nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ.
Xem thêm: Cảo thơm lần giở: Nhân 200 năm Truyện Kiều của Nguyễn Du
Khi Truyện Kiều lên sân khấu