Lần đầu tiên đặt ECMO cứu sống bệnh nhi nhỏ tuổi nhất

09-08-2013 16:22 | Tin nóng y tế
google news

Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) vừa tiến hành kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) thành công cho bệnh nhi Nguyễn Mai Thu (14 tuổi, tại Kim Ngưu, Hà Nội). Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được cứu sống bằng kỹ thuật tiên tiến này.

Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) vừa tiến hành kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) thành công cho bệnh nhi Nguyễn Mai Thu (14 tuổi, tại Kim Ngưu, Hà Nội). Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được cứu sống bằng kỹ thuật tiên tiến này.

BS. Mai Cường, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi Nguyễn Mai Thu cho biết, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực đêm 1/8 sau khi đã được các bác sĩ khoa Nhi cấp cứu tích cực. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn trong tình trạng sốc nặng, suy tim, huyết áp tụt còn 60/40 mmHg, nguy cơ tử vong cao do nhập viện muộn. Rất nhanh chóng, các bác sĩ đã tiến hành kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường cứu sống bệnh nhi.
Lần đầu tiên đặt ECMO cứu sống bệnh nhi nhỏ tuổi nhất 1
BS. Mai Cường thăm khám cho bệnh nhi Mai Thu.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là trường hợp bệnh nhi đầu tiên được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO. Trước đó, khoa Hồi sức tích cực cũng đã áp dụng kỹ thuật này trên gần 20 bệnh nhân trưởng thành và đều cho kết quả tốt.

Theo BS. Mai Cường, thực hiện ECMO trên bệnh nhi nhỏ tuổi gặp phải rất nhiều khó khăn như việc chọn lựa cannula đặt trong mạch máu sao cho vừa đủ để hút máu ra và bơm máu vào, do kích thước mạch máu nhỏ. Thêm nữa, cơ tim ở bệnh nhi thường hồi phục khó hơn. Trường hợp bệnh nhi Mai Thu bị suy tim nặng lại có tiền sử hở van hai lá, có tổn thương cơ tim nên càng khó khăn. Trong quá trình điều trị, xét nghiệm đông máu luôn có rất nhiều biến động…

Đáng mừng là sau 6 ngày áp dụng kỹ thuật ECMO, tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt, sau đó hồi phục hoàn toàn nên đã ngừng kỹ thuật ECMO và rút ống nội khí quản. Hiện, bệnh nhân đã tự thở được mà không cần bất kì phương tiện hỗ trợ nào khác.
Lần đầu tiên đặt ECMO cứu sống bệnh nhi nhỏ tuổi nhất 2
Sau 6 ngày áp dụng kỹ thuật ECMO, bệnh nhi đã khỏe mạnh, hồng hào, chuẩn bị ra viện.

Bác Ngô Thị Bích Liên (50 tuổi), mẹ bệnh nhi Mai Thu cho biết, hiện sức khỏe của cháu đã ổn định, cháu ăn uống tốt, sắc mặt hồng hào lên rất nhiều. Gia đình rất cảm ơn các bác sĩ đã tận tâm cứu chữa để cháu có thể ổn định sức khỏe, chuẩn bị bước vào năm học mới.

BS. Phạm Thế Thạch (Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai) cho biết, hệ thống tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) có thuận lợi là dễ dàng, nhanh chóng có thể khởi tiến hành nhanh chóng trong vòng 20 – 30 phút mà không phải mở xương ức và đây là biện pháp duy nhất thích hợp cho cả trường hợp có ngừng tuần hoàn. Máu được lấy ra từ tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch trung tâm qua ống thông lớn qua hệ thống môtơ quay tốc độ 500-3.000 vòng/phút, với phương thức ly tâm từ trường để trao đổi oxy (nhận oxy), thải CO2. Sau đó, máu đã được làm giàu oxy, được bơm trở về động mạch chủ dưới hoặc tĩnh mạch trung tâm, thực chất là làm thay công việc co bóp tống máu của tim và làm giàu oxy của phổi.

Kỹ thuật ECMO có thể được áp dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim – chức năng phổi khi có suy tim nặng, sốc tim hay các suy hô hấp cấp tiến triển nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao. Kỹ thuật tiên tiến này cũng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực hồi sức cho những trẻ sơ sinh non yếu có phổi chưa trưởng thành, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng như: viêm phổi do cúm H5N1, H1N1, H7N9 nặng mà các máy hỗ trợ hô hấp không hiệu quả; viêm phổi do vi khuẩn hoặc do các tình trạng sốc nguyên nhân do tim như: do viêm cơ tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim nặng, nhồi máu phổi nặng, suy tim nặng chờ ghép tim…

Dương Hải

Ý kiến của bạn
Tags: