Hai bệnh nhân (BN) đầu tiên đã được cấy hạt phóng xạ I-125 điều trị thành công bệnh ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) tại BV Bạch Mai. Theo các bác sĩ, đây là căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao, tại VN ước tính có hơn 1.200 ca mới mắc và có tới 726 ca tử vong.
Sáng ngày 14/5, hai BN khỏe mạnh xuất viện trong niềm vui mừng phấn khởi của gia đình và các y bác sĩ.
Phóng sự: Cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Tỉ lệ sống thêm không mắc bệnh đạt đến 97%
BN Nguyễn Đình L., 80 tuổi (Hà Nội) - người vừa được cấy hạt phóng xạ cho biết: “Một năm trước tôi có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn, sau khi xét nghiệm tại một BV đã phát hiện UTTTL, tôi được chỉ định mổ phanh. Nhưng do tuổi cao nên tôi đã không thực hiện. May mắn tôi biết được BV Bạch Mai có phương pháp điều trị mới là cấy hạt phóng xạ. Là một trong 2 BN đầu tiên tại Việt Nam được điều trị thành công bằng phương pháp mới này, tôi cảm thấy hết sức vui mừng. Hiện nay sức khỏe tôi đã hoàn toàn bình thường, thậm chí tôi còn cảm thấy mình khỏe hơn trước”.
Cùng chung niềm vui với BN L., ông Trần Tự H., 63 tuổi, (Hà Nội) chia sẻ, thành công của phương pháp cấy hạt phóng xạ đã vượt xa những gì mình mong đợi: “Tôi không ngờ quá trình bình phục lại nhanh tới vậy, chỉ sau 1 ngày tôi đã về nhà và sinh hoạt bình thường. Thật sự, phương pháp cấy hạt phóng xạ đã mở ra tia hi vọng sống cho những bệnh nhân UTTTL phát hiện sớm”.
Các y bác sĩ chúc mừng hai BN khỏe mạnh ra viện.
GS.TS Mai Trọng Khoa, PGĐ BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết: “Với những BN phát hiện UTTTL ở giai đoạn sớm và khu trú, thì cấy hạt phóng xạ là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, tăng thời gian sống thêm, tăng chất lượng cuộc sống. Kỹ thuật này đã được ứng dụng thường quy tại Hoa Kỳ và một số nước Châu Âu, châu Á mang lại hiệu quả điều trị cao. Tỷ lệ sống thêm không mắc bệnh đạt 97%”.
Ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh UTTTL khá cao, điều trị còn nhiều khó khăn song cho đến nay chưa có cơ sở y tế nào triển khai áp dụng kỹ thuật điều trị UTTTL bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ. Đây là một kỹ thuật hiện đại trong điều trị ung thư, tuy nhiên, để triển khai được kỹ thuật rất phức tạp này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa sâu như, chuyên khoa: ung bướu, y học hạt nhân, chẩn đoán hình ảnh, thận – tiết niệu, ngoại tiết niệu, gây mê hồi sức… Phải có thiết bị cấy hạt phóng xạ, hệ thống máy siêu âm mô phỏng với phần mềm lập kế hoạch xạ trị chuyên dụng… BV Bạch Mai là BV đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, là nơi đầu tiên ở Việt Nam triển khai thành công kỹ thuật này.
Giải thích rõ về kỹ thuật cấy hạt phóng xạ điều trị UTTTL, GS. Khoa cho biết, đây là phương pháp xạ trị đưa các hạt phóng xạ I-125 kích thước nhỏ 4,5x0,8 mm, phát tia gamma năng lượng thấp (35 keV), vào trong tổ chức khối u, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ mà không hoặc ảnh hưởng rất ít tới mô lành xung quanh.
Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này là tạo ra liều hấp thụ bức xạ cao tại khối u, trong khi cơ quan và tế bào lành chỉ phải chịu liều bức xạ rất thấp. Các hạt phóng xạ có thời gian bán rã không quá ngắn và không quá dài (chẳng hạn với I-125 là 60 ngày) nên có thể để lại các hạt phóng xạ trong lòng tuyến tiền liệt mà không cần lấy ra sau khi cấy hạt phóng xạ vào. Với thời gian chiếu xạ tại mô bệnh kéo dài khoảng 6 tháng là vừa đủ cho việc điều trị.
“Thay vì phải điều trị từ 6-8 tuần như các phương pháp xạ trị chiếu ngoài, thì những bệnh nhân UTTTL chỉ cần điều trị 1 lần, và sinh hoạt bình thường sau 1-2 ngày nghỉ ngơi. Chức năng sinh lý của nam giới (liệt dương) ít hoặc không bị ảnh hưởng, ít biến chứng, tăng chất lượng cuộc sống" - GS. Khoa nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, GĐ BV Bạch Mai cho biết, lần đầu tiên BV Bạch Mai thực hiện thành công kỹ thuật này đã thể hiện quyết tâm của toàn thể các y bác sĩ của BV, đưa những kỹ thuật hiện đại nhất, phức tạp nhất, vào chẩn đoán và điều trị để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân".
Nam giới mắc UTTTL ngày càng tăng
GS. Khoa cho biết, UTTTL là khối u ác tính xuất phát từ tế bào biểu mô của tuyến tiền liệt. UTTTL thường di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là vào xương và các hạch bạch huyết… UTTTL có thể gây đau đớn và khó khăn trong việc đi tiểu, quan hệ tình dục, hoặc rối loạn chức năng cương dương…
Tỷ lệ phát hiện UTTTL khác nhau đối với các vùng trên toàn thế giới. Theo Globocan 2012 thì tỷ lệ mắc UTTTL cao nhất ở Australia, New Zealand, Bắc Mỹ, Đông âu. Theo dữ liệu của Mạng lưới ung thư quốc gia Mỹ (NCCN) năm 2012 có 241.740 trường hợp mới mắc, chiếm 28% tổng số BN ung thư mới mắc ở nam giới và 28.170 BN tử vong.
Người Châu Á có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn: 1-7/100,000. Cụ thể là Hong Kong: 2.6, Nhật Bản: 3.8, Singapore: 4.2, Thụy Điển: 20.4, Thụy Sĩ: 22.5.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh UTTTL ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Theo dữ liệu Globocan 2012, hằng năm ước tính có khoảng 1.275 ca mới mắc, nhưng có tới 872 ca tử vong. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 3,4/100.000 dân, tỷ lệ chế là 2,4/100.000 dân. UTTTL đứng thứ 10 về tỉ lệ mắc.
Theo GS. Khoa, các phương pháp điều trị UTTLT hiện nay bao gồm: Phẫu thuật (phẫu thuật mở, nội soi), cắt lạnh; Nội tiết (cắt bỏ tinh hoàn bằng phẫu thuật hoặc bằng thuốc); Hóa chất; Xạ trị (xạ chiếu ngoài, xạ áp sát); Cấy hạt phóng xạ (xạ trị chiếu trong). Tùy theo phân độ nguy cơ và tình trạng BN cụ thể mà áp dụng một hoặc phối hợp các phương pháp trên, trong đó xạ trị là một trong ba phương thức cơ bản điều trị ung thư (bao gồm: xạ trị chiếu ngoài (Teletherapy); xạ phẫu (Radiosurgery), xạ trị áp sát (Brachytherapy) và xạ trị chiếu trong (cấy hạt phóng xạ) tức là đưa các đồng vị phóng xạ nguồn hở vào hẳn bên trong cơ thể, nhằm tập trung liều bức xạ cao vào trực tiếp tại các tế bào ung thư để phát huy hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác hại tối đa cho các tổ chức lành xung quanh).
Ứng dụng công nghệ hiện đại, cải thiện chất lượng cuộc sống
Kỹ thuật cấy hạt phóng xạ vào khối u để điều trị một số bệnh ung thư như UTTTL, ung thư vú, ung thư gan ... là sự cải tiến của xạ trị áp sát kết hợp với xạ trị chiếu trong đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu áp dụng và đem lại nhiều lợi ích to lớn cho bệnh nhân.
Hiện nay tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản... đã áp dụng rộng rãi phương pháp điều trị này. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc cũng đã bước đầu phổ biến và áp dụng.
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai là cơ sở đầu tiên cho tới thời điểm này tại Việt Nam đã triển khai thành công kỹ thuật cấy hạt phóng xạ điều trị UTTTL. Như vậy, thay vì phải sang nước ngoài, BN hoàn toàn có thể điều trị trong nước, tiết kiệm một khoản không nhỏ chi phí đi lại, sinh hoạt mà chất lượng sống vẫn được đảm bảo nâng cao.
Dương Hải