Lần đầu tại Việt Nam nâng đỡ sa tạng chậu bằng mảnh ghép 6 nhánh

03-03-2019 07:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Hai bệnh nhân vừa được các bác sĩ BV. Bình Dân (TP.HCM) áp dụng điều trị sa bàng quang, sa tử cung và sa mỏm cụt âm đạo bằng kỹ thuật ghép 6 nhánh. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam trong điều trị bệnh lý sa tạng chậu.

Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân 71 tuổi quê ở Đồng Tháp. Bà này nhập viện trong tình trạng sa bàng quang độ 3, sa tử cung độ 2. Người bệnh phát hiện có khối sa ra âm đạo nhiều năm nay, tình trạng rối loạn đi tiểu (tiểu lắt nhắt, tiểu khó, tiểu nhiều lần) ngày càng nặng hơn. Thay vì dùng mảnh ghép 4 nhánh để nâng đỡ những vị trí sa xuống, các bác sĩ đã nâng đỡ sàn chậu bằng mảnh ghép 6 nhánh. Ca phẫu thuật thành công sau 90 phút thực hiện và chỉ một ngày sau mổ, bệnh nhân đã rút thông tiểu, sức khỏe ổn định.

Trường hợp thứ hai là một phụ nữ 67 tuổi bị sa bàng quang độ 4 và sa mỏm cụt âm đạo. Trước đó người bệnh bị rối loạn đi tiểu nhiều năm, có rối loạn đi tiêu.Bệnh nhân cũng được phẫu thuật chữa trị bằng phương pháp nâng đỡ sàn chậu bằng mảnh ghép 6 nhánh. Ngay sau mổ, tình trạng sa đã hoàn toàn được khắc phục, bệnh nhân được rút thông tiểu và gạc âm đạo một ngày sau đó.

ThS.BS Phạm Hữu Đoàn Trưởng khoa Niệu nữ, BV. Bình Dân cho biết, sa tạng chậu là tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu khỏi vị trí giải phẫu bình thường qua ngả âm đạo như sa bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột và các mô liên kết do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu. Bệnh lý sa tạng chậu gây các rối loạn tiểu, rối loạn tiêu hóa, các rối loạn tình dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của phụ nữ. Các chuyên gia ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ mắc bệnh chịu đựng tình trạng bệnh tật kéo dài do ngại ngần, mặc cảm, tự ti dẫn tới việc đánh mất cơ hội được điều trị hiệu quả.

Lần đầu tại Việt Nam nâng đỡ sa tạng chậu bằng mảnh ghép 6 nhánhCác bác sĩ BV. Bình Dân  tiến hành ca mổ đặt mảnh ghép 6 nhánh đầu tiên điều trị sa tạng thận

Bảo tồn: bảo đảm chất lượng sống cho phụ nữ

Quan điểm trị điều trị bảo tồn với bệnh lý sa tạng chậu chỉ mới được thực hiện vài năm trở lại đây. Trước đây các bác sĩ sẽ cắt bỏ các bộ phận bị sa, điều này gây ảnh hưởng lớn đến đời sống phụ nữ, nhất là trong quan hệ tình dục do cắt bỏ tử cung… Từ những hạn chế trên, ngành y đã liên tục thay đổi quan điểm điều trị, cập nhật các phương pháp điều trị mới theo hướng bảo tồn. Đầu tiên người ta tái tạo các cơ quan bị sa bằng cấu trúc tự thân, các vật liệu ghép trước đây ít được sử dụng do chất liệu không tốt, dễ gây biến chứng. Những năm gần đây,  trang thiết bị y tế phát triển thêm những vật liệu cao cấp, chất liệu tốt, ít nhiễm trùng và chi phí rẻ.

Dù vật liệu có cao cấp đến mấy và trình độ chuyên môn có giỏi đến đâu, tầm soát sớm, điều trị sớm, tư vấn trước sinh, thăm khám sau sinh… sẽ giúp giảm chi phí điều trị và chất lượng sống của người phụ nữ trở nên tốt hơn rất nhiều lần.

Tại Việt Nam, thiết bị “nâng đỡ” đầu tiên được áp dụng điều trị là loại lưới 2 nhánh, đồng thời kết hợp các mảnh ghép tự thân, hoặc tự chế các mảnh lưới chắn sa, tuy nhiên kết quả không tốt, sau mổ nhiều người bị thải ghép và đau. Sau mảnh ghép 2 nhánh đến mảnh ghép 4 nhánh chuyên dụng (thông dụng nhất trong những năm gần đây). Dù ghép 4 nhánh có những ưu điểm vượt trội so với kỹ thuật ghép 2 nhánh, tuy nhiên đến khi kỹ thuật ghép 6 nhánh ra đời, hiệu quả điều trị còn cao hơn nhiều lần.

Các triệu chứng cơ nâng sau điều trị như tiểu gắt, tiểu đêm, tiểu lắt nhắt gần như không còn xuất hiện.

Trước đây các bác sĩ quan ngại ghép 6 nhánh nâng đỡ do nhiều nhánh có thể khiến bệnh nhân bị đau, tuy nhiên hiện tượng đau sau khi mổ gần như không có do 6 nhánh trải ra và bác sĩ luôn tránh vị trí có thần kinh khi đặt. Điều cần thiết khác là trước khi tiến hành phẫu thuật, nên khám để điều trị tình trạng đau.

“Sự ra đời của các vật liệu thay thế và cách thức đưa mảnh ghép vào bên trong vùng sàn chậu giúp nâng đỡ cấu trúc cơ cân và dây chằng vùng chậu bị suy yếu đã mở ra bước tiến mới trong điều trị các bệnh lý sa tạng chậu.Từ đó giúp loại bỏ quan điểm cần cắt tử cung để điều trị nhóm bệnh lý này, vốn gần đây được chứng minh làm tăng nặng tình trạng bệnh và khiến việc điều trị khó khăn hơn”, BS.Đoàn nói.

Cho đến nay, phẫu thuật đặt mảnh ghép không ngừng được cải tiến nhằm tối ưu hóa điều trị, hướng tới mục tiêu: giảm hoặc khỏi triệu chứng; tái lập cấu trúc nâng đỡ và cấu trúc vùng chậu; phòng ngừa xuất hiện các thành phần suy yếu mới; sửa chữa các thương tổn phối hợp; hiệu quả kéo dài; rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế mất máu, giảm đau, giảm biến chứng tại chỗ, bảo tồn tối đa cấu trúc giải phẫu tự nhiên của vùng chậu.

Tại BV. Bình Dân, việc khám và điều trị các rối loạn đường tiểu, sa tạng chậu đã không ngừng phát triển hoàn thiện, cụ thể bệnh viện áp dụng các phương pháp điều trị bệnh lý sa tạng chậu tương ứng với nhiều giai đoạn bệnh khác nhau như điều trị nội khoa; tập cơ vùng chậu với hệ thống máy chuyên biệt giúp củng cố các cơ và dây chằng vùng chậu; đặt vòng nâng đỡ và can thiệp phẫu thuật đặt mảnh ghép kèm cố định cổ tử cung vào dây chằng cùng gai để điều trị sa tạng chậu…

-Trong một nghiên cứu lớn tại Mỹ với hơn 16.000 phụ nữ còn tử cung, 14% bị sa tử cung, 34% sa bàng quang và hơn 18% sa trực tràng. Còn trong 10.000 phụ nữ đã cắt tử cung, gần 33% sa bàng quang và hơn 18% bị sa trực tràng. Khuynh hướng sa tạng chậu ngày càng nặng hơn theo thời gian. Ước tính có khoảng 11% phụ nữ sống đến 80 tuổi bị mắc bệnh và trước đây khi chưa có các kỹ thuật mới, một nửa số ấy phải mổ lại vì sa tái phát.
-Sa tạng chậu thường xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh, mang thai và sinh con nhiều lần, béo phì, làm việc nặng, táo bón mạn tính, bệnh lý hô hấp mạn tính và từng phẫu thuật vùng chậu. Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Sàn chậu TP.HCM, bệnh lý ảnh hưởng đến 40% phụ nữ ở độ tuổi trên 50. Đáng lo ngại là trong số này, cứ 5 người có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên.
-Nhiều phụ nữ chưa quan hệ tình dục cũng có thể mắc bệnh do nội tiết thay đổi, hoặc mắc bệnh lý khiến tăng áp lực ổ bụng, đi tiểu khó, đi cầu khó, tư thế làm việc…
-Số ca bệnh ngày càng nhiều do dân số Việt Nam ngày càng tăng, tuổi thọ kéo dài và ý thức thăm khám bệnh của người dân ngày càng cao. Ngày nay phụ nữ sinh ít đi nhưng trọng lượng thai lớn hơn trước; tuổi cao khiến nội tiết suy giảm làm yếu đi cấu trúc cố định các cơ quan; thêm nữa ngày càng có nhiều phụ nữ quan tâm đến bệnh lý và đi khám nên số ca ghi nhận ngày càng nhiều hơn.


THIÊN CHƯƠNG
Ý kiến của bạn