Có lẽ không có nỗi đau nào day dứt hơn nỗi đau nhìn con thơ bị bệnh hiểm nghèo mà phải ngồi yên chờ mong có phép màu để chữa trị. Nhưng cũng sẽ không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui khi tìm thấy tia hy vọng từ sự phát triển của y học hiện đại và tin tưởng vào nỗ lực không ngừng nghỉ của những bác sĩ tận tâm để mang lại cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc cho con. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa quốc tế (BV ĐKQT) Vinmec đã ứng dụng thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị teo đường mật bẩm sinh qua can thiệp mạch cho một bé trai 4 tuổi, ở Thanh Hóa. Đây là kỹ thuật mới, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.
Hành trình đấu tranh giành sự sống từ khi 1 tháng tuổi
Là con thứ 3 trong gia đình, bé Trịnh Ngọc S. khi sinh ra có sức khỏe bình thường như bao đứa trẻ khác. Cho đến khi bé 1 tháng tuổi, khi gia đình nhận thấy da bé dần dần vàng hơn, việc đại tiểu tiện cũng có nhiều bất thường thì đưa bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám và được chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh.
Đây là bệnh lý bẩm sinh của hệ thống gan mật, theo đó, đường dẫn mật từ các tế bào gan đến đường mật, dẫn xuống ruột và tá tràng bị teo lại. Bình thường, quá trình tạo mật diễn ra từ tế bào mật - gan, qua các ống dẫn mật dịch mật được đưa xuống tá tràng giúp tiêu hóa thức ăn. Bệnh lý teo đường mật khiến trẻ không có khả năng tiêu hóa thức ăn do mật được tạo ra nhưng không dẫn xuống ruột, gan bị ứ mật. Bố S. cho biết, khi đó, bé thường mất ngủ hay tỉnh ngủ giữa thêm, hay mẩn, ngứa, sức khỏe rất yếu.
May mắn hơn nhiều em bé khác, bé S. được phát hiện sớm và khi được 1 tháng 20 ngày tuổi (năm 2010), GS. Nguyễn Thanh Liêm (hiện là Giám đốc BV ĐKQT Vinmec, tại thời điểm đó đang giữ cương vị Giám đốc BV Nhi TW) đã phẫu thuật cho bé S. bằng phương pháp kasai. Đây là phương pháp phổ biến điều trị bệnh lý teo đường mật, dùng kỹ thuật nối ruột với rốn gan, tạo đường dẫn mật, cải thiện tình trạng ứ mật ở gan.
Từ khi được phẫu thuật bằng phương pháp Kasai, sức khỏe bé tốt dần đều lên. Cho đến thời gian gần đây, khi bé S. có biểu hiện men gan cao dần, bố mẹ bé S. hiểu rằng, đã đến lúc con trai mình cần được y học tiếp tục can thiệp...
Đặt trọn niềm tin vào bác sĩ Việt Nam
Thực tế, đối với bệnh lý teo đường mật, cách chữa trị hiệu quả là ghép gan nhưng trong tình trạng số lượng người hiến tạng ở Việt Nam còn ít, bệnh nhân cần ghép gan (do các bệnh lý teo mật, suy gan cấp) lại rất nhiều, thời gian chờ đợi để được ghép gan rất dài, việc tìm ra một phương pháp hỗ trợ trẻ trong quá trình chờ ghép gan để trẻ có cuộc sống mạnh khỏe bình thường là điều quan trọng.
Trong quá trình tìm hiểu chữa bệnh cho con, bố mẹ bé S. đã tham khảo nhiều BV trong nước và cả chuyên gia nước ngoài, trong đó có các chuyên gia Singapore và biết đến phương pháp ghép tế bào gốc (TBG) điều trị teo đường mật bẩm sinh. Trong khi gia đình đã chuẩn bị tinh thần đưa bé S. sang Singapore để được tiến hành phẫu thuật theo phương pháp mới, họ lại được chính các bác sĩ Singapore giới thiệu GS. Nguyễn Thanh Liêm vốn là chuyên gia trong kỹ thuật Kasai điều trị teo đường mật bẩm sinh, có thể điều trị teo đường mật bẩm sinh bằng cách ghép TBG. Một lần nữa, bố mẹ bé S. (vốn đã tìm hiểu kỹ càng) không chút do dự, đặt trọn sự sống của cậu con trai duy nhất vào GS. Liêm.
Đưa kỹ thuật ghép tế bào gốc lên một tầm cao mới
Ngày 15/1/2014, kíp phẫu thuật của BV ĐKQT Vinmec do GS. Nguyễn Thanh Liêm làm trưởng kíp đã tiến hành ghép TBG cho bé S. Đặc biệt hơn, khi đưa kỹ thuật ghép TBG điều trị teo đường mật bẩm sinh vào Việt Nam, vị bác sĩ có bàn tay vàng trong phẫu thuật nhi khoa đã cải tiến, đưa kỹ thuật lên một tầm cao mới, đó là ghép TBG qua can thiệp mạch. Bệnh nhân được lấy TBG từ tủy xương (mào chậu) của bản thân, sau đó chiết xuất TBG (ghép TBG tự thân), bơm vào động mạch gan, qua can thiệp mạch. Ca mổ kéo dài 3 tiếng 30 phút. Trước đây, bệnh nhân áp dụng kỹ thuật bơm tế bào gốc thường phải mổ mở bơm TBG vào, nhưng bằng kỹ thuật can thiệp mạch, chỉ cần một vết rạch nhỏ, bệnh nhân ít gặp sang chấn, nhanh hồi phục hơn.
GS. Liêm cho biết: “Phương pháp ghép TBG giúp trẻ có cuộc sống khỏe mạnh hơn trong quá trình chờ đợi đến khi có tạng phù hợp để tiến hành ghép gan. Tuy nhiên, nếu quá trình biệt hóa của tế bào gốc thành công, bé S. thậm chí sẽ không cần phải ghép gan nữa mà gan của bé sẽ phát triển bình thường, khỏe mạnh. Đó là mong muốn lớn nhất và sẽ là thành công lớn của cả bệnh viện và gia đình bé S. trên con đường mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho bé”.
Hiện tại, bé S. đã xuất viện với sức khỏe tốt hơn, da bé trắng dần, ngủ tốt, không bị ngứa về đêm. Hỏi về cảm giác khi để con trai duy nhất của mình phẫu thuật bằng phương pháp mới chưa từng áp dụng tại Việt Nam, bố bé S. cho biết, vợ chồng anh đều là kỹ sư, đã tìm hiểu kỹ và hoàn toàn tin tưởng vào khoa học kỹ thuật tiên tiến, vào những kỹ thuật y khoa hiện đại. Lựa chọn cho con điều trị tại Vinmec thay vì đưa con đi Singapore, với sự theo dõi và điều trị trực tiếp của GS Liêm và điều kiện trang thiết bị hiện đại tại Vinmec, anh chị không hề băn khoăn lo ngại.
Con đường chữa bệnh cho con còn dài nhưng Tết này, anh chị và gia đình sẽ trọn vẹn niềm vui xuân mới, bởi trên con đường dài ấy, bé S. sẽ được sự hỗ trợ của những tiến bộ y học mới nhất, được điều trị và chăm sóc bởi những bác sĩ Việt Nam với lòng đam mê, tận tụy với khoa học và trình độ chuyên môn mang tầm thế giới.
Bảo Linh