Lần đầu ghép phổi thành công từ nguồn tạng người cho chết não

19-03-2018 06:32 | Y học 360
google news

SKĐS - * Bệnh nhân nam (54 tuổi, ở Nam Định) trở thành người đầu tiên tại Việt Nam được ghép phổi từ người cho chết não. Đây là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng.

* 6 người khác được trao sự sống từ nguồn tạng hiến của một người cho chết não.

Ông Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, Nam Định) trở thành người đầu tiên tại Việt Nam được ghép phổi  từ người cho chết não. 20 ngày được ghép phổi từ phòng bệnh qua cầu truyền hình trực tuyến, ông Hanh cho biết sức khỏe của ông đã “khá hơn”. Hiện ông đã tự thở không cần hỗ trợ của máy thở, đã tự đi lại trong phòng, xét nghiệm ổn định, khí phổi và khí máu ổn định, đã ăn được cháo.

Ca ghép phổi này được thực hiện tại Bệnh viện TW Quân đội 108. Thành công của ca ghép phổi này đã thêm một lần nữa nhân lên kỳ tích của y học Việt Nam nói chung và chuyên ngành ghép tạng nói riêng bởi ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng vì sự phức tạp, khẩn trương, chuyên sâu, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ từ các khâu, các công đoạn trong quy trình kỹ thuật.

Tạng được lấy tại BV 108 chuẩn bị đưa về BV Việt Đức.

Tạng được lấy tại BV 108 chuẩn bị đưa về BV Việt Đức.

Kỳ tích của các thầy thuốc quân đội

Cuối tuần qua, Bệnh viện TW Quân đội 108 đã tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam và thành công của Đề án ghép mô, bộ phận cơ thể người tại bệnh viện này trong hai năm qua. GS.TS. Trung tướng Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108 - tổng chỉ huy ca ghép phổi cho biết, trước khi được thực hiện ghép phổi, bệnh nhân Hanh được chẩn đoán bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ông Hanh đã đi thăm khám nhiều nơi, đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng vẫn thường xuyên phải nhập viện điều trị, thậm chí phải thở máy, thở ôxy. Tại Bệnh viện TW Quân đội 108, các thầy thuốc đã đưa ra quyết định ghép phổi là cơ hội duy nhất để giành lại sự sống cho ông Hanh.

Vận chuyển tạng vào BV Chợ Rẫy TP. HCM.

Vận chuyển tạng vào BV Chợ Rẫy TP. HCM.

Quyết định là thế, xong các thầy thuốc của bệnh viện cũng trăn trở nguồn phổi của người hiến tặng từ đâu ra? Rồi đến khi đã có nguồn tạng từ người cho chết não và mặc dù đã được trau dồi, học tập về chuyên môn và có cả các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi của Pháp, Bỉ cùng đồng hành nhưng ghép phổi được đánh giá là một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, kể cả với những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới…

do đó, để chuẩn bị cho ca ghép lịch sử này, cùng với việc suốt hơn 40 giờ đồng hồ hội chẩn liên viện, hội chẩn quốc tế, Bệnh viện TW Quân đội 108 đã huy động lực lượng hùng hậu lên đến 60 người thuộc Ban Chỉ đạo, Ban Điều phối - Thư ký, Đơn vị ghép phổi của Trung tâm Ghép tạng bệnh viện cùng tham gia.

Tại Bệnh viện TW Quân đội 108, những việc ghép thận, ghép tim, ghép giác mạc… đã trở thành thường quy từ nhiều năm nay. Nhưng ghép phổi thì đây là lần đầu tiên. Các điều kiện cho ca ghép phổi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, các phương án - kịch bản cho nhiều tình huống được đưa ra với quyết tâm chính trị cao nhất của các chiến sĩ áo trắng - cố gắng tối đa để tiến hành ca ghép tốt đẹp nhất. 10 giờ sáng ngày 26/2, tất cả êkíp bước vào “trận địa” tiến hành ghép phổi cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh.

Ca ghép kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh sau khi ghép phổi được điều trị tích cực, có sự phối hợp nhiều chuyên khoa. Một tuần sau ca ghép, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt. Đến nay đã 20 ngày sau ca ghép phổi, bệnh nhân Hanh đã tự vận động đi lại trong phòng, tự thở, xét nghiệm ổn định, khí phổi và khí máu ổn định, bệnh nhân đã ăn được cháo.

Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật ghép phổi cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh.

Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật ghép phổi cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh.

Từ nguồn tạng của người cho chết não hiến tặng: 6 người khác được trao sự sống

Chia sẻ thêm về ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ nguồn hiến người cho chết não, GS.TS. Mai Hồng Bàng cho biết, ghép phổi là kỹ thuật khó, so với ghép từ người cho sống thì ghép phổi từ người cho chết não khó hơn rất nhiều. Đó là bởi, với người cho sống, các bác sĩ hoàn toàn có thể chuẩn bị kế hoạch như một cuộc mổ phiên. Việc lấy cũng chỉ một thùy hoặc một phân thùy để ghép cho bệnh nhân được chỉ định. Còn với người cho chết não thì khó hơn nhiều. Người cho lúc này bị mất não, chỉ còn tim, phổi sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở và thuốc. Mọi công đoạn tiến hành đều phải rất khẩn trương, nhanh chóng. Khi xác định được người có chỉ định ghép thì phải tìm ngay người nhận tương ứng (đồng nhóm máu, tương thích mới nhận phổi được). Song song với đó, các kíp phải triển khai một loạt công việc từ chuẩn bị phòng mổ, trang thiết bị, hội chẩn các kíp ghép để xác định bệnh nhân có ghép được hay không. Đặc biệt nhất là công đoạn hồi sức chết não, bởi quan trọng nhất là giữ phổi cùng các tạng nguyên vẹn để ghép được. Đây là ca lấy, ghép đa tạng nên càng khó.

Sức khỏe bệnh nhân Hanh tiến triển tốt sau ghép tạng.

Sức khỏe bệnh nhân Hanh tiến triển tốt sau ghép tạng.

Trung tướng Mai Hồng Bàng cho biết, người hiến tạng là một nam giới 45 tuổi chết não. Nghĩa cử cao đẹp và đầy nhân văn của gia đình người hiến tặng đã giúp 6 cuộc đời mắc bệnh trọng được hồi sinh sự sống. Theo đó, ngoài tặng phổi cho bệnh nhân của ca ghép này là bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, còn có 2 người được ghép giác mạc, một người được ghép tim, 2 người được ghép thận. Trong đó, tim và một quả thận được vận chuyển xuyên Việt để ghép cho bệnh nhân ở phía Nam.

Để thực hiện được 6 ca ghép gần như cùng lúc, kíp phẫu thuật lấy và ghép tạng của Bệnh viện TW Quân đội 108 đã lấy tim, gan, phổi, giác mạc, thận của người hiến, phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia để điều phối các ca ghép. Để có trái tim và một quả thận hiến tặng vào được TP.Hồ Chí Minh kịp thực hiện hai ca ghép ở Bệnh viện Chợ Rẫy là cuộc chạy đua với thời gian của các bác sĩ. “Việc phối hợp phải được tính toán từng phút vì tim và phổi không để quá 6 giờ sau khi lấy khỏi cơ thể người hiến. Thận để được lâu hơn nhưng không quá 18 giờ. Sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ tất cả các khâu, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, bệnh viện trên nền tảng chuyên môn kỹ thuật cao đã tạo nên một dấu ấn quan trọng trong chuyên ngành ghép tạng của bệnh viện, cứu sống nhiều bệnh nhân”- Trung tướng Mai Hồng Bàng cho biết.

Thành công của ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tại Bệnh viện TW Quân đội 108 đã khẳng định những nỗ lực chinh phục đỉnh cao y học, làm chủ kỹ thuật khó, đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng của những chiến sĩ áo trắng, đồng thời mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân. Kết quả này cũng là “trái ngọt” đặc biệt của Đề tài Khoa học công nghệ cấp Quốc gia.

Để có được thành công như một kỳ tích y khoa này, từ tháng 3/2016, Bệnh viện TW Quân đội 108 đã triển khai Đề án Khoa học công nghệ tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại bệnh viện. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 18 ca ghép thận, 1 ca ghép gan, 4 ca giác mạc, 5 ca ghép tủy… Tất cả các bệnh nhân sau khi ghép đều ổn định sức khỏe, trở về cuộc sống, sinh hoạt bình thường. Sau thành công của ca ghép phổi, Bệnh viện TW Quân đội 108 sẽ nghiên cứu ghép tử cung, ghép ruột, ghép khối tim, phổi...


Thái Bình
Ý kiến của bạn