Hà Nội

Lần đầu can thiệp phình động mạch chủ bụng bằng stent graft

14-09-2014 20:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Mới đây, ngày 8/9/2014, với sự giúp đỡ của chuyên gia tim mạch đến từ châu Âu và Viện Tim mạch Việt Nam, Trung tâm Tim mạch (TTTM) BV E đã thực hiện ca can thiệp đặt stent graft

Mới đây, ngày 8/9/2014, với sự giúp đỡ của chuyên gia tim mạch đến từ châu Âu và Viện Tim mạch Việt Nam, Trung tâm Tim mạch (TTTM) BV E đã thực hiện ca can thiệp đặt stent graft cho một bệnh nhân cao tuổi bị phình động mạch chủ (ĐMC) bụng.

Tình cờ phát hiện phình ĐMC bụng khi siêu âm ổ bụng

Nhìn nụ cười tươi rói và giọng đùa sang sảng của bệnh nhân (BN) Đường Tiến B., 75 tuổi, ít ai nghĩ ông vừa trải qua một ca can thiệp quan trọng mới chưa đầy một ngày. Ông bắt đầu câu chuyện bằng một câu đùa: “Tôi không ở Hà Nội, tôi ở nhà quê, ở Sóc Sơn...”. Bị tăng huyết áp từ năm 2007, đái tháo đường năm 2013, từ đó đều đặn hàng tháng ông ra BV E khám, điều trị huyết áp và tiểu đường. Cuối tháng 4/2014, tình cờ ông được bác sĩ phát hiện bị phình ĐMC bụng trong lần siêu âm ổ bụng. Nhưng vì khối phồng còn nhỏ, chưa cần phải can thiệp, ông uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Ngày 31/7/2014, đột ngột huyết áp của ông B. tăng cao, uống thuốc cũng không kiểm soát được. Ông được gia đình đưa ngay đến BV E, nhập viện ngay hôm đó. Các bác sĩ TTTM BV E đã điều trị huyết áp ông B. dần ổn định và đợi đến thời điểm thích hợp để tiến hành can thiệp đặt stent graft cho ông B.

Kíp can thiệp đặt stent graft ĐMC bụng cho bệnh nhân B.

Kỹ thuật giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho người bệnh

PGS.TS. Lê Ngọc Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện E, Giám đốc TTTM cho biết: Trước đây, giải pháp điều trị phình ĐMC là phẫu thuật (thay đoạn mạch bị phình tách bằng một mạch nhân tạo). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong khi áp dụng phương pháp này còn khá cao và có thể có khá nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương thận và ruột... Với kỹ thuật đặt stent graft (một giá đỡ được làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng bọc) vào ĐMC, các bác sĩ đã tạo cơ hội sống cho những bệnh nhân bị phình tách thành ĐMC mà không cần phẫu thuật. Đặc biệt, với BN có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu như ông B., nếu phải gây mê chịu đựng cuộc đại phẫu sẽ rất nguy hiểm.

Ngày 8/9/2014, kíp can thiệp do chuyên gia tim mạch đến từ Hà Lan - GS. Frans Moll - nguyên Chủ tịch Hội Phẫu thuật mạch máu châu Âu cùng PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng - Viện Tim mạch Việt Nam và các bác sĩ TTTM BV E đã tiến hành đặt stent graft ĐMC bụng cho BN B. ThS.BS. Phan Thảo Nguyên - người cùng tham gia kíp can thiệp chia sẻ: Khối phồng hình thoi dưới thận đường kính 4,5 - 5cm, có huyết khối bám thành mạch. Phồng lan toả xuống cả ĐMC chung 2 bên và có rất nhiều tổ chức xơ vữa ở xung quanh thành ĐM chủ và ĐM chậu 2 bên. Các bác sĩ tiến hành đưa stent graft qua ĐM đùi 2 bên lên ĐMC bụng. BN được gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo và rất hợp tác với bác sĩ trong quá trình can thiệp. Ca can thiệp diễn ra trong khoảng hơn 1 giờ (mổ phanh kinh điển trung bình từ 3-4h). Ngay sau can thiệp, mạch, huyết động của bệnh nhân ổn định.

PGS. Lê Ngọc Thành cũng cho biết, can thiệp tim mạch là một kỹ thuật ít xâm lấn, bệnh nhân không phải chịu đựng một cuộc đại phẫu, không phải gây mê, giảm thiểu nguy cơ rủi ro và người bệnh sớm được ra viện.

Sau hai tháng chính thức vận hành và đưa vào sử dụng máy chụp chẩn đoán và can thiệp tim mạch 2 bình diện, TTTM BV E đã làm chủ các kỹ thuật nong van 2 lá, nong và đặt stent động mạch (ĐM) thận, ĐM chậu, bịt thông liên nhĩ, can thiệp mạch vành ở những bệnh nhân tắc toàn bộ mạch vành mạn tính... Với việc trang bị máy chụp chẩn đoán và can thiệp tim mạch, TTTM BV E đã góp thêm một địa chỉ tin cậy cho các BN mắc các bệnh lý mạch nguy hiểm; trở thành một trong những cơ sở tim mạch hàng đầu hoàn chỉnh đồng bộ cả về phẫu thuật và can thiệp tim mạch.

Bài, ảnh: Mai Linh

Phình ĐMC là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao (80%) khi có biến chứng vỡ khối phồng. Ở Việt Nam, số bệnh nhân phình ĐMC và lóc tách ĐMC được phát hiện ngày càng nhiều. Bệnh hay gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, do bất thường về gen, do nhiễm khuẩn hoặc do chấn thương... Nguy hiểm của bệnh là gây thiếu máu cho toàn bộ cơ thể khiến các cơ quan bị suy yếu, gây thiếu máu não, tủy, vàng da do vỡ hồng cầu, huyết khối. Tuy nhiên, phần lớn ca bệnh gần như không có triệu chứng. Bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng, chụp phim tim phổi...

 


Ý kiến của bạn
Tags: