Không chỉ giới chuyên môn, người làm nghề, mà ngay cả khán giả cũng nhận định, sân khấu cải lương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Phần lớn nghệ sĩ phải chật vật lắm mới sống được với nghề, chưa kể, cuộc sống của đội ngũ hậu đài còn bi đát hơn nhiều.
Theo chia sẻ của một nghệ sĩ cải lương gạo cội, một trong những nguyên nhân khiến cải lương “thảm” như bây giờ là do chiến tranh. Đặc biệt, giai đoạn 1968 đến 1972, khi chiến tranh lan tràn trên dải đất miền Trung, cải lương đã bị thương tổn rất lớn. Khi hòa bình lập lại, tưởng như cải lương được hồi sinh thì một khó khăn khác lại ập đến, đó là sự xâm lấn của phim ảnh nước ngoài. Có giai đoạn, khán giả mê mẩn với một trào lưu nghệ thuật mới mẻ, trút tiền đi xem phim, cải lương vì thế mà càng thêm đìu hiu.
Cải lương các tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, mà chủ yếu là thiếu sân diễn.
Nghệ sĩ tan tác như gà con lạc mẹ nhưng họ kiên quyết không bỏ nghề. Xoay xở mãi, cải lương cũng tiến tới thời hoàng kim của mình, bộ môn nghệ thuật này đã góp phần tạo nên tên tuổi của những nghệ sĩ lớn như: NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu, NSND Lệ Thủy, NSƯT Út Bạch Lan,... Đặc biệt, rất nhiều chương trình nổi tiếng như: Chuông vàng vọng cổ, Vầng trăng cổ nhạc, giải thưởng Trần Hữu Trang… đã góp phần không nhỏ vào việc phục dựng và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống đầy ý nghĩa này. Nhưng ngay sau đó cải lương một lần nữa “gặp hạn” khi các nghệ sĩ trôi dạt vì các rạp hát dần đóng cửa, họ không sống được với nghề. Đau lòng trước sự suy thoái của bộ môn nghệ thuật này, các nghệ sĩ chỉ biết trông mong vào sự quan tâm của các cấp ngành.
Nhìn chung, cải lương các tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, mà chủ yếu là thiếu sân diễn. Một nghệ sĩ cho biết: “Cách duy nhất để có nơi biểu diễn là chọn một bãi đất trống, che rạp tạm bợ. Gần như tỉnh nào cũng vậy, từ thị xã tới huyện không xây rạp hát, còn trung tâm văn hóa thì giống hội trường, vừa nhỏ, vừa không cách âm, nghệ sĩ không biểu diễn được”. Thời buổi tấc đất tấc vàng, việc kiếm cho ra một sân bãi để dựng rạp hát quả thật cũng khó.
Đối với những nghệ sĩ đang làm việc tại những nhà hát... chưa kịp đóng cửa, tình trạng cũng không khá khẩm hơn. Đặc biệt là các nghệ sĩ ở miền Nam, các rạp hát không còn nhiều. Lý do duy nhất khiến họ ở lại là vì họ vẫn còn sáng tạo, còn đam mê, nhiệt huyết. Cải lương đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”, đó là thực trạng không thể phủ nhận với loại hình nghệ thuật này ở nước ta bây giờ.
Tuy nhiên, sự kiện Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) khai trương trong năm 2015 có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với giới nghệ sĩ nói riêng, nghệ thuật cải lương nói chung. Ngoài khán phòng chính với trang thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại, ghế ngồi thoải mái, nhà hát còn có các khu vực sân khấu thể nghiệm, khu đào tạo diễn viên, phòng truyền thống, phòng sản xuất băng đĩa... Ðây có thể được xem là “tia hy vọng mới” cho giới nghệ sĩ cải lương TP.HCM nói riêng và các tỉnh thành khác ở nước ta nói chung.
Trong tâm thế được về hoạt động nghệ thuật tại “nhà hát trong mơ”, các nghệ sĩ ai nấy mừng vui khấp khởi và tràn đầy hy vọng, những khúc mắc và ưu tư tạm giấu trong lòng. Dẫu sao thì “phận đời” của nghệ thuật cải lương vẫn lênh đênh như con thuyền trôi giữa dòng còn thiếu hoặc chưa có bến đỗ...
Nam Phương