Tò he - thứ đồ chơi hút hồn biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam đang dần chìm khuất giữa những đổi thay của cuộc sống hiện đại. Nhưng trong những giai đoạn thăng trầm, khó khăn đó, vẫn có những người quyết tâm gìn giữ và phục hồi một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Nhuốm màu... hóa chất
Ngày xưa, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... Ở một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi tò he là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, tò he được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên có lẽ người ta gọi là “tò te”, sau này nói trại thành “tò he”.
Trước đây, những người thợ nặn tò he thường là những cụ già tóc bạc, thì nay, không ít bạn trẻ đam mê, gắn bó với nghề này.
Đồ nghề của nghệ nhân tò he cũng rất giản dị: một chiếc tráp bằng gỗ, vài hũ bột gạo dẻo luộc chín trộn sẵn phẩm màu, ít que tre và chiếc ghế nhựa cũ kỹ. Tất cả được chằng buộc cẩn thận trên một chiếc xe đạp mỗi khi di chuyển. Cứ thế, những người nghệ nhân dân gian ngày ngày lang thang qua các góc phố, công viên, cổng chợ... để mang thứ niềm vui cũng rất đỗi giản dị mà thân thương đến với trẻ nhỏ. Chỉ có điều, ngày nay chúng ta hiếm khi gặp lại hình ảnh này trên đường phố, công viên hay cổng chợ nữa. Tò he đang đi đâu? Câu trả lời chỉ có thể là, chúng đang mai một dần bởi nhiều nguyên nhân.
Trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Bây giờ, người ta chuyển sang sử dụng màu thực phẩm công nghiệp vì tiện ích của nó. Có lẽ cũng vì thế mà không ít bậc cha mẹ hiện nay “cấm” con trẻ chơi tò he vì sợ tiếp xúc với hóa chất. Hơn nữa, đối với những nghệ nhân làm tò he chân chính, gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai khiến họ không thể bám trụ với nghề nữa. Nặn tò he không đủ giúp họ thoát được nỗi lo cơm áo. Thậm chí, một số người lên thành phố mưu sinh bằng nghề truyền thống nhưng lại bị đuổi và cấm, bởi tò he chỉ có thể bán rong.
Tìm lại tò he nguyên bản
Khó khăn là thế, nhưng vẫn còn đó những nghệ nhân luôn đau đáu muốn giữ gìn nghề tổ tiên truyền dạy. Nằm cách Hà Nội chừng 30km về phía Đông Bắc, làng Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Tây) đang lặng lẽ lưu giữ nghề nặn tò he. Những cục bột xanh, đỏ, tím, vàng dưới bàn tay thoăn thoắt của các nghệ nhân, thoáng chốc đã biến thành chú gà trống oai vệ với cái mào đỏ chót, chú lợn béo tròn trục, con rồng uốn lượn uy phong... hút hồn biết bao người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đến nay, người dân Xuân La vẫn truyền miệng câu hát “Tò he cụ bán mấy đồng/ Tôi mua một chiếc cho chồng tôi chơi/ Chồng tôi đánh vỡ đánh rơi/ Tôi mua cái mới tôi chơi một mình”.
Trước đây, những người thợ nặn tò he ở Xuân La thường là những cụ già tóc bạc, thì nay, không ít bạn trẻ đam mê, gắn bó với nghề này. Ðã có những trang web riêng, những trang Facebook để quảng bá cho tò he. Thế hệ trẻ của làng nghề tò he Xuân La truyền thống đang triển khai một số dự án đưa làng nghề trở thành một địa chỉ văn hóa - du lịch làng nghề đặc sắc của Thủ đô. Thiết nghĩ, đây cũng là cách tốt nhất để lan tỏa thứ đồ chơi dân gian đến thế hệ trẻ, góp phần lưu giữ nét truyền thống dân gian độc đáo của dân tộc.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề truyền thống nặn tò he thuộc làng Xuân La, chàng trai ngoài đôi mươi Đặng Đình Lân luôn theo đuổi suy nghĩ tìm cách phát triển làng nghề tò he truyền thống. Theo Lân, muốn giữ gìn và phát triển làng nghề, ngoài việc nặn ra các sản phẩm đẹp còn phải quảng bá tới đông đảo mọi người, đưa danh tiếng làng nghề nặn tò he vang xa hơn. Chàng trai trẻ đã nghĩ ra một phương án mới, đó là dạy miễn phí lớp học tạo hình nghệ thuật từ bột nặn cho các em nhỏ ở trường mầm non và tiểu học. Cách nghĩ và cách làm đó của Lân được mọi người trong làng đồng tình, ủng hộ bởi tất cả đều biết rằng những nghệ nhân trẻ như Lân là thế hệ tiếp nối và gìn giữ thứ đồ chơi dân gian...
Không thể phủ nhận tò he đang đứng trước nguy cơ mai một, nhưng cũng giống như nhiều di sản văn hóa khác, tò he vẫn còn một chỗ dựa vững vàng, đó là những nghệ nhân trẻ yêu nghề và yêu văn hóa truyền thống.